Language:
Xét xử bị cáo đang trốn truy nã, thì quyền bào chữa sẽ được thực hiện như thế nào?
28/11/2022
icon-zalo

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường

 

Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội ra quyết định Xét xử vụ án liên quan đến cựu chủ tịch Công ty AIC (hiện tại bà này đang trốn truy nã). Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Nhiều người băn khoăn vậy quy định về xét xử người đang bị truy nã căn cứ vào đâu, quyền bào chữa của bị cáo sẽ được thực hiện ra sao?

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân tích, với bị cáo bỏ trốn, bị truy nã và bị xét xử vắng mặt thì trong một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải chỉ định người bào chữa. Kết luận điều tra, truy tố và xét xử đối với bị cáo đang bị truy nã là chuyện hi hữu, chưa từng xảy ra trong tố tụng hình sự Việt Nam. Việc tòa án chỉ định người bào chữa cho bị cáo bị xét xử vắng mặt cũng là chuyện hiếm gặp. Đây là vụ án đặc biệt tòa án sẽ làm rõ các vấn đề về tố tụng cũng như về nội dung trong phiên tòa xét xử tới đây để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. 

 

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, thì trường hợp bị cáo bỏ trốn, bị truy nã và chưa có kết quả truy nã thì tòa án  có thể xét xử vắng mặt đối với bị cáo. Cụ thể tại Điều 290 quy định về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa, như sau: bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

 

Tại Khoản 2, Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng quy định tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được hội đồng xét xử chấp nhận; nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.

 

Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam đã có quy định rất rõ ràng về việc xét xử vắng mặt đối với bị cáo, thực tiễn tố tụng thì không ít trường hợp tòa án đã xét xử vắng mặt đối với các bị cáo nhưng chủ yếu là các trường hợp bị cáo xin xét xử vắng mặt, số ít trường hợp bị cáo bị truy nã sau khi truy tố và việc truy nã chưa có kết quả, các tình tiết trong vụ án đã được làm sáng tỏ thì tòa án cũng sẽ xét xử vắng mặt. Tuy nhiên trong vụ án này, điều đặc biệt là bị cáo (cựu chủ tịch AIC) và một số đồng phạm khác bị kết luận điều tra và bị truy tố vắng mặt (khi đang bị truy nã) và đến nay là sẽ xét xử vắng mặt nếu như không trình diện (đầu thú) hoặc không bị bắt giữ trước ngày mở phiên tòa.

 

Theo quy định tại Điều 229 và Điều 247 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, thì trong giai đoạn điều tra và giai đoạn truy tố nếu bị can bỏ trốn thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát sẽ tiến hành truy nã và tạm đình chỉ giải quyết vụ án đối với bị can đó (sẽ tiếp tục giải quyết đối với các bị can khác trong vụ án có đồng phạm). Khi nào bắt được bị can sẽ tiếp tục phục hồi điều tra để tiến hành điều tra, truy tố đối với bộ bị can đó. Trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam từ trước đến nay gần như chưa có trường hợp nào cơ quan tố tụng kết luận điều tra và truy tố đối với bị can đang bị truy nã; vấn đề này pháp luật quy định cũng chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể. Có lẽ sau vụ án này thì Ủy ban thường vụ Quốc Hội sẽ có Nghị quyết để hướng dẫn đối với vấn đề này nhằm thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

 

Cần có văn bản hướng dẫn để làm rõ các trường hợp kết luận điều tra, truy tố vắng mặt đối với bị can đang bị truy nã; cũng cần ghi nhận và đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo đang bị truy nã trong một số trường hợp (chỉ định người bào chữa), quy định cụ thể về quyền kháng cáo, hiệu lực của bản án đối với trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo. Quy định về các biện pháp ngăn chặn đối với tài sản, xử lý tài sản của bị cáo đang bị truy nã, quy định về hiệu lực của bản án để phục vụ cho việc dẫn độ tội phạm. Nếu theo quy định pháp luật hiện nay bị cáo bị xét xử vắng mặt thì đến khi nhận được bản án thì phần bản án đó mới có hiệu lực pháp luật, nếu không tống đạt được bản án cho bị cáo thì phần bản án sơ thẩm đó sẽ chưa thể có hiệu lực pháp luật và chưa thể được thực thi, phần dân sự trong vụ án hình sự đối với bị cáo đó cũng chưa thể thực hiện được, đó là điểm vướng cũng cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để xét xử đối với các bị cáo đặc biệt là đối với các bị cáo thuộc nhóm tội tham nhũng chức vụ trong giai đoạn hiện nay.

 

Đây là vụ án khá đặc biệt bởi theo kết luận của cơ quan điều tra và nội dung bản cáo trạng của viện kiểm sát thì hành vi phạm tội của các bị cáo gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội, các bị cáo phạm nhiều tội danh (vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ) với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Điều đặc biệt là trong vụ án này là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng truy tố bị cáo Trần Đình T (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Nai), Đinh Quốc T (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) về tội “Nhận hối lộ” quy định tại các điểm a, b, khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, các tội danh này có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Bị cáo Phan Huy Anh V  (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.

 

Trong quá trình điều tra vụ án cơ quan điều tra đã thu thập được nhiều chứng cứ quan trọng để buộc tội đối với các bị cáo, kết luận điều tra thể hiện có nhiều chứng cứ rõ ràng, xác đáng để buộc tội đối với các bị cáo. Có lẽ vì thế mà cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết tâm truy tố, xét xử đối với các bị cáo đúng trong thời hạn tố tụng mà không tách rút, chờ kết quả truy nã.

 

Một điều đáng chú ý là quyền bào chữa đối với các bị can, bị cáo trong vụ án hình sự trong vụ án này vẫn cần phải được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Theo quy định của hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, trong một số trường hợp thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo.

 

Quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo là một trong những quyền cơ bản bắt đầu từ khi bị buộc tội cho đến khi vụ án hình sự kết thúc. Quyền bào chữa là quyền được đưa ra quan điểm, ý kiến của mình đối với các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, được quyền khai, trình bày ý kiến của mình đối với các vấn đề phải tình tiết của vụ án, được quyền cung cấp chứng cứ, được quyền khiếu nại đối với các quyết định tố tụng. Cụ thể, khoản 2, Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định bị can có quyền được biết lý do mình bị khởi tố; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ; nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này; trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; tự bào chữa, nhờ người bào chữa; đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 

Khi “bị can” bị truy nã và có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì sẽ gọi là “bị cáo”, tại khoản 2, Điều Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định bị cáo có các quyền nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định; tham gia phiên tòa; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định; đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; tự bào chữa, nhờ người bào chữa; trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa; nói lời sau cùng trước khi nghị án; xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa; kháng cáo bản án, quyết định của tòa án; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; các quyền khác theo quy định của pháp luật.

 

Như vậy, có thể nói rằng pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam ghi nhận rất nhiều quyền của bị can, bị cáo, trong đó có quyền bào chữa, quyền được trình bày ý kiến, lời khai của mình đối với các chứng cứ buộc tội, quyền được khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Mặc dù pháp luật quy định bị can bị cáo không có nghĩa vụ phải đưa ra chứng cứ để chống lại mình, không có nghĩa vụ buộc phải nhận mình có tội nhưng pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam cũng quy định rất rõ về việc bị can, bị cáo có quyền trình bày, tranh luận tại phiên tòa, có quyền nói lời sau cùng, có quyền đưa ra các ý kiến, yêu cầu, xuất trình cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh mình không phạm tội hoặc chứng minh các yếu tố quyết định đến mức hình phạt...

 

Nếu bị can, bị cáo bỏ trốn và bị truy nã thì gần như không thực hiện được các quyền mà pháp luật đã ghi nhận trong đó có quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa. Quyền tự bào chữa là phải thực hiện trực tiếp, phải liên hệ trực tiếp đưa ra ý kiến quan điểm, xuất trình tài liệu đồ vật với các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu bị can, bị cáo bỏ trốn và bị truy nã phải bị xét xử vắng mặt thì không thể thực hiện được quyền này. Còn đối với quyền nhờ người khác bào chữa thì bị cáo cũng phải thể hiện ý chí của mình với người bào chữa hoặc thông qua người thân để mời người bào chữa. người bào chữa có thể là luật sư hoặc người khác đủ điều kiện làm người bào chữa theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Nếu không xác định được bị cáo đang ở đâu thì bản thân bị cáo và người thân bị cáo không thể thực hiện được quyền nhờ người khác bào chữa theo quy định pháp luật. 

 

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

 

Như vậy, với chính sách khoan hồng, nhân đạo, với tính ưu việt của chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa thì pháp luật Việt Nam còn quy định về trường hợp "cử người bào chữa" cho bị can, bị cáo trong một số trường hợp đặc biệt. Với những bị can bị cáo là người chưa thành niên, có nhược điểm về thể chất tinh thần mà không thể tự bào chữa hoặc là người bị xét xử ở khung hình phạt có hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình thì pháp luật quy định bắt buộc phải có người bào chữa, khi đó nếu bị can, bị cáo hoặc người thân của bị can bị cáo không nhờ người khác bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cử người bào chữa cho bị can bị cáo và nhà nước sẽ chi trả thù lao và chi phí cho những người bào chữa này theo quy định của pháp luật.

 

Tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định trong các trường hợp nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

 

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này: Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

 

Theo nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thì rất nhiều bị cáo trong vụ án này bị truy tố ở khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Với tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 và tội Đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mức hình phạt cao nhất của các tội danh này là 20 năm tù, các bị can bị truy tố với khung hình phạt này nên thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa. Với tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự thì mức hình phạt cao nhất của là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

 

Bởi vậy các bị cáo này đều thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và phải có người bào chữa buộc tại phiên tòa. Nếu quá trình điều tra, truy tố, xét xử các bị can, bị cáo hoặc người thân thích của bị can, bị cáo không nhờ người khác bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải cử người bào chữa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can bị cáo theo quy định của pháp luật.

 

Chính vì vậy, trong vụ án này đối với các bị cáo đang bị truy nã thì tòa án sẽ cử người bào chữa cho tất cả các bị cáo này để đảm bảo quyền được bào chữa theo quy định tại Điều 61 và Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Những người bào chữa theo chỉ định sẽ đăng ký bào chữa với tòa án, sẽ sao chụp hồ sơ vụ án, nghiên cứu hồ sơ, tham dự phiên tòa để đưa ra quan điểm về đánh giá chứng cứ, đồng thời sử dụng chứng cứ, đưa ra những lập luận để bào chữa theo hướng gỡ tội hoặc giảm nhẹ cho các bị cáo theo quy định của pháp luật. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải chi trả, thanh toán thù lao và chi phí cho những người bào chữa theo chỉ định theo quy định của pháp luật.

 

Đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, thuộc một trong các vụ án mà ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, giám sát. Vụ án hình sự này xử lý đối với nhiều cán bộ có chức vụ cao ở địa phương, số tiền thiệt hại cho nhà nước là đặc biệt lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một số bị cáo trong vụ án này còn có liên quan đến sai phạm của một số vụ án khác nên việc điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện khẩn trương, kiên quyết thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, làm sáng tỏ bản chất của sự việc, làm căn cứ để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Những vụ án như thế này được giải quyết sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh để răn đe đối với những người khác và làm cơ sở pháp lý để thu hồi tài sản do phạm tội mà có để khắc phục hậu quả thiệt hại do tội phạm gây ra. Với những bị cáo đang bị bỏ trốn, có thông tin về việc bị cáo đang ở nước ngoài thì sau khi có bản án của tòa án thì cơ quan chức năng có thể tiến hành yêu cầu các quốc gia mà bị cáo đang cư trú phối hợp để dẫn độ bị cáo về nước để thi hành án.