Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Ngành đăng kiểm phải huy động cả cán bộ bị khởi tố được tại ngoại đi làm vì năng lực kiểm định hiện chỉ đạt trên 50% số lượng phương tiện có nhu cầu. Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam lo ngại nguy cơ đứt gãy, đổ vỡ hệ thống đăng kiểm khi số lượng đăng kiểm viên thiếu hụt trầm trọng, phải để cả người bị khởi tố nhưng chưa bị tạm giam đi làm. Đang thiếu gần 500 đăng kiểm viên, để duy trì hoạt động cho toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên. Như vậy, đang thiếu khoảng 486 đăng kiểm viên. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khiến Cục Đăng kiểm bất đắc dĩ để cả những đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng đang được tại ngoại đi làm việc.
Bạn đọc băn khoăn về việc cán bộ, công chức, viên chức nếu đang bị khởi tố, thì có được đi làm không?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, cụ thể: Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Theo đó, khi công chức bị khởi tố thì chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với công chức đó.
Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 30 Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể: Trường hợp công chức có hành vi vi phạm bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
Như vậy, theo quy định trên thì khi nào cán bộ, công chức, viên chức bị phạt tù thì mới bị ra quyết định buộc thôi việc. Còn trường hợp cán bộ, công chức, viên chức mới bị khởi tố thì chưa bị ra quyết định buộc thôi việc.
Trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị khởi tố nhưng không có quyết định tạm giữ, tạm giam thì trong trường hợp này đơn vị chưa xem xét xử lý kỷ luật nên không được tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức này. Do đó, công chức trong giai đoạn này vẫn được đi làm và hưởng hệ số lương bình thường.
Ngoài ra, tại khoản 1, 3, Điều 41 Nghị định 112/2020/NĐ-CP còn quy định, trong thời gian tạm giữ, tạm giam hoặc được cho tại ngoại nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú mà không thể tiếp tục đi làm để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác mà chưa bị xem xét xử lý kỷ luật thì được hưởng 50% của mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Và nếu trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại.
Như vậy, đã có quy định pháp luật rất rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị khởi tố, truy tố và xét xử, đây là quy định rất nhân văn, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự.
Pháp luật Việt Nam quy định một người chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Một người bị khởi tố bị can, bị cấm đi khỏi nơi cư trú thì chưa chắc chắn là họ sẽ có tội bởi quy trình tố tụng vẫn còn tiếp tục và họ chưa bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Với nguyên tắc suy đoán vô tội thì chỉ đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì một người mới được coi là có tội.
Pháp luật tố tụng hình sự quy định sau khi khởi tố bị can thì cơ quan tố tụng có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong trường hợp bị can bị tạm giam thì đương nhiên sẽ không thể tiếp tục học tập, lao động, làm việc được nữa. Còn trường hợp cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú thì bị can được quyền sinh sống học tập, làm việc tại địa phương, miễn là không ra khỏi nơi cư trú là được.
Quyền lao động, làm việc là quyền cơ bản của công dân được hiến pháp và bộ luật lao động quy định. Quyền này chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp đặc biệt. Trong đó, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay quy định hạn chế làm công việc nhất định là một hình phạt bổ sung trong chế tài hình sự. Khi chưa có bản án kết tội, chưa có hình phạt chính thì sẽ không có hình phạt bổ sung. Bởi vậy, người bị khởi tố chưa bị áp dụng biện pháp cấm làm công việc nhất định nên bị can vẫn có quyền làm việc cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật.
Trong một số trường hợp bị can thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chức vụ, nghề nghiệp. Nếu để bị can tiếp tục thực hiện hoạt động nghề nghiệp có thể dẫn đến việc gây khó khăn cho cơ quan điều tra hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Trong trường hợp đó thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam hoặc yêu cầu cơ quan chức năng tạm đình chỉ công tác để phục vụ cơ quan điều tra.
Tuy nhiên trong vụ án này nếu cơ quan điều tra không tạm giam và cũng không đề nghị cơ quan chức năng tạm đình chỉ công tác thì bị can đang tại ngoại hoàn toàn có thể đi làm để phục vụ công việc và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338