Language:
Cần xử lý triệt để hành vi cho vay nặng lãi, đòi nợ tàn nhẫn trên mạng internet
07/08/2023
icon-zalo

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường

Vay mượn tài sản trong quan hệ dân sự là một trong những giao dịch dân sự phổ biến và đã có từ rất lâu đời. Bộ luật dân sự quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc gặp khó khăn, việc vay mượn, huy động sự hỗ trợ giúp đỡ của người khác là chuyện hết sức bình thường trong đời sống dân sự. Chính vì vậy Bộ luật dân sự đã quy định vay tài sản là một loại hợp đồng dân sự thông dụng, ngoài ra còn quy định các hình thức hỗ trợ trong quan hệ dân sự như: Hụi, họ, biêu, phường. Vay mượn trong quan hệ dân sự còn là một nét truyền thống văn hóa trên tinh thần tương thân tương ái. Các hoạt động cho vay tín dụng, vay tiêu dùng cũng được các ngân hàng phát triển thành các dịch vụ ngân hàng thu hút rất đông đảo người dân sử dụng dịch vụ tín dụng này.

Khi công nghệ phát triển thì vay mượn qua các ứng dụng (app) trên thiết bị điện tử thông minh như máy tính, diện thoại,.. qua các nền tảng công nghệ ngày càng phát triển bởi thủ tục dễ dàng, nhanh gọn. Chỉ cần cung cấp thông tin chứng minh nhân dân/căn cước công dân và một số thông tin cá nhân ảnh chụp gửi qua app là người vay có thể nhận được tiền, đôi khi không cần lý do và tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây những nhức nhối trong hoạt động cho vay trên mạng internet về các hành vi cho vay nặng lãi và đòi nợ trái pháp luật gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, đời sống, tinh thần của nhiều người, trong đó có cả đối với những người hoàn toàn không tham gia vào các giao dịch đó. Bởi vậy nghiên cứu về thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp kiểm soát tình hình cho vay trên các phương tiện điện tử là rất cần thiết để đấu tranh phòng và chống tội phạm, duy trì ổn định trật tự xã hội...

1. Thực trạng tình hình cho vay tiêu dùng và vay tiền trên mạng internet

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2016 cho thấy, trong 7 năm trước đó, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện đạt 6,4%, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Ước tính, hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty tài chính tiêu dùng. Tham gia vào thị trường tín dụng tiêu dùng gồm có hầu hết các ngân hàng thương mại, 6 công ty tài chính tiêu dùng và hầu hết là các công ty 100% vốn nước ngoài [1].

Theo tổng hợp từ báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại, tín dụng cá nhân của Vietcombank năm 2018 tăng 32,7% so với 2017, tỷ trọng tiếp tục tăng lên 36,9% vào cuối năm 2018 (2017: 31,7%). BIDV có Dư nợ bán lẻ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014-2018 đạt 40%/năm, đến hết năm 2018 chiếm tỷ trọng 31%/tổng dư nợ (cải thiện đáng kể so với mức 17% của năm 2014). Vietinbank có dư nợ cá nhân tăng trung bình gần 35%/năm trong giai đoạn 2014 – 2018, đạt 247.000 tỷ đồng trong năm 2018; tỷ trọng dư nợ tăng từ 17% lên 29%; Thu nhập từ bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập toàn hàng. Chỉ trong vòng 2 năm 2017-2018, dư nợ bán lẻ của VIB đã vượt lên trên dư nợ cho vay cá nhân của nhiều ngân hàng tư nhân lớn khác vốn vẫn còn tập trung phần lớn ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp... Trong vòng 5 năm qua (từ năm 2014 - 2018), các tổ chức tín dụng đã có định hướng rõ ràng hơn trong việc tập trung đẩy mạnh mảng bán lẻ, đặc biệt là tập trung thị phần trong cho vay cá nhân. Việc tập trung phát triển cho vay cá nhân vẫn là xu hướng chủ đạo của các tổ chức tín dụng trong giai đoạn từ 2014 đến nay. Tỷ trọng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng có sự tăng trưởng qua từng năm, từ mức chiếm 35% trong tổng dư nợ cho vay trong năm 2014 đến năm 2018  đã đạt 46%, tăng hơn 11% trong vòng 5 năm qua. Qua đó có thể thấy, thị trường bán lẻ cho vay cá nhân ngày càng được các ngân hàng đặc biệt quan tâm [2].

Cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng phát triển mạnh trong khoảng 8 năm trở lại đây (giai đoạn 2011 - 2019). Thị trường cho vay tiêu dùng chứng kiến sự tham gia từ các Ngân hàng thương mại trong nước, ngân hàng nước ngoài và khoảng 16 Công ty tài chính. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ Cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế; đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (gấp 6 lần năm 2012). Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tính đến cuối năm 2018, dư nợ của các Công ty tài chính tiêu dùng chiếm khoảng 8% (tương đương 110.000 tỷ đồng), còn lại là tín dụng tiêu dùng từ các NHTM (chiếm 88%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 4%). Thông thường, các khoản vay tiêu dùng có giá trị cao từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng do ngân hàng cung ứng, các khoản vay có giá trị thấp hơn (thường từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng) do các Công ty tài chính khai thác [3].

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của 16 công ty tài chính với quy mô thị trường ước tính đạt 1,1 triệu tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD) và các công ty fintech với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin. Các sản phẩm tài chính của nhóm công ty fintech khá phong phú so với nhu cầu của người tiêu dùng và các thủ tục được thực hiện trực tuyến. Mô hình P2P (kết nối trực tiếp người đi vay và người cho vay trên internet) của các công ty fintech với các gói vay đa dạng và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Với hình thức vay vốn trực tuyến, các công ty sẽ không phải chịu nhiều các khoản chi phí về mặt bằng, điện nước, lương nhân viên... để duy trì hoạt động nên mức lãi suất của các dịch vụ cho vay trực tuyến trở nên hấp dẫn hơn [4].

Qua các số liệu của một số nhà nghiên cứu trên có thể thấy hoạt động cho vay tiêu dùng đã phát triển tại nước ta được một thời gian khá dài và vẫn đang có xu hướng tăng trưởng cao, nghĩa là tiềm năng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là khá cao. Đặc biệt gần đây là sự gia nhập của loại hình vay qua ứng dụng công nghệ thông tin, internet. Xu hướng phát triển về công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trên thế giới đang tác động mạnh mẽ và đòi hỏi việc chuyển đổi số tại Việt Nam cần phải diễn ra nhanh chóng. Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã là nhân tố thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp triển khai nhanh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh nhằm thích khi với bối cảnh mới. Xu hướng này cũng được dự báo sẽ định hình lại hoạt động của các công ty tài chính trong thời gian tới [5].

Thông thường trong các quan hệ dân sự thì cho vay tài sản là quan hệ rủi ro nhất, rủi ro đối với người cho vay kể cả trong trường hợp cho vay có tài sản thế chấp. Với hình thức cho vay tín chấp thì rủi ro gần như 100% nếu như người đi vay tiền lâm vào tình trạng khó khăn, không có khả năng trả nợ. Còn đối với người đi vay thì hoàn toàn không có rủi ro gì, đi vay không có tài sản thế chấp, nếu không trả được nợ thì bên cho vay cũng chỉ có khởi kiện ra tòa, có bản án có hiệu lực pháp luật mà không có tài sản thi hành thì bên cho vay cũng đành chịu.

Thế nhưng, mọi chuyện đã khác từ khi có công nghệ phát triển. Chưa có khi nào vay tiền qua mạng internet, qua các app lại dễ dàng đến thế. Nhiều người tưởng rằng đi vay qua app như vậy chỉ là tín chấp, vay ảo nhưng được tiêu tiền thật là không có rủi ro gì, nhưng không ngờ khi cung cấp thông tin cho bên cho vay thì không những bản thân người vay gặp rủi ro mà đến những người thân, những người trong gia đình cũng trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng cho vay nặng lãi, coi thường pháp luật.

Nhóm đối tượng cho vay qua mạng internet thường yêu cầu người vay cung cấp thông tin nhân thân, ảnh chứng minh nhân dân/căn cước công dân, cung cấp số điện thoại của bản thân và một số người thân trong gia đình. Cách tính lãi sẽ bao gồm: lãi thoả thuận, lãi trả chậm, lãi phạt, phí dịch vụ, tiền bảo hiểm, cộng lại là một khoản tiền rất lớn.

Khi vay thì dễ dàng và số tiền nhỏ nhưng đến khi trả nợ thì số tiền thực tế đã đội lên rất nhiều lần. Có trường hợp vay nợ thì người vay nợ đã phải trả một khoản tiền lãi rất cao vào mỗi tháng, thời gian trả lãi ròng rã nhiều năm trời nhưng đến khi tất toán khoản nợ thì còn phải trả thêm một khoản tiền bằng hoặc hơn khoản tiền đã vay lúc đầu. Khi không trả được nợ thì họ sẽ bị bên cho vay làm phiền, xâm phạm danh dự, đời sống riêng tư hoặc thậm chí uy hiếp, đe dọa, dùng vũ lực để buộc phải trả nợ.

Từ 01/10/2019 đến 9/2020 Ngành công an cũng đã triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó việc trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực. Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm đã có 513 vụ được khởi tố với 815 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê, trong đó khởi tố 243 vụ/528 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự)….. Tội phạm hoạt động “tín dụng đen” truyền thống vẫn hoạt động rải rác, nhỏ lẻ ở một số địa phương và đang chuyển dịch theo phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến. Còn xuất hiện tình trạng các băng, nhóm tụ tập dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn với nhau gây bức xúc trong nhân dân, như vụ Nguyễn Thanh Tuấn huy động gần 200 đối tượng sử dụng hung khí đập phá quán ăn, làm 1 người bị thương tại TPHCM; vụ 2 nhóm gồm 27 đối tượng đánh nhau làm 1 người bị chết, 3 người bị thương tại Quảng Ninh [6].

Gần đây, các đối tượng chuyển sang hướng viết các phần mềm, ứng dụng (App) được cài đặt trên điện thoại thông minh, người vay có thể kết nối, thủ tục vay rất đơn giản. Theo đó, người vay chỉ cần cầm điện thoại, cài đặt App vào là có hướng dẫn về cách khai thông tin, vay tiền; sau khi được kiểm tra, xác minh thông tin là được cho vay. Thông thường cho vay một lần không nhiều, dưới 2 triệu đồng, nhưng lãi suất cao, lên đến 1% - 5%/ngày. Trước khi cho vay, người vay bắt buộc phải khai thông tin cá nhân, cho truy cập, đồng bộ danh bạ điện thoại. Khi người vay không trả, các đối tượng này đòi nợ trực tiếp những người có trong danh bạ, nhiều người không quen cũng bị khủng bố dưới nhiều cấp độ. Trước tình trạng này, Công an TPHCM điều tra, xác minh và xử lý 5 vụ tín dụng đen qua App, trong đó đã chuyển cho viện kiểm sát truy tố 1 vụ và tiếp tục điều tra 4 vụ khác. Trong 5 vụ này, đối tượng cho vay chủ yếu là người Trung Quốc, công an đã bắt 12 người Trung Quốc, còn 1 người đang bị truy nã. Chỉ riêng 1 vụ án đã khởi tố, các đối tượng cho khoảng 60.000 người vay với tổng số tiền khoảng 15 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 40 tỷ đồng [7].

Tại buổi họp báo 07/12/2020 của Bộ Công an thông tin về kết quả công tác công an năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, năm 2020 ngành công an đã mở các cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy... Qua đó, năm 2020 đã tạo được nhiều dấu ấn tích cực. Theo tướng Xô, các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ, đã triệt phá 1.860 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh và đẩy lùi tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Thiếu tướng Xô đánh giá, hiện nay, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp giật) diễn ra phức tạp...Liên quan đến tội phạm cho vay nặng lãi qua app, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) thiếu tướng Nguyễn Văn Giang cho biết, các đối tượng cho vay qua app rất tinh vi, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự cả nước. Thiếu tướng Trần Ngọc Hà (Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự-C02) cũng nhấn mạnh, tình trạng cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp, C02 đã có những biện pháp cụ thể gửi đến công an địa phương, tất cả hành vi phạm tội cho vay qua app với lãi suất cao đều bị xử lý. Bộ Công an sẽ cùng với công an địa phương xử lý quyết liệt tình trạng này, tuy nhiên cần sự vào cuộc của cả hệ thống nhằm kéo giảm loại tội phạm này [8].

2. Quy định của pháp luật về cho vay tiền trong quan hệ dân sự và các quy định về thủ tục đòi nợ

Theo quy định của pháp luật thì lãi suất cho vay do hai bên thỏa thuận nhưng không quá vượt quá 20% một năm. Trường hợp cho vay lãi suất 100% một năm và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015. Nắm bắt được quy định này nên các đối tượng thường bóc tách các khoản lãi ra thành các khoản phí, tiền bảo hiểm và thường tất toán rồi chuyển sang một app khác tính lại quy trình vay để vừa tăng tiền lãi, vừa che giấu khoản lãi suất cao, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Người đi vay thường là những người lao động nghèo, sinh viên, những người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm sống, ít hiểu biết pháp luật, khi bị dọa nạt thì không dám tố cáo và cũng không có chứng cứ để tố cáo lên việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn, đó cũng là lý do mà các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi cho vay nặng lãi đối với nhiều người.

Theo quy định của pháp luật thì chỉ có người vay tiền mới có nghĩa vụ trả nợ, việc đòi nợ nghiêm cấm hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người nợ tiền. Pháp luật cũng nghiêm cấm việc nhắc nợ quá 05 lần trên một ngày và việc nhắc nợ không được diễn ra trước 07 giờ sáng và 21 giờ tối. Trường hợp đến hạn không trả thì người cho vay chỉ có quyền khởi kiện đến tòa án nơi người vay cư trú để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Cụ thể khoản 7, Điều 1, Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định như sau: “Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 (năm) lần/1 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên thực tiễn thì nhóm đối tượng cho vay lãi nặng qua mạng internet có rất nhiều chiêu trò gây áp lực về tinh thần cho người vay tiền, thậm chí cả bạn bè, cơ quan, người thân, gia đình của người vay tiền khiến cuộc sống nhiều người bị đảo lộn khiến người vay tiền buộc phải tìm cách vay mượn để trả nợ, có trường hợp đã phải tự tử, gia đình tan vỡ hạnh phúc chỉ vì vay vài chục triệu trên mạng Internet.

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng còn yêu cầu nạn nhân cung cấp mật khẩu iCloud điện thoại, cung cấp thông tin danh bạ điện thoại hoặc thỏa thuận cho phép bên cho vay có thể xâm nhập vào điện thoại, Facebook, zalo hoặc các thông tin nhân thân khác của người vay tiền để bảo đảm cho việc trả nợ. Khi đến hạn mà người vay tiền không trả được nợ thì tất cả những người thân, bạn bè, cơ quan, những người trong gia đình của người vay tiền đều bị gọi điện, đe dọa uy hiếp khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong cuộc sống hiện đại, khi mọi người phụ thuộc rất nhiều vào internet, vào điện thoại thì những hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần, quý nhiễu phải làm phiền như vậy ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của người khác, số tiền vay cũng không nhiều nên việc đòi nợ theo hình thức này rất hiệu quả với bên cho vay.

Nhiều đối tượng còn sử dụng các chiêu thức như liên hệ với công an ở địa phương để đến tận nơi làm việc của người vay hoặc đến nơi ở của người vay yêu cầu trả tiền. Làm giả các giấy tờ về lệnh bắt, quyết định khởi tố, giấy triệu tập của tòa án, công an để đe dọa, uy hiếp người vay tiền. Các đối tượng còn giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật để đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay tiền. Thậm chí các đối tượng còn có thể sử dụng các đối tượng xã hội đen để đe dọa, uy hiếp con nợ.

Với số tiền không phải nhiều, bản thân, gia đình, bạn bè, cơ quan đều bị quấy nhiễu, đe dọa, làm phiền như vậy khiến người vay nợ biết là lãi suất cắt cổ nhưng vẫn buộc phải trả nợ để được yên thân...

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng còn tự ý chuyển tiền vào tài khoản của người khác, coi như một khoản giải ngân cho vay tín chấp và tính lãi mặc dù người đó không hề có ý định vay tiền. Nếu người này không trả tiền lãi suất cắt cổ đó thì cũng sẽ bị làm phiền như những người đi vay thông thường khác...

Việc cho vay tiền qua mạng internet rồi đòi nợ theo kiểu truy cùng, đuổi tận, bới móc làm xáo trộn đời sống tâm lý của nhiều người đã trở thành nỗi bức xúc trong xã hội trong nhiều năm qua, vấn đề này còn được nhiều đại biểu Quốc Hội nêu ra trong nghị trường nhưng đến nay vẫn trở thành những vấn nạn nhức nhối khiến rất nhiều người trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng này.

3. Các chế tài của pháp luật đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và hành vi đòi nợ trái pháp luật

Chế tài xử lý hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự:

Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nghĩa là các bên có thể thỏa thuận về lãi suất vay hoặc không. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm của khoản tiền vay.

Nếu người cho vay cho con nợ vay và thu lãi cao hơn các mức lãi suất theo quy định nêu trên thì đồng nghĩa với việc người đó đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt bằng các chế tài tương ứng. Hiện nay có hai chế tài xử phạt đối với người cho vay lãi nặng, bao gồm: chế tài xử phạt hành chính và chế tài về hình sự.

Chế tài xử phạt về hình sự:

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Tội cho vay lãi nặng là tội phạm xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, do đó đối tượng cho vay sẽ bị xử lý hình sự nếu hành vi cho vay thuộc một trong các trường hợp sau:

- Cho vay lãi gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (mức lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS ở đây là từ 100%/năm trở lên); thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên;

- Cho vay lãi gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng này hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Bên cạnh đó để xử lý người cho vay theo tội cho vay nặng lãi thì cần xem xét thêm về đối tượng cho vay, đối tượng này phải từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Chế tài xử phạt hành chính:

Trường hợp người cho vay không đảm bảo một trong các yếu tố cấu thành tội phạm như đã nêu ở trên thì sẽ không thể xử lý người đó về tội cho vay lãi nặng mà chỉ có thể xử lý hành chính về hành vi cho vay lãi nặng.

Điểm đ khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định hành vi Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Như vậy, nếu một đối tượng thực hiện hành vi cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất luật định và thu lợi từ việc cho vay đó thì tùy theo mức độ vi phạm và lần vi phạm mà người cho vay sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị kết tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nếu đủ yếu tố cấu thành của tội này.

Chế tài xử lý hành vi đòi nợ trái pháp luật:

Thực tế hiện nay thì các quan hệ tranh chấp về tài sản như vay nợ, cho mượn, cho thuê,…diễn ra khá phổ biến. Mặc dù pháp luật hiện hành quy định khi phát sinh quan hệ tranh chấp thì các bên có thể thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Phán quyết của Tòa án sẽ là phán quyết có hiệu lực thi hành đối với các bên. Nếu con nợ cố tình trốn tránh việc trả nợ bằng cách bỏ trốn thì chủ nợ có thể trình báo, tố cáo tới cơ quan công an. Đó mới là cách đòi nợ hợp pháp. Tuy nhiên, không phải nào cũng am hiểu pháp luật, tuân thủ pháp luật và cũng không phải ai cũng sẵn sàng kiên nhẫn theo đuổi một thủ tục tố tụng kéo dài. Do đó nhiều người sử dụng những cách thức đòi nợ trái pháp luật như làm phiền đến cuộc sống con nợ (gọi diện, nhắn tin, chửi bới, đăng thông tin cá nhân của con nợ; ném mắm tôm, chất bẩn vào nhà con nợ,…); đe dọa con nợ, đánh đập, sử dụng vũ lực để yêu cầu con nợ phải viết giấy vay nợ, trả tài sản hoặc tự ý lấy tài sản mang về; truy cập vào thông tin điện thoại, zalo, facebook của con nợ để làm phiền uy hiếp trả nợ. Để thu lại được tiền, nhiều người đã không màng đến các quy định của pháp luật mà thực hiện các hành vi côn đồ thậm chí là thuê xã hội đen về đòi nợ. Tất cả hành vi đi đòi nợ như vậy đều là hành vi đòi nợ trái pháp luật và tùy hành vi, tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

- Trường hợp đòi nợ mà đăng thông tin cá nhân, đăng ảnh nhạy cảm của con nợ lên mạng xã hội để làm nhục, quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm của con nợ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi dùng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoặc hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 và điểm g, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của con nợ trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của con nợ thì có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù. Nếu có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt cao nhất có thể lên đến 05 năm tù.

- Trường hợp người đòi nợ tự ý truy cập vào tài khoản mạng xã hội, tài khoản icloud của con nợ để làm phiền; chiếm quyền điều khiển; đánh cắp, thay đổi, làm giả dữ liệu, thông tin nhằm uy hiếp con nợ thì có thể bị xử lý về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt cao nhất lên đến 12 năm tù.

- Trường hợp người đòi nợ sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của con nợ để chiếm đoạt tiền trong tài khoản nhằm thu hồi nợ hoặc truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của con nợ nhằm chiếm đoạt tài sản thu hồi nợ thì có thể bị truy cứu về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

- Trường hợp hành vi đòi nợ gây mất trật tự, phá phách để đòi nợ, người thực hiện có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng với mức phạt hành chính cao nhất có thể lên đến 05 triệu đồng (Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình). Trường hợp gây rối trật tự công nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh xã hội hoặc đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này mà chưa được xóa án tích, người thực hiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù đến 07 năm.

- Trường hợp dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc bên vay phải giao tài sản, tài sản để trừ nợ, theo điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/NĐ-CP, hành vi sẽ bị phạt hành chính từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng. Nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng, đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi vi phạm này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù lên đến 20 năm.

- Nếu có hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác để đòi nợ thì có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013NĐ-CP); Nếu có hành vi trực tiếp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để ép buộc bên vay giao tài sản, người thực hiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù lên đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân.

- Trường hợp có hành vi đổ, ném mắm tôm, chất thải, chất bẩn, tạt sơn vào nhà người khác, làm hoen bẩn, gây mất vệ sinh nhà ở để đòi nợ thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Nếu việc ném mắm tôm, tạt sơn để đòi nợ khiến tài sản của người khác bị hư hỏng, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt cao nhất thể lên tới 20 năm tù.

- Trường hợp việc đánh đập dẫn đến gây thương tích cho người bị hại thì các đối tượng này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe của người khác với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (tại điểm e, khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP), nếu tính chất nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015). Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Trường hợp để đòi nợ mà con nợ có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015) với khung cao nhất là bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

- Trường hợp làm giả các giấy tờ về lệnh bắt, quyết định khởi tố, giấy triệu tập của tòa án, công an để đe dọa, uy hiếp người vay tiền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điề 341 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 với mức phạt cao nhất có thể lên đến 07 năm tù.

Tuy nhiên, cần lưu ý nguyên tắc của Bộ luật Hình sự là mỗi hành vi vi phạm chỉ xử lý một lần theo tội danh tương ứng. Nếu trong một vụ việc, người phạm tội có nhiều hành vi hỗn hợp sẽ bị xử lý theo một tội danh nhất định, còn các hành vi khác nếu không đủ cấu thành một tội danh độc lập thì trở thành tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng đối với người phạm tội đó.

4. Nguyên nhân của tình trạng cho vay nặng lãi và đòi nợ trái pháp luật trong các giao dịch vay mượn trên mạng internet

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng cho vay nặng lãi qua mạng internet và đòi nợ tàn nhẫn như vậy vẫn diễn ra trong đời sống xã hội, trong đó có thể kể đến các nguyên nhân như:

Thứ nhất, nhu cầu vay tiêu dùng trong xã hội rất lớn và thị trường vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn đang là mảnh đất màu mỡ, chưa khai thác hết tiềm năng.

Khi điều kiện kinh tế xã hội càng phát triển phức tạp thì nhu cầu tiêu dùng càng gia tăng và trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động tín dụng cho vay lãi nặng phát triển. Trong khi đó dân số Việt Nam khá đông, dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ khá lớn. Đây là những đối tượng có nhu cầu tiêu dùng cao. Đặc biệt là đối tượng lao động tự do, công nhân, sinh viên, người nghèo có hoàn cảnh, cuộc sống khó khăn. Đây là những đối tượng có công việc và thu nhập không ổn định hoặc chưa có thu nhập.

Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, tại ngày 01/4/2019, dân số Việt Nam đạt trên 96 triệu người với 34,4% dân số sinh sống tại khu vực thành thị. Dân số đông, xu hướng đô thị hóa ngày càng phát triển, thu nhập ngày càng cải thiện và ngành Tài chính chuyển dần trọng tâm sang phân khúc cá nhân và hộ gia đình chính là động lực lớn đối với thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2015 - 2018, thu nhập GDP bình quân của mỗi người dân Việt Nam luôn tăng trưởng ổn định với mức tăng khoảng 6,57% (từ khoảng 2.120 USD/người/năm năm 2015 lên mức 2.540 USD/người/năm vào năm 2018). Tiềm năng doanh thu tài chính bán lẻ tại thị trường Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng gấp hơn 4 lần từ khoảng 1,5 tỷ đôla Mỹ năm 2012 lên 6,5 tỷ đôla Mỹ trong năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trung bình trong mảng Cho vay tiêu dùng giai đoạn 2013 - 2014 chỉ đạt 15%/năm, giai đoạn 2015 - 2017 đã lên đến 61,3%/năm, riêng năm 2018 khoảng 29,38%. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung và dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% trong tổng dư nợ toàn hệ thống. Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Theo kết quả điều tra của Công ty tài chính FE Credit (trực thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank), hiện nay mới chỉ có 15 -20% dân số Việt Nam đang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng hoặc các Công ty tài chính [3].

Theo số liệu báo cáo của Financial Times, hoạt động Cho vay tín dụng tại Việt Nam chưa sôi động bằng hoạt động của 4 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Theo đó, chỉ số Cho vay tín dụng của Việt Nam luôn thấp hơn Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan trong giai đoạn 2016 - 2018, mặc dù các chỉ số về Thu nhập hộ gia đình và chi tiêu tùy ý tại Việt Nam có xu hướng tăng cao hơn các quốc gia trên [3].

Thống kê cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng 188.000 tỷ đồng, tương đương 5,2% GDP và chiếm khoảng 7% tổng giá trị tiêu dùng cuối cùng vào năm 2013. Con số này là khá khiêm tốn so với các nước trên thế giới. Tại các nước phát triển, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã chiếm khoảng 7% -20% GDP… Cụ thể, tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã vượt 3.000 tỷ USD (chiếm khoảng 20% GDP), chưa bao gồm dư nợ cho vay thế chấp nhà. Tại thị trường Đức, cho vay tiêu dùng cũng chiếm tới 7,3% GDP; con số này ở Anh là gần 14% GDP; Pháp là khoảng 7% GDP… Ở châu Á, Malaysia cũng đã đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng 24% GDP [9].

Những số liệu này cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn là mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác hết tiềm năng. Trong khi đó nếu thị trường này phát triển mạnh mẽ, hệ thống tín dụng “đen” chuyên cho vay nặng lãi chắc chắc sẽ không thể làm mưa làm gió. 

Thứ hai, việc tiếp cận tới ngân hàng, các tổ chức tín dụng để vay tiêu dùng là rất khó khăn, trong khi đó thủ tục vay qua mạng internet rất đơn giản, dễ dàng.

Nguyên nhân tín dụng đen hoành hành là do nhu cầu vay vốn trong dân cư doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rất cao nhưng tín dụng ngân hàng và tổ chức tài chính chưa phủ khắp. Trong khi tín dụng đen qua internet là giải quyết nhanh, thủ tục kín đáo, nhanh gọn, không cần giao dịch trực tiếp.

Để vay được tiền từ các ngân hàng, người vay phải có tài sản đảm bảo hoặc chứng minh được thu nhập của mình, phải trải qua các quy trình xử lý kéo dài vài ngày (thẩm định, ký kết hợp đồng,…), phải cung cấp nhiều loại chứng từ chứng minh. Ngân hàng chủ yếu cho vay có thế chấp, nếu cho vay tín chấp thì sẽ hướng đến các khách hàng có thu nhập chuyển khoản qua ngân hàng, hoặc phải có hợp đồng lao động rõ ràng, với mức lương tương đối cao so với mặt bằng chung. Trong khi đó đối tượng người có nhu cầu tín dụng lại là lao động tự do, lao động phổ thông, không có hợp đồng lao động và không nhận lương qua chuyển khoản ngân hàng hoặc người có thu nhập thấp đến trung bình. Vì vậy, không phải ai cũng đủ điều kiện để vay tiền từ ngân hàng, để tiếp cận được nguồn tín dụng của ngân hàng. Đặc biệt những đối tượng này lại là những người có kiến thức hạn chế với tài chính, với các dịch vụ tài chính hiện đại và chưa quen với việc vay tiền của các tổ chức tín dụng. Chính các ngân hàng thương mại cũng ngại cho những khách hàng dưới chuẩn vay tín dụng vì chi phí hoạt động cao và rủi ro mất vốn lớn.

Trong khi đó các tổ chức “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng qua internet lại quảng cáo tràn lan trên thị trường và đối tượng mà những tổ chức này hướng tới là những khách hàng thiếu kiến thức tài chính, cần tiền ngay và không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.

Mặc dù người dân biết vay tiền của “tín dụng đen” sẽ phải chịu lãi suất cao nhưng họ vẫn chấp nhận vay vì nhu cầu cấp thiết và họ cũng không lường được rủi ro trong tương lai. Việc cho vay của “tín dụng đen” có thủ tục đơn giản, nhanh gọn, không có tài sản bảo đảm cho khoản vay, không cần làm thủ tục trực tiếp mà chỉ cần cung cấp thông tin gián tiếp qua internet. Chính vì giao dịch chứa đựng nhiều rủi ro nên họ quy định về lãi suất rất cao. Khi thu hồi nợ, bên cho vay sẵn sàng dùng các giải pháp đòi nợ trái pháp luật.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, khoảng 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận vốn ngân hàng. Số Doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cũng chỉ mới chiếm 1/3 tổng số Doanh nghiệp. Trong khi người dân, Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng thì nguồn tín dụng phi chính thức lại luôn “rộng cửa” với thủ tục vay rất đơn giản, linh hoạt, không cần tài sản thế chấp, nguồn vốn dồi dào. Điều này lý giải vì sao tín dụng đen ngày càng bùng phát dù ngành Công an và Ngân hàng đã đẩy mạnh điều tra, truy quét, xét xử tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, tín dụng phi chính thức đang chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng (khoảng 1,2 triệu tỷ đồng). Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, nguồn vốn này hiện có quy mô lên tới 500 nghìn tỷ đồng, tương đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế. Tín dụng đen ngày càng hoành hành và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, gây nhiều hệ lụy cho xã hội và bức xúc cho người dân [10].

Với con số khổng lồ dân số chưa thể tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức cho vay chuyên nghiệp sẽ dẫn đến các hoạt động vay tiền khác diễn ra bằng các giao dịch dân sự bên ngoài ngân hàng - vòng xoáy tín dụng đen. Liên quan đến tình trạng này, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an cho biết, tính từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra 4.510 vụ án hình sự, trong đó có rất nhiều vụ án liên quan đến tín dụng đen; nhiều hệ luỵ có nguyên nhân phát sinh từ “tín dụng đen” dẫn đến tội phạm và các vi phạm khác như: giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, làm nhục người khác...Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Đại tá Phạm Văn Tám do hệ thống ngân hàng còn mỏng, dịch vụ cho vay tiền chưa bám sát nhu cầu người vay tiền, chưa tiếp cận được người dân ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, thủ tục, quy định trong việc cho vay vốn của các tổ chức ngân hàng, tín dụng lại rườm rà, phức tạp. Trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng cho vay “tín dụng đen” tiếp cận khách hàng rất nhanh, thủ tục rất ngắn gọn. Thậm chí các đối tượng này chủ động tìm đến những người có nhu cầu vay vốn thông qua quảng cáo, nhắn tin không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu,… trong vòng 1 tiếng, thậm chí có nơi chỉ cần 15, 30 phút đồng hồ là tiền đến tận tay người tiêu dùng [11]. 

Thứ ba, các đối tượng cho vay lãi nặng đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin và kiến thức tài chính hạn hẹp của người cần vay tiền. Nhiều người cho rằng vay tiền như vậy trong thời gian ngắn thì có thể trả được nợ, chấp nhận mức lãi suất cắt cổ vì bản thân đang gặp khó khăn mà không biết vay ai hoặc đi vay mượn thì xấu hổ...Nhiều người không biết cách tính lãi suất, không biết rằng việc vay mượn như vậy là lại suất rất cao khi các đối tượng cho vay yêu cầu trả dần theo kiểu trả góp cả gốc và lãi. Cách cho vay và trả tiền như vậy khiến nhiều người nghĩ rằng bản thân mình có thể thực hiện được giao dịch nhưng đến một thời điểm nào đó họ sẽ mất khả năng trả nợ vì “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Thứ tư, hành vi đòi nợ trái pháp luật diễn ra phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy nhưng việc vào cuộc của cơ quan chức năng đôi khi còn chậm, không hiệu quả dẫn đến việc các đối tượng thách thức pháp luật, tiếp tục sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau để uy hiếp con nợ và những người thân của họ.

Hiện nhiều giao dịch của nhóm đối tượng cho vay và người đi vay nợ chỉ thỏa thuận bằng miệng, tự thỏa thuận lãi suất, không thể hiện lãi suất trên hợp đồng vay nên rất khó phát hiện đối tượng cho vay lãi nặng. Mặt khác các đối tượng cho vay lãi nặng chủ yếu từ nơi khác đến, thủ đoạn hoạt động tinh vi, chủ yếu thông qua hình thức internet nên khó bị phát hiện. Trong khi đó một bộ phận người dân còn hạn chế trong việc nhìn nhận hậu quả và tác hại của hoạt động tín dụng đen cho vay lãi nặng. Nhiều khi người dân lo sợ bị đe dọa, khủng bố hoặc xấu hổ vì vay mượn mà không dám tố giác với cơ quan chức năng nên rất khó để xem xét, xử lý.

Thứ năm, một nguyên nhân nữa khiến hoạt động cho vay lãi nặng qua internet phát triển mạnh là vấn đề quảng cáo cho hoạt động kinh doanh trái phép lại không được xử lý từ gốc.

Hiện nay việc quảng cáo cho các hoạt động cho vay tiêu dùng tín chấp, các app cho vay tiêu dùng trên mạng internet khá rầm rộ, tràn lan. Trước đây là quảng cáo bằng tờ rơi, dán giấy, sau đó quảng cáo bằng nhắn tin, gọi điện thoại, đến nay các đối tượng đã tràn sang quảng cáo trên các trang mạng xã hội, các website. Thực tế kiểu quảng cáo này tồn tại lâu nay nhưng cơ quan quản lý viễn thông và chính quyền địa phương không có động tác xử lý. Chỉ đến khi xảy ra sự việc nghiêm trọng cơ quan pháp luật mới vào cuộc, hậu quả với xã hội là khó tránh khỏi. Việc quảng cáo cho dịch vụ tín dụng đen hoạt động công khai là một trong những nguyên nhân khiến dịch vụ này vẫn tràn lan như hiện nay.

Thứ sáu, hiện nay các hành vi mua bán, thu thập trái phép thông tin nhân thân của công dân diễn ra khá phổ biến, bởi vậy các đối tượng cho vay nặng lãi rất dễ dàng có được đầy đủ các thông tin nhân thân của người đi vay như địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook, Zalo, tài khoản iCloud, thông tin về nhân thân bố mẹ gia đình, tài khoản ngân hàng... nên chúng có thể dễ dàng gửi các thông tin quảng cáo vay tiền tín chấp đến nhiều người với những nội dung đánh vào tâm lý người đang có nhu cầu về vay tiền, sau đó khi đòi nợ chúng có thể sử dụng rất nhiều chiêu trò khác nhau để đe dọa uy hiếp tinh thần của người vay tiền và những người khác nhằm mục đích đòi nợ.

Thứ bảy, quy định pháp luật về xử lý hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ trái pháp luật vẫn còn hạn chế

Mặc dù pháp luật có quy định về thủ tục đòi nợ và quy định về xử lý tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhưng thực tế việc xử lý các hành vi này trong đời sống xã hội rất hạn chế, không kịp thời nên nhiều đối tượng không sợ, thậm chí các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau để né lãi suất, đe dọa còn nợ không dám kiện nên càng ung dung cho vay lãi cao và đe dọa đòi tiền.

Dưới góc độ pháp luật thì quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” chưa rõ ràng. Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, để xử lý hình sự các đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự phải thỏa mãn cả hai yếu tố: “Lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự” và “thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng”. Thế nhưng, việc xác định lãi suất và số tiền thu lợi bất chính cũng còn nhiều khó khăn. Vì thực tiễn việc thỏa thuận lãi suất giữa bên cho vay và bên vay đôi khi chỉ bằng miệng, bằng các quy tắc “ngầm” buộc con nợ phải tuân thủ chứ không ràng buộc bằng hợp đồng. Do đó rất khó để có được các bằng chứng xử lý trách nhiệm hình sự nếu việc điều tra, xác minh thông tin không quyết liệt.

Đối với các hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhưng số tiền thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, không thuộc các trường hợp “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích….” thì không thể xử lý về hình sự và cũng không thể xử lý hành chính được. Bởi theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy; phòng, chống bạo lực gia đình hiện quy định xử phạt với hành vi: “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay”. Nghị định 167/2013/NĐ-CP hiện hành mới chỉ quy định mức xử phạt 5 đến 15 triệu đồng đối với hành vi cho vay lãi nặng có cầm cố tài sản chưa đến mức xử lý hình sự chứ chưa có quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng không cầm cố tài sản nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.

Về lãi suất vay, không chỉ các “tín dụng đen” mới có lãi suất cao mà thực tế hiện nay đã ghi nhận các công ty tài chính cũng có lãi suất rất cao, với nhiều gói vay tín chấp với lãi suất hơn 50%/năm, đây dường như là một cách thức hợp thức hóa “tín dụng đen”. Theo quy định tại Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 và Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng thì tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất (không quy định về mức trần lãi suất), trừ một số trường hợp cho vay nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao thì lãi suất cho vay ngắn hạn không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ. Như vậy với các quy định của Bộ luật dân sự và Luật các tổ chức tín dụng về lãi suất thì dù vay qua các ngân hàng thì lãi suất vẫn có thể cao như vay ngoài. Thời gian qua cũng đã có nhiều trường hợp tổ chức tín dụng cũng có những hoạt động đòi nợ “khủng bố” đối với người vay tiền để đòi tiền bằng nhiều chiêu thức như nhắn tin, đe dọa, gây rối đời sống riêng tư…

Bên cạnh đó, thủ tục tố tụng khởi kiện đòi nợ, thi hành án hiện nay vẫn khá rườm rà, kéo dài do đó nhiều người cho vay không muốn thu hồi nợ qua con đường tố tụng tại tòa án mà lại sử dụng các hình thức đòi nợ trái pháp luật.

5. Các giải pháp để kiểm soát tình hình cho vay và đi vay trên mạng internet, đảm bảo lành mạnh hóa hoạt động cho vay tín chấp

Để kiểm soát tình trạng cho vay nặng lãi trên mạng internet, giảm thiểu những vụ đòi nợ trái pháp luật, lành mạnh hóa hoạt động cho vay dân sự thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp sau:

- Đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện việc làm, thu nhập, hỗ trợ cho người lao động đặc biệt là lao động nghèo, sinh viên, công nhân để giải quyết những khó khăn cho người lao động. Việc cải thiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân là nhằm hạn chế các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến hoạt động tín dụng đen. Khi công tác an sinh xã hội chưa tốt, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân thì tín dụng đen vẫn có cơ hội hoành hành, xâm nhập.

- Khơi dậy tình cảm, đạo đức, tinh thần tương thân tương ái trong xã hội để khi một người gặp khó khăn thì dễ dàng tìm được sự đồng lòng ủng hộ giúp đỡ của những người xung quanh. Kiểm soát tốt hoạt động “hụi, họ, biêu, phường” để tạo nguồn tiền vay khi cần thiết. 

- Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tín dụng đen; thông tin rộng rãi các gói vay ưu đãi, các quỹ hỗ trợ của Nhà nước để người dân tiếp cận nguồn vốn; Các tổ chức đoàn thể, chính trị tăng cường phối hợp với các ngân hàng để tín chấp cho những người có điều kiện khó khăn vay vốn. Chú trọng tuyên truyền và giáo dục tài chính để làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về vay tiêu dùng tín chấp tại các công ty tài chính cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính toàn diện, tài chính cá nhân của người dân. Việc giáo dục tài chính cần được xem là một trong những trụ cột chính, vừa nâng cao hiểu biết của người dân về các dịch vụ nhằm giúp họ có ý thức tìm đến tín dụng hợp pháp thay vì tín dụng đen, đồng thời nâng cao ý thức trả nợ để đảm bảo quyền lợi của chính người đi vay và góp phần thức đẩy thị trường tài chính phát triển bền vững hơn.

- Chính quyền địa phương cần phải có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, quan tâm đến các hoàn cảnh khó khăn trong địa phương của mình, tạo cơ hội cho họ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục đơn giản thuận tiện;

- Chú trọng phát triển các kênh tín dụng chính thức, ngân hàng cần mở rộng mạng lưới, phát triển mạnh tài chính tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, có các gói, khoản vay ưu đãi nhất là vay học đường, xoá đói giảm nghèo; đẩy mạnh thu hút nguồn tiền, vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để huy động tối đa nguồn vốn, phục vụ người dân. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng nên đổi mới thủ tục cho vay, đặc biệt là vay tín chấp, nghiên cứu khai thác tiềm năng của thị trường cho vay tín chấp, đồng thời tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

- Cơ quan chức năng cần phải lập các chuyên án, tổ chức ra quân triệt phá các băng ổ nhóm cho vay nặng lãi và đòi nợ tàn nhẫn thông qua các dịch vụ trên internet để bóc gỡ các đường dây cho vay nặng lãi có sử dụng công nghệ như thế này.  Các đối tượng cho vay lãi nặng và đòi nợ thường có rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật có thể xử lý hình sự như: cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; đe dọa giết người; làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác; sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản... Nếu tích cực vào cuộc xử lý thì cơ quan chức năng có thể sử dụng rất nhiều công cụ pháp lý, chế tài của pháp luật để xử lý đối với các đối tượng như thế này. Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, nhất là các đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm tiếp nhận các thông tin liên quan đến tín dụng đen.

- Ngành viễn thông cần có giải pháp xóa bỏ những quảng cáo, rao vặt về các hình thức cho vay tiền nóng qua tin nhắn điện thoại, chặn cuộc gọi, cắt hủy, thu hồi thuê bao vi phạm về quảng cáo làm phiền người dùng. Ngành công nghệ thông tin cần có giải pháp xóa bỏ những quảng cáo về cho vay lãi nặng trên mạng internet, mạng xã hội,…

- Cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho người lao động và thế hệ trẻ để họ nhận biết, phân biệt được các cạm bẫy của nhóm cho vay nặng lãi trên mạng internet này để phòng tránh; Hướng dẫn những người bị hại cách thức thu thập thông tin chứng cứ, nhận diện và thủ tục trình báo các sự việc lừa đảo, cho vay nặng lãi như thế này trên mạng internet để cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.

- Hoàn thiện các quy định pháp luật về lãi suất, xử lý hành vi cho vay lãi nặng

Cần sớm hoàn thiện chế tài xử phạt vi phạm hành chính về việc sửa đổi, bổ sung hành vi xử phạt vi phạm hành chính cho phù hợp giữa điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với với Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Hiện nay, các ngân hàng cũng bị ràng buộc bởi khá nhiều quy định nhằm tránh rủi ro trong tín dụng, do đó cần nghiên cứu điều chỉnh vấn đề pháp lý về cho vay vốn của các ngân hàng, tạo ra nhiều dịch vụ thuận lợi hơn cho khách hàng, hạn chế được tình trạng người dân cần vay tiêu dùng tại ngân hàng nhưng không được, phải tìm đến tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước cần ban hành quy định về mức trần lãi suất đối với mọi khoản vay của các tổ chức tín dụng, theo hướng lãi suất không được cao hơn mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, nghĩa là không quá 20%/năm.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý tố tụng đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng để người cho vay lựa chọn hình thức thu hồi nợ qua thủ tục tố tụng, cũng như nâng cao hiệu quả và vai trò của tòa án, nâng cao khả năng thi hành các bản án của tòa án cũng là cách để người dân tin vào tính thượng tôn pháp luật hơn.

Kết luận:

Hiện nay vấn nạn “tín dụng đen” trên internet với lãi suất cao vẫn đang hoành hành, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội, thậm chí đã có những hậu quả nặng nề xảy ra, thiệt hại đến tính mạng của người dân. Khi công nghệ số càng phát triển thì tội phạm công nghệ cao càng có cơ hội để ký sinh, phát triển. Đã đến lúc cần mạnh tay dẹp loạn cho vay nặng lãi, đòi nợ tàn nhẫn trên mạng internet. Để thực hiện được điều này cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành chức năng, địa phương cũng như sự ủng hộ, tuân thủ pháp luật của người dân./.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Thị Thanh Tâm (Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp), Giải pháp phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam (2016); Tạp chí tài chính online.

2. Lê Thị Anh Tuyên (Trường Đại học ngân hàng TP Hồ Chí Minh), Cho vay cá nhân của các ngân hàng thương mại giai đoạn 2014-2018 (2020); Tạp chí tài chính online.

3. Nguyễn Thị Phương Thảo (Trường đại học kinh tế và quản trị kinh doanh - đại học Thái Nguyên), Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam: thị trường tiềm năng và đầy cạnh tranh (2020); Tạp chí công thương.

4. Thùy Dung, Ái Linh; Nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính cá nhân ở Việt Nam (2021); Tạp chí tài chính online.

5. Cho vay tiêu dùng-xu hướng tất yếu trong năm 2021 (2021); Tạp chí Môi trường và đô thị Việt Nam điện tử.

6. Hải Triều, Tín dụng đen chuyển sang phương thức cho vay trực tuyến (2020).

7. Mạnh Hòa, cảnh giác với hình thức cho vay qua app (2020); Tạp chí tài chính online.

8. Ngọc Lê, Bộ công an nói gì về tội phạm cho vay “cắt cổ” qua app (2020).

9. Diệp Chi, Tín dụng “đen” hoành hành vì cho vay tiêu dùng chưa hiệu quả (2015).

10. Phạm Hải Nam (Đại học công nghệ TP Hồ Chí Minh), Thực trạng và giải pháp quản lý hoạt động “tín dụng đen” ở Việt Nam (2019); Tạp chí tài chính online.

11. Nguyễn Hiền, Trọng Phú, Tình trạng “tín dụng đen”: Luật vẫn còn nhiều “Kẽ hở” (2018).

Liên hệ tư vấn và mời Luật sư: 0936683699 - 0983951338