Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Ở Việt Nam theo phong tục tập quán, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tồn tại bao đời nay là mỗi dịp lễ, tết, giỗ chạp… người dân đều có thói quen đốt vàng mã. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã cũng gây lên không ít hệ lụy dẫn đến cháy nổ, gây thiệt hại lớn về tài sản, thậm chí tính mạng con người. Nhiều người băn khoăn, việc đốt vàng mã nhưng vô tình gây cháy tài sản của người khác thì trách nhiệm ra sao, nên nhờ luật sư giải đáp.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, hành vi vô ý gây thiệt hại tài sản của người khác tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, mà hành vi của người đốt vàng mã sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự, và dĩ nhiên người vô ý gây cháy sẽ phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại thực tế xảy ra theo quy định pháp luật.
Trách nhiệm hình sự:
Tại Điều 180 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản như sau:
Điều 180. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản
1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Từ quy định trên có thể thấy, với hành vi vô ý làm cháy tài sản của hàng xóm khi đốt vàng mã ngày Tết, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, nếu trị giá tài sản thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên.
Khách thể của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản, bao gồm vật, tiền.
Mặt khách quan của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản bao gồm các yếu tố: hành vi khách quan; thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Trong đó hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng, không đầy đủ) những quy định của pháp luật hoặc các quy tắc sinh hoạt xã hội thông thường liên quan đến việc bảo vệ tài sản; thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là cho tài sản của người khác có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm gây thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là cho tài sản của người khác có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Chủ thể của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản quy định tại tất cả các khoản 1 và 2 Điều 180 Bộ luật Hình sự năm 2015 là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm, tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản được thực hiện do lỗi vố ý. Dưới hình thức lỗi vô ý do quá tự tin, người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến tà sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Còn dưới hình thức lỗi vô ý do cẩu thả, người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Trách nhiệm dân sự:
Bồi thường thiệt hại do hành vi đốt vàng mã gây ra dựa trên căn cứ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:
Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm cụ thể như sau:
Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
4. Thiệt hại khác do luật quy định.
Bởi vậy, người có hành vi đốt vàng mã gây thiệt hại đến tài sản của người khác phải bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế đã gây ra, một cách kịp thời. Người vô tình gây thiệt hại cho tài sản của người khác khi đốt vàng mã có thể được giảm mức bồi thường và không được bồi thường những tài sản của bản thân bị hư hỏng do hành vi của mình gây ra.
Xử phạt vi phạm hành chính:
Nếu hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, về hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định. Cụ thể tại Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính với hành vi phạm quy định về tổ chức lễ hội như sau:
Điều 14. Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thấp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định;
b) Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội;
c) Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
b) Chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.
Khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau: “3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.
Từ phân tích trên có thể thấy, với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định, cá nhân thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Với tổ chức thực hiện hành vi này bị phạt gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338