Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Internet Banking (có tên gọi khác là i-Banking) được hiểu chung là dịch vụ trực tuyến của ngân hàng. Dịch vụ này cho phép thực hiện các giao dịch ngân hàng mọi lúc mọi nơi qua các thiết bị có kết nối Internet như điện thoại, laptop, máy tính bàn thay vì giao dịch trực tiếp tại ngân hàng hoặc cây ATM. Nhưng cũng chính vì sự tiện lợi này đã khiến nhiều người do vội vã hoặc do thao tác nhanh không kiểm tra lại dẫn đến chuyển khoản nhầm. Nhiều người dân băn khoăn, nếu rơi vào tình huống chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác thì cần xử lý ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “tiền” được xem là một loại tài sản. Bởi vậy, chủ sở hữu có đầy đủ 03 quyền đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản; việc định đoạt tài sản của chủ sở hữu được thực hiện theo Điều 194 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Việc định đoạt tài sản cho người khác như bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phải tự nguyện, tỉnh táo, minh mẫn và thuận theo ý chí của chủ sở hữu. Có nghĩa sự chuyển dịch tài sản từ chủ sở hữu cho người khác phải trên cơ sở hợp pháp, không có sự nhầm lẫn, không có sự lừa dối...
Chủ sở hữu “có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”, đồng thời yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu bồi thường thiệt hại nếu có, được quy định tại Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, chủ sở hữu hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản đã chuyển nhầm cho người khác qua giao dịch chuyển khoản.
Ứng xử với tình huống chuyển khoản nhầm
Hiện nay vấn đề chuyển tiền nhầm số tài khoản không phải là vấn đề hiếm gặp thời gian gần đây, nhiều người dân sau khi biết mình chuyển nhầm tiền vào tài khoản một người khác đã khá lúng túng và lo lắng không biết nên xử lý vấn đề này ra sao. Nếu rơi vào tình huống này trước tiên cần hết sức bình tĩnh lập tức liên hệ phía ngân hàng và ra quầy giao dịch của ngân hàng, mang theo giấy tờ tùy thân là CMTND/CCCD và biên lai chuyển khoản, cung cấp cho ngân hàng thông tin số tài khoản của bản thân, số tài khoản thực tế phải chuyển, cùng số tài khoản bị chuyển nhầm, chữ ký của chủ tài khoản để yêu cầu ngân hàng nơi mở tài khoản xác minh thông tin chủ số tài khoản mà chủ tài sản đã chuyển nhầm.
Trong trường hợp có yêu cầu của chủ sở hữu (người chuyển khoản nhầm) phía ngân hàng sẽ hỗ trợ liên hệ thông báo đến chủ tài khoản nhận được chuyển khoản nhầm, để người nhận chuyển khoản nhầm chuyển trả lại số tiền đã nhận nhầm theo phương thức tự nguyện. Còn nếu trong trường hợp qua xác minh phía ngân hàng có căn cứ xác định việc chuyển khoản đó do bị ép buộc hoặc do bị lừa dối mà chủ tài khoản hoặc một người khác đã thực hiện lệnh chuyển tiền trái với quy định của pháp luật, thì phía ngân hàng có thể thực hiện lệnh phong tỏa, tạm khóa mọi giao dịch của tài khoản nhận chuyển khoản nhầm cho đến khi giải quyết xong vụ việc theo quy định của pháp luật.
Luật sư Hà Thị Khuyên phân tích thêm, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có quy định cụ thể tại khoản 4, Điều 32 Thông tư 37/2016/TT-NHNN trong việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia, theo đó khi ngân hàng nhận được yêu cầu hoàn trả lệnh thanh toán có đối với số tiền chuyển thừa của đơn vị khởi tạo lệnh, nếu sau khi kiểm soát lại là đúng, đơn vị nhận lệnh xử lý. Trong trường hợp tài khoản thụ hưởng đã bị khóa, phong tỏa vẫn còn số tiền mà người chuyển nhầm đến, ngân hàng sẽ tiến hành chuyển tiền lại cho người chuyển nhầm. Còn khi số tiền gửi nhầm đã được rút, ngân hàng sẽ liên lạc với chủ tài khoản được gửi nhầm để yêu cầu gửi trả lại tiền.
Trường hợp được phía chủ sở hữu (người chuyển khoản nhầm) và phía ngân hàng thông báo về việc chuyển khoản nhầm, nhưng chủ số tài khoản nhận tiền chuyển khoản nhầm vẫn cố tình không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản (tiền) đã nhận nhầm, thì chủ sở hữu tài sản (người chuyển khoản nhầm) hoàn toàn có quyền làm đơn tố giác chủ số tài khoản nhận tiền chuyển khoản nhầm đến cơ quan Công an về tội Chiếm giữ tài sản trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định “Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Cơ quan Công an có thẩm quyền giải quyết đơn tố giác, là nơi diễn ra sự việc chủ sở hữu (người chuyển khoản nhầm) thực hiện lệnh chuyển tiền nhầm.