Tiên sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường
Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, theo nhiều số liệu thống kê hiện nay cho thấy vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đang ở mức báo động đỏ. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) trên toàn thế giới, có 1/5 nữ giới và 1/7 nam giới đã từng bị xâm hại tình dục, có 9% đến 25% trẻ em ở khu vực châu Á đã phải chịu đựng nhiều mức độ xâm hại tình dục ở các hình thức khác nhau.
1. Cơ sở pháp lý và nhận thức đúng về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em
Trẻ em là gì? Đối tượng nào được coi là trẻ em? là câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng trong các văn bản pháp luật trong nước và quốc tế có nhiều cách hiểu, quy ước khác nhau. Hiệp ước về Quyền Trẻ em của Liên hiệp quốc định nghĩa một đứa trẻ là "mọi con người dưới tuổi 18 trừ khi theo luật có thể áp dụng cho trẻ em, tuổi trưởng thành được quy định sớm hơn".
Luật Bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em của Việt Nam năm 2004 quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Một số định nghĩa tiếng Anh của từ trẻ em bao gồm thai nhi. Về mặt sinh học, một đứa trẻ là bất kỳ ai trong giai đoạn phát triển của tuổi thơ ấu, giữa sơ sinh và trưởng thành. Trẻ em nhìn chung có ít quyền hơn người lớn và được xếp vào nhóm không để đưa ra những quyết định quan trọng, và về mặt luật pháp phải luôn có người giám hộ.
Trước đây khái niệm trẻ em đôi khi nhầm lẫn, đánh đồng với khái niệm người chưa thành niên (người chưa đủ 18 tuổi). Đến khi Luật trẻ em ra đời thì khái niệm trẻ em một lần nữa được thống nhất, quy ước trẻ em là người dưới 16 tuổi. Cụ thể, Điều 1, Luật trẻ em năm 2016 của nước ta quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Khoản 1, Điều 4, Luật trẻ em năm 2016 quy định: “Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”
Hiện tại, ở Việt Nam, trẻ em có quyền được bảo vệ theo Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam bao gồm Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Lao động… Đặc biệt là Luật trẻ em đã được Quốc Hội thông qua thay thế Luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em và có hiệu lực từ ngày 01/6/2017. Văn bản pháp luật này là cơ sở pháp lý quan trong để đấu tranh, bảo vệ các quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại trong cộng đồng xã hội.
Về các chế tài xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm chế tài hành chính và chế tài hình sự. Về chế tài hành chính, các hành vi xâm hại tình dục trẻ em tùy tính chất, mức độ có thể vị xử phạt theo quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Về chế tài hình sự. luật hình sự hiện hành quy định các tội danh liên quan đến vấn đề này bao gồm: Tội hiếp dâm trẻ em, Tội cưỡng dâm trẻ em, Tội giao cấu với trẻ em, Tội dâm ô đối với trẻ em. Bộ luật hình sự 2015 đã được Quốc Hội thông qua và sắp co hiệu lực thi hành cũng đã dành 5 tội danh quy định mức phạt với người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi và Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Một trong những vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em là cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, bảo về như thế nào, trình tự, thủ tục ra sao, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức như thế nào cho đạt hiệu quả cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Theo quy định pháp luật và văn hóa, tập quán cộng đồng thì: Giáo viên, nhân viên y tế, công an, nhân viên xã hội, lãnh đạo địa phương, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cán bộ bảo vệ trẻ em,…là những người có thể kịp thời giúp đỡ và bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục tại cộng đồng khi sự việc bắt đầu xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Khi vụ việc ở mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội thì vụ việc sẽ được xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự, đồng nghĩa với việc kẻ xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị kết tội và chịu hình phạt. Khi đó cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án sẽ là những cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện các thủ tục tố tụng, nhằm kết tội và ấn định mức hình phạt với người đã có hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Trong quá trình thực hiện thủ tục tố tụng hình sự thì luật sư cũng có thể tham gia các vụ án này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đồng thời kiến nghị xử lý kẻ phạm tội bằng những chế tài nghiêm khắc nhất để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Với cuộc sống công nghệ hiện đại và mức sống gia tăng kết hợp trình độ dân trí cao như hiện nay, thì việc dựa vào các trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, tư vấn về tâm lý, giải quyết các tình huống liên quan tới xâm hại tình dục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em ngày càng được coi trọng và luật sư là một nhân tố quan trọng có thể giúp đỡ trẻ em cũng như gia đình các trẻ em trong những tình huống này.
Luật sư tham gia bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em được thể hiện ở hai giai đoạn là giai đoạn “tiền tố tụng”, và trong tố tụng hình sự hoặc dân sự. Khi sự việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra thì cha mẹ, người giám hộ của trẻ em có thể liên hệ với luật sư để được tư vấn pháp lý và giải pháp giải quyết tình huống có vấn đề đó. Nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì luật sư sẽ trợ giúp pháp lý để gia đình nạn nhân yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc, giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng hình sự, đồng thời luật sư sẽ tham gia vụ án đó với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại.
“Xâm hại trẻ em” là một khái niệm có thể hiểu là hành vi (hành động hoặc không hành động) có chủ ý, gây ra tổn thương hoặc gây nguy hại cho trẻ. Có bốn hình thức chính của xâm hại trẻ em, bao gồm: thể chất, tinh thần, xao nhãng và tình dục.
Xâm hại tình dục trẻ em là hành vi của người lớn tác động, tấn công tình dục tới trẻ em nhằm thỏa mãn ham muốn tình dục của bản thân hoặc để đạt được một mục đích cá nhân nào đó, đồng thời gây tổn hại tới danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tâm, sinh lý của trẻ em. Xâm hại tình dục sẽ xảy ra khi một ai đó sử dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự tin tưởng của trẻ để lôi kéo trẻ vào hoạt động tình dục. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi tình dục không mong muốn, có thể bao gồm cả hành vi xâm hại có tiếp xúc hay hành vi xâm hại không tiếp xúc. Xâm hại tình dục trẻ em có thể kể đến như làm những hình ảnh, video có tính chất xâm hại trẻ em; ép buộc trẻ em xem hay tham gia các hoạt động tình dục; ép buộc trẻ quan hệ tình dục hoặc lôi kéo trẻ em vào các hành vi tình dục với trẻ em khác hoặc với người lớn.
Xâm hại tình dục trẻ em cũng được hiểu bao gồm lạm dụng tình dục trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em. Lạm dụng tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thỏa mãn nhu cầu tình dục của người lớn, không nhằm mục đích kiếm tiền. Lạm dụng tình dục trẻ em phổ biến ở các dạng: hiếp dâm trẻ em, loạn luân (giữa cha/mẹ và con gái/trai), hành vi dâm ô (nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có giao cấu). Chuyện lạm dụng tình dục xảy ra ngay cả khi người lớn hơn ôm, vuốt ve, sờ mó, đụng chạm vào các bộ phận kín của trẻ em, hoặc yêu cầu trẻ em sờ mó, đụng chạm vào các bộ phận kín của người lớn đó. Bóc lột tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thỏa mãn dục vọng của người lớn nhằm mục đích kiếm tiền, trục lợi. Bóc lột tình dục trẻ em phổ biến ở dạng: mại dâm trẻ em, buôn bán trẻ em nhằm mục đích mại dâm, văn hóa phẩm khiêu dâm sử dụng hình ảnh trẻ em làm mục đích kinh doanh.
Ngoài ra, thông thường các hành vi xâm hại tình dục trẻ em được chia thành hai nhóm phổ biến. Một là nhóm các hành vi xâm hại trẻ em bằng cách đụng chạm như ôm trẻ theo kiểu tình dục, sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ hoặc bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người lớn hoặc một đứa trẻ khác… hai là xâm hại bằng cách không đụng chạm, điển hình như thông qua việc dùng lời nói hoặc tranh khiêu dâm để làm trẻ sốc, làm cho trẻ hưng phấn tình dục hoặc làm cho trẻ quen với tình dục. Đáng chú ý, thời gian qua bên cạnh những hành vi xâm hại sử dụng bạo lực, những dạng xâm hại tình dục trẻ em không đụng chạm như đưa hình ảnh trẻ em lên các mạng khiêu dâm, chat sex với trẻ, ép trẻ phô bày các bộ phận cơ thể qua webcam… đang ngày càng gia tăng.
Nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là các bé gái. Tuy nhiên hiện nay thực trạng trẻ em nam bị xâm hại tình dục rất đáng báo động. các em thường bị dụ dỗ bằng tiền, thẻ chơi game, đồ chơi, nếu không kịp thời phát hiện để điều chỉnh về tâm sinh lý thì sau này có nguy cơ lệch lạc giới tính.
2. Những khó khăn của luật sư khi tham gia bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em
Theo khảo sát 30% cả bé trai và bé gái đã từng phải chịu đựng cưỡng bức tình dục. Số liệu thống kê của Qũy dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho thấy độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại là 9 tuổi. Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng Chống bạo hành trẻ em (NSPCC) thì cứ 4 bé gái có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai có 1 bé bị xâm hại tình dục. Số liệu thống kê mới nhất được công bố ngày 29/3 tại Tọa đàm “chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ Lao động – thương binh và xã hội, UNICEF khu vực Đông Á – Thái Bình Dương tổ chức cho thấy trong 5 năm (2011-2015) có tới 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam có xu hướng gia tăng. Mỗi năm có khoảng hơn 1200 trẻ em bị xâm hại tình dục trên tổng số hơn 2.000 vụ xâm hại trẻ em hàng năm, tương ứng khoảng 60%. Trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13 đến 18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13 tuổi. đáng nói hơn 93% nạn nhân quen kẻ xâm hại mình, trong đó có 47% kẻ xâm hại đến từ họ hàng, gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận tại Việt Nam trong những năm qua thực tế chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi con số đó thực chất chỉ là những vụ việc được báo cáo, rất nhiều vụ bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hay vì lý do khác nhau mà không báo cáo.
Các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tính từ năm 2010 đến 2014 khởi tố 7.567 vụ và khởi tố 8.030 bị can phạm phải các tội xâm hại tình dục trẻ em. Các tội danh chủ yếu bao gồm: tội Hiếp dâm trẻ em, tội Cưỡng dâm trẻ em, tội Giao cấu với trẻ em và tội Dâm ô đối với trẻ em. Tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua các năm có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, trung bình tăng 12,8% về số vụ và 10,55% về số đối tượng. Nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Xâm hại tình dục đối với trẻ em, đặc biệt là các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em không chỉ làm tổn thương trẻ vào thời điểm khi hành vi xâm hại diễn ra mà còn có thể tiếp tục gây tổn thương nạn nhân trong suốt quãng đời còn lại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.Vì vậy, việc nghiên cứu tình hình tội phạm xâm phạm xâm phạm tình dục trẻ em, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra những giải pháp để đấu tranh với loại tội phạm này là vấn đề pháp lý được nhiều người quan tâm trong thời gian qua.
Tuy nhiên, việc tham gia của luật gia, luật sư đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em vẫn ở mức độ khiêm tốn, chưa phát huy hết vai trò, vị trí của một bên trong tố tụng hình sự để đảm bảo công bằng cho nạn nhân, góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa phát huy hết vai trò của một lực lượng bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý trong các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, cụ thể như sau:
Thói quen tìm đến luật sư, sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư
Trong điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay thì chúng ta chưa tạo ra được thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư, chưa có thói quan dùng luật sư riêng… Vì vậy, khi sự cố pháp lý về xâm hại tình dục trẻ em xảy ra thì trẻ em và cha mẹ, người giám hộ thường lung túng, không biết phải bắt đầu từ đâu. Điều đó dẫn đến việc khó khăn trong thủ tục tố giác tội phạm, bảo vệ hiện trường, lưu giữ chứng cứ, dấu vết của vụ việc… làm căn cứ giải quyết vụ án. Thậm chí, họ còn bị tư vấn sai, bị đe dọa khiến không tiếp cận được với những người hiểu biết pháp luật, có thể tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xâm hại tình dục nói chung, trẻ em nói riêng.
Tâm lý e dè, xấu hổ, sợ hãi của cha mẹ, người dám hộ của trẻ em khi phát hiện trẻ em bị xâm hại
Thực tiễn cho thấy, trong các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, đa phần các trẻ em đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ thì đôi khi e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con cái nên cũng không tố giác, tố cáo người có hành vi xâm hại đến trẻ em. Tâm lý này cũng gây ảnh hưởng đến việc tham gia tư vấn của luật sư, khi việc xác minh, thu thập thông tin từ các trẻ em gặp khó khăn do trẻ không dám nói thật, e ngại trong việc tường thuật lại sự việc, dẫn đến việc tham gia của luật sư thiếu các chứng cứ quan trọng, không đạt hiệu quả như mong đợi.
Kỹ năng sống của nhiều trẻ em chưa tốt dẫn đến dễ bị xâm hại và không biết cách để đối phó cũng như tố cáo hành vi vi phạm dẫn đến khó khăn cho việc phát hiện, truy tìm chứng cứ để xử lý
Trong số các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, có một số trường hợp trẻ em trở thành nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục xảy ra ngay trong chính gia đình mình, kẻ xâm hại tình dục trẻ em có quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ huyết thống với trẻ. Trường hợp trẻ em sống trong điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, có kết cấu gia đình không hoàn hảo (chỉ có bố hoặc mẹ, có bố dượng hoặc mẹ kế), đi kèm với thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kỹ năng bảo vệ, tâm lý chủ quan, thiếu cảnh giác của cha mẹ thì nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao. Đối với các vụ xâm hại tình dục có tính chất loạn luân này, thì tâm lý của trẻ bị xâm hại còn e ngại, sợ hãi hơn và khó phát hiện, khó xử lý hơn. Những trường hợp khi bố hoặc mẹ phát hiện ra và dẫn tới luật sư tư vấn, muốn đưa ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì thường trẻ em rất tự ti, mặc cảm và không dám nói thật, không dám tố giác kẻ phạm tội vì sự xấu hổ với gia đình và lo sợ đến tình cảm hạnh phúc của bố, mẹ cũng như bị chính kẻ phạm tội uy hiếp, đe dọa. Theo thống kê, đa phần các nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em đều có quen biết với kẻ phạm tội, thậm chí là người thân với nạn nhân (người quen của bố mẹ, hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố dượng, bố đẻ…) đã lợi dụng, dụ dỗ hoặc đe dọa để thực hiện hành vi phạm tội, trong khi nạn nhân còn nhỏ tuổi không có khả năng tự về hoặc chưa có ý thức về việc bị xâm hại. Những trường hợp này khiến cho luật sư rất khó để thu thập thông tin và thường việc tiến hành bảo vệ quyền cho các trẻ em gặp khó khăn rất nhiều. Ngoài ra tâm lý này của trẻ em và gia đình nên thường đưa ra thông tin muộn, chậm chạp, vô hình chung đã tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội có thời gian để xóa dấu vết phạm tội cũng như các dấu vết phạm tội trên người nạn nhân cũng không còn.
Với cuộc sống công nghệ hiện nay, các hành vi xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tinh vi hơn. Việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên các website, diễn đàn, thành lập tham gia các diễn đàn chia sẻ phim, ảnh đồi trụy trẻ em qua mạng internet, tổ chức các buổi gặp gỡ để làm quen, lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc trẻ em tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật như mại dâm hoặc để ép buộc trẻ em thực hiện hành vi xâm hại cũng ngày càng gia tăng. Không ít trẻ em đã tự biến mình thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục do tò mò trước những thứ đọc được trên mạng. Với các vụ việc này, thường trẻ em cũng không biết rõ kẻ thực hiện hành vi phạm tội là ai, không quen biết mà chỉ trao đổi qua mạng, có thể gặp gỡ một hoặc vài lần, do đó luật sư cũng rất khó để xác minh, thu thập thông tin để tìm ra manh mối giúp cơ quan điều tra nhận diện kẻ phạm tội.
Các phương tiện vật chất, kỹ thuật, trình độ nghiệp vụ của cán bộ có chuyên môn ở một số địa phương chưa tốt dẫn đến khó xác định, thu thập được chứng cứ
Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ thì đòi hỏi phải có phương tiện kỹ thuật hiện đại để thu thập chứng cứ, dấu vết, giám định tịnh dục, giám định sức khỏe… Đồng thời, cán bộ chuyên môn cũng đòi hỏi phải đạt một trình độ nhất định thì mới có thể tìm ra sự thật khách quan thông qua các chứng cứ pháp lý.
Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế, xã hội nước ta hiện nay thì phương tiện kỹ thuật chưa hiện đại, trình độ, kinh nghiệm của cán bộ kỹ thuật chưa cao nên khi tiến hành các thủ tục giám định để tìm chứng cứ (vân tay, AND, sinh dục…) có nhiều tường hợp gặp khó khăn, trở ngại cho việc tìm chứng cứ để đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Những khó khăn, cản trở của một số người tiến hành tố tụng khiến việc tham gia của các luật sư, luật gia gặp nhiều khó khăn
Nhiều người tiến hành tố tụng vẫn còn tâm lý e ngại luật sư khi để luật sư tham gia vào vụ án hình sự. Vì vậy, nhiều trường hợp người tiến hành tố tụng đã có những hành động gây khó khăn, cản trở việc luật sư tham gia tố tụng hình sự trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Việc thu thập một số chứng cứ quan trọng của vụ án làm căn cứ kết tội, trừng chị hung thủ xâm hại tình dục trẻ em trong vụ án hình sự như thủ tục trưng cầu giám định sức khỏe, kiểm tra dấu vết trên người trẻ bị xâm phạm, các hoạt động trưng cầu giám định khác thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra. Luật sư không được tham gia, không thể can thiệp vào các thủ tục này, do đó nếu cơ quan công an tiến hành chậm thực hiện thủ tục thu thập chứng cứ thì những chứng cứ, dấu tích về hành vi phạm tội để lại ở hiện trường, trên cơ thể nạn nhân… sẽ dễ biến mất, không thể nhận diện, không thể phát hiện được. Những biến động về thể chất của trẻ em cũng rất nhanh do đó nếu không kịp thời thực hiện các thủ tục pháp lý để thu thập chứng cứ thì sẽ khó khăn trong việc chứng minh tội phạm.
Khó khăn về căn cứ pháp lý, hệ thống pháp luật
Một trong những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tham gia tố tụng của luật gia, luật sư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của trẻ em khi bị xâm hại tình dục là hệ thống pháp luật trong bảo vệ và xử lý các hành vi xam hại tình dục trẻ em còn hạn chế và chưa tạo thuận lợi tối đa cho các luật sư tham gia vào vụ việc.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và cả trong BLTTHS năm 2015 thì trong giai đoạn xác minh, tin báo tố giác tội phạm về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, thì luật sư chỉ được tư vấn, hỗ trợ pháp lý chứ chưa có quy định cụ thể về việc luật sư được tham gia trực tiếp vào quy trình tố tụng đầu tiên này dẫn đến nhiều bất lợi, thiệt thòi cho nạn nhân. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì người bị tố cáo có quyền mời luật sư tham gia vào quá trình xác minh tin báo, tố giác tội phạm (giai đoạn tiền tố tụng) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh việc khởi tố oan sai. Tuy nhiên, BLTTHS mới này lại không quy định quyền được mời luật sư trợ giúp pháp lý trực tiếp trong giai đoạn xác minh tin báo, tố giác tội phạm của người bị hại. Vì vậy, nếu người tiến hành tố tụng không công tâm hoặc yếu nghiệp vụ, chuyên môn thì khó mà bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong giai đoạn này.
Đến thời điểm khởi tố vụ án hình sự thì luật sư được tham gia trực tiếp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại. Tuy nhiên, văn bản pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể, đặc thù cho loại đối tượng là người chưa thành niên này dẫn đến hiệu quả bảo vệ quyền lợi không cao, không giải quyết được triệt để vấn đề, thậm chí có thể gây tổn thương tâm lý nặng nề cho nạn nhân trong một quá trình dài tham gia tố tụng hình sự.
3. Giải pháp nhằm phòng - chống hành vi xâm hại tình dục trẻ em
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cá cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ em theo Luật trẻ em, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật tố tụng hình sự, và các văn bản pháp luật có liên quan để bảo vệ trẻ em khỏi những tổn thương không đáng có từ nguy cơ bị xâm hại tình dục. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng tới tương lai của thế hệ, của đất nước vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức, của gia đình và bản thân các trẻ em. Ngoải ra, cũng cần phải có sự chung tay, tham gia của các chuyên gia tâm lý, các chuyên gia trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các luật gia, luật sư.
Tăng cường giáo dục giới tính có hiệu quả cho trẻ em tại nhà trường, cũng như các hoạt động ngoại khóa, kết hợp với rèn luyện kỹ năng sống để trẻ em có thể nhận biết, phòng tránh và đấu tranh với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Nâng cao nhân thức pháp luật, thói quen sử dụng pháp luật để bảo vệ bản thân trước các hành vi xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục. Hiểu rõ vị trí, vai trò của luật sư trong hỗ trợ pháp lý khi có sự việc xấu xảy ra để kịp thời được tư vấn, can thiệp về mặt pháp lý trong lĩnh vực này.
Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan tới các thủ tục tố tụng để luật sư có điều kiện thuận lợi tham gia bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là trẻ em trong các vụ việc bị xâm hại tình dục. Cần bổ sung quy định pháp luật về sự tham gia bắt buộc của luật sư ở các vụ án hình sự mà nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em. Cũng cần quy định cụ thể hơn về sự tham gia của luật sư đối với các vụ việc này từ gia đoạn xác minh tin báo, tố giác tội phạm để tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư được xác minh thông tin, thu thập chứng cứ, đấu tranh với hành vi phạm tội từ giai đoạn đầu, giúp cho việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em được đảm bảo.
Tài liệu tham khảo:
1. Tạ Thị Minh Kiên, Nguyễn Thị Hồng Thủy (2005), Đặc điểm của nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp phòng ngừa, Chuyên đề thông tin Tội phạm học, số 5/2005.
2. Lê Văn (2016), Báo động đỏ về nạn xâm hại tình dục trẻ em, Báo Vietnamnet số ra ngày 30/6/2016.
3. Khánh An (2016), Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em gia tăng: Luật nghiêm nhưng thiếu chế tài, Báo Nhà báo và công luận, số ra ngày 14/4/2016.