Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP giải thích nguồn gốc “xuất xứ hàng hóa” là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. Đối với những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ khác nhau sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế quan khác nhau. Hiện nay chúng ta có 3 mức thuế, bao gồm thuế ưu đãi, thuế thường và thuế trả đũa. Các quốc gia sẽ căn cứ vào xuất xứ của các hàng hóa để xác định đâu là mặt hàng được hưởng những ưu đãi về thuế theo các thỏa thuận thương mại và đâu là không.
Chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017. Luật này quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương. Hoạt động ngoại thương là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; quá cảnh và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.