Language:

Sửa chữa bổ sung bản án

Quyết định công nhận thỏa thuận, Quyết định đình chỉ sai sót về chính tả gây khó khăn cho công tác thi hành án. Tòa án có được sửa chữa, bổ sung những quyết định này không?
Vướng mắc: Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chỉ quy định về sửa chữa, bổ sung bản án. Trường hợp Quyết định công nhận thỏa thuận, Quyết định đình chỉ (kể cả Quyết định của Hội đồng xét xử ban hành) có sai sót về chính tả mà không được đính chính, sẽ dẫn đến Cơ quan thi hành án không thi hành được và thuộc trường hợp bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án. Đối với trường hợp này, Tòa án có được sửa chữa, bổ sung những quyết định này theo quy định Điều 486 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 hay không?
Nghị án và tuyên án sơ thẩm vụ án dân sự
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích về việc nghị án và tuyên án sơ thẩm vụ án dân sự. Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án để nghị án. Chỉ có các thành viên Hội đồng xét xử mới có quyền nghị án. Khi nghị án, các thành viên Hội đồng xét xử phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm nhân dân biểu quyết trước, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án. Khi nghị án phải có biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử. Biên bản nghị án phải được các thành viên Hội đồng xét xử ký tên tại phòng nghị án trước khi tuyên án. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc nghị án đòi hỏi phải có thời gian dài thì Hội đồng xét xử có thể quyết định thời gian nghị án nhưng không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử phải thông báo cho những người có mặt tại phiên tòa và người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa về giờ, ngày và địa điểm tuyên án. Trường hợp Hội đồng xét xử đã thực hiện việc thông báo mà có người tham gia tố tụng vắng mặt vào ngày, giờ và địa điểm tuyên án thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc tuyên án theo quy định tại Điều 267 của Bộ luật này. Qua nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận.
Những quy định chung về xét xử vụ án hình sự
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích về những quy định chung về xét xử vụ án hình sự. Việc xét xử được tiến hành bằng lời nói. Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Việc xét xử được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ và thời gian tạm ngừng phiên tòa. Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư ký Tòa án. Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án. Bị cáo phải đứng khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý; người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi. Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi. Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.