Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo điểm đ, khoản 1, Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì “Người bị buộc tội” gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ theo quy định tại Điều 59; Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự quy định tại Điều 60; Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử quy định tại Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Khi bị áp dụng các biện pháp tố tụng như khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự người bị buộc tội sẽ bị hạn chế một số quyền nhất định để cơ quan tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng. Nếu thấy không phải vụ án cần giữ bí mật điều tra, bí nhân thân người bị buộc tội thì cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể cung cấp thông tin vụ án cho cơ quan báo chí.
Báo chí là một kênh thông tin chính thống được sự cho phép hoạt động của Nhà nước, chịu sự quản lý Nhà nước, ngay tại điểm c, khoản 2, Điều 4 Luật Báo Chí năm 2016 đã quy định báo chí có nhiệm vụ phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân, đây là chức năng bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội mà không một tổ chức nào được “trao quyền” này ngoài cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó tại điểm b, c, d, khoản 2 Điều 25 quy định quyền của nhà báo khi tác nghiệp được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 2, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định “Thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra” là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản; “Tiếp cận thông tin” là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin; Còn “Cung cấp thông tin” là bao gồm việc cơ quan nhà nước công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.
Cũng tại khoản 3, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7.
Như vậy đối chiếu quy định pháp luật nêu trên thì phóng viên, nhà báo hoàn toàn có quyền đưa tin về các vụ án, vụ việc nếu thông tin đó do cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát, cơ quan tòa án cung cấp, do đây là nguồn thông tin chính thống, đã được xác thực và đã được xem xét tới yêu tố bí mật, tính riêng tư, do vậy bên cung cấp thông tin (cơ quan tố tụng) cũng được phép và bên đăng tải (báo chí) cũng được phép sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí.
Luật Báo chí cũng khẳng định việc đăng tin sai sự thật, thông tin thuộc bí mật đời tư và bí mật Nhà nước mới bị cấm, cụ thể nếu phóng viên, nhà báo thu thập thông tin từ các nguồn không chính thống, không phải do cơ quan Nhà nước, cơ quan tố tụng cung cấp về người bị buộc tội, hành động đăng tải tin tức không đúng sự thật dẫn đến xâm phạm đời tư cá nhân thì hành vi này mới bị nghiêm cấm và xử lý.
Nếu một cá nhân bình thường không phải là phóng viên, nhà báo, thực hiện hoạt động thu thập tin tức, hình ảnh để đăng tải nhưng không vì mục đích phục vụ cho hoạt động báo chí, mà đăng tải dẫn tới xâm phạm đời tư cá nhân, xâm phạm bí mật Nhà nước thì vấn đề trách nhiệm pháp lý sẽ được đặt ra. Khi ấy những cá nhân có hành vi đăng tải thông tin, hình ảnh khi chưa được sự cho phép của chủ thể có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, phải bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật có quy định ngoại lệ dành cho đội ngũ nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp, đưa tin phục vụ hoạt động báo chí giúp người dân tiếp cận nhanh chóng các vấn đề thời sự nóng hổi. Nếu chỉ dẫn chiếu đơn thuần về quyền hình ảnh của cá nhân do Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thì tất cả mọi người đều có quyền với hình ảnh và thông tin cá nhân của mình, không ai được phép xâm phạm. Nhưng nếu quy định này được đặt trong bối cảnh một cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm phát sinh hoạt động thụ lý giải quyết của cơ quan có thẩm quyền tố tụng, thông tin về vụ án do chính cơ quan đang thụ lý giải quyết này cung cấp cho báo chí, thì việc cung cấp thông tin này hoàn toàn đúng quy định pháp luật, khi đó thông tin báo chí thu thập được do cơ quan có thẩm quyền cung cấp và cho phép, việc đăng tải có mục đích truyền tải tin tức thời sự, phục vụ công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, phổ biến pháp luật thì không thể bị coi là xâm phạm đời tư cá nhân, xâm phạm hình ảnh cá nhân.
Từ những ý kiến phân tích trên, chúng tôi cho rằng đội ngũ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp thu thập tin tức, hình ảnh để đăng tải phục vụ hoạt động báo chí nên thu thập từ các nguồn chính thống do cơ quan đang thu lý giải quyết vụ án cung cấp, kiểm chứng chặt chẽ thông tin sự việc trước khi đăng tải, các thông tin thu thập được chỉ sử dụng cho mục đích hoạt động báo chí, thì việc đăng tải sẽ hoàn toàn đúng quy định pháp luật.