Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin ban đầu, do mâu thuẫn, tranh chấp tiền bạc nên ông Đinh Văn Thành đã lấy trộm 2,3 tỷ và trang sức của vợ mang đi cất giấu tại kho sau nhà. Ngày 01/02/2023, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đang điều tra vụ người chồng trộm hơn 2,3 tỷ đồng của vợ. Trước đó, lúc 13h ngày 31/01/2023, công an nhận tin báo từ bà N.T.M. (54 tuổi, trú tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) về việc bị kẻ gian trộm tài sản trong két sắt trị giá hơn 2,3 tỷ đồng cùng nhiều trang sức có giá trị được cất giữ trong phòng ngủ của bà. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra, khám nghiệm hiện trường. (Link thông tin https://vietnamnet.vn/chong-trom-hon-2-3-ty-cua-vo-o-quang-nam-mang-cat-giau-2105750.html)
Quan điểm pháp lý của luật sư:
Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, do mâu thuẫn tranh chấp về tiền bạc mà người chồng đã có hành vi lấy trộm tiền của người vợ, dù giữa hai người họ chưa ly hôn, sống chung nhà thì hành vi này rất đáng bị lên án.
Do giữa hai vợ chồng chưa ly hôn, đang ly thân và sống chung nhà nên việc xử lý hình sự người chồng trong trường hợp này phải hết sức thận trọng, cần làm rõ nguồn gốc số tiền này từ đâu, là tài sản riêng hay tài sản chung vợ chồng để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, hành vi của người chồng là lén lút lấy hay lấy một cách công khai... nhằm làm rõ ý thức chủ quan và hành vi khách quan của người chồng làm căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 tại Điều 33 quy định “Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng"; "Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung". Việc định đoạt tài sản chung phải tuân theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cụ thể “Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: Bất động sản; Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”.
Đối chiếu quy định trên thì hành vi người chồng lấy tài sản (định đoạt tài sản) trong thời kỳ hôn nhân nêu trên không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chồng là chưa có căn cứ. Mặc dù hành vi lấy tài sản của người chồng là không đúng quy định, nhưng do số tiền bị lấy đi là tài sản chung của vợ chồng mà pháp luật hiện hành lại chưa có quy định hay chế tài cụ thể nào nên không thể xác định tội danh cụ thể đối với hành vi của người chồng gây ra. Còn trong trường hợp tài sản người chồng lấy đi, là tài sản riêng của người vợ trong thời kỳ hôn nhân (nếu chứng minh được) thì hành vi lấy tiền của người chồng được xem là hành vi chiếm đoạt, chiếm đoạt một cách lén lút thì đây là hành vi trộm cắp tài sản.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Nguyễn Văn Đồng lại cho rằng, dù là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng, thì hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản khi tài sản đang có người quản lý (do người vợ đang quản lý), hành vi này đã cấu thành tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, người chồng hoàn toàn ý thức được số tiền chiếm đoạt là tài sản chung hay tài sản riêng từ đó điều chỉnh hành vi của mình, từ đó sẽ quyết định thực hiện hành vi lấy tài sản dưới dạng công khai hay lén lút, ở đây người chồng đã thực hiện hành vi một cách lén lút. Vì vậy, với số tiền chiếm đoạt 2,3 tỷ đồng (tức trên 500 triệu quy định tại khoản 4, Điều 173) thì khung hình phạt người chồng sẽ phải đối mặt là 12-20 năm.
Dù là tài sản chung hay tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân, nhưng hiện tại đang do người vợ đứng ra quản lý, nhưng người chồng đã lén lút chiếm đoạt và người vợ không hề hay biết thì hành vi này thỏa mãn 02 dấu hiệu là “lén lút” và dấu hiệu “tài sản đang có người quản lý”, trong trường hợp này người chồng đã chiếm đoạt được tài sản và mang đi cất giấu nên tội phạm đã hoàn thành, hành vi chiếm đoạt tài sản có đặc điểm khách quan là lén lút và ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi cũng là lén lút.
Hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là lén lút nếu được thực hiện thông qua hình thức mà hình thức này có khả năng không cho phép chủ tài sản biết hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra. Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp là tài sản đang có người quản lý, hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản ở tội trộm cắp phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản “đang có người quản lý”.
Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338