Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Cuối năm 2024 cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin một số người nổi tiếng, trong đó có Quang Linh Vlogs – một YouTuber nổi tiếng với hành trình thiện nguyện tại châu Phi – và Hằng Du Mục – TikToker chuyên du lịch Trung Quốc – bị cho là quảng cáo một sản phẩm liên quan đến sức khỏe không rõ nguồn gốc, với nhiều dấu hiệu thổi phồng công dụng.
Trong đoạn video được lan truyền, người xem thấy các KOL (KOLs là viết tắt của cụm từ Key Opinion Leaders, nghĩa là Những người dẫn dắt dư luận hoặc Người có sức ảnh hưởng chính trong một lĩnh vực) này nhấn mạnh rằng sản phẩm "giúp khỏe mạnh, nâng cao đề kháng, phù hợp với mọi lứa tuổi", thậm chí ám chỉ khả năng hỗ trợ chữa bệnh. Sau khi cộng đồng mạng phản ứng, nhiều người tố rằng sau khi sử dụng sản phẩm, họ không thấy hiệu quả và có biểu hiện bất thường. Dù phía KOLs đã gỡ nội dung quảng cáo, xin lỗi công khai và cho rằng “do tin tưởng nhãn hàng”, nhưng hậu quả đã xảy ra và thực tế ngày 4/4/2025 Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về Tội lừa dối khách hàng theo quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự.
Theo Luật Quảng cáo 2012, người thực hiện quảng cáo (bao gồm người mẫu, diễn viên, KOL, influencer...) phải chịu trách nhiệm về nội dung mình thể hiện nếu nội dung đó gây hiểu nhầm, sai sự thật, hoặc vi phạm quy định pháp luật.
Cụ thể, theo Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định cụ thể về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, có quy định cấm: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”. Điều này đồng nghĩa, nếu người nổi tiếng đưa ra lời giới thiệu sai lệch, hoặc làm cho công chúng hiểu nhầm rằng sản phẩm có tác dụng "thần kỳ" mà thực tế không có, họ đang vi phạm quy định pháp luật.
Cũng theo Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính nặng, đặc biệt khi liên quan đến sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể: Phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi “Quảng cáo có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận”. Phạt từ 50 triệu đến 70 triệu đồng nếu “Quảng cáo thực phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế có nội dung sai sự thật”. Đáng chú ý nếu hành vi quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, đến mức bị xử lý hình sự thì người thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị xử lý về Tội lừa dối khách hàng như Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục.
Hiện nay Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nêu rõ KOLs phải đảm bảo kiểm chứng thông tin trước khi quảng cáo, đặc biệt nếu sản phẩm thuộc nhóm: Sức khỏe, thực phẩm chức năng; Mỹ phẩm, thuốc; Thiết bị y tế; Tài chính, đầu tư, tiền số. Nếu sản phẩm bị phát hiện gian lận thì “người nổi tiếng không thể thoái thác trách nhiệm”. Vì thế, càng có ảnh hưởng, càng phải thận trọng.
Do đó, người tiêu dùng bị thiệt hại do mua sản phẩm qua lời quảng cáo sai lệch có thể khởi kiện đòi bồi thường. Trong nhiều vụ việc tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, người nổi tiếng đã phải công khai xin lỗi, bồi thường hàng chục ngàn USD vì tham gia quảng cáo sai sự thật. Còn tại Việt Nam, tiền lệ chưa nhiều, nhưng với xu hướng bảo vệ người tiêu dùng ngày càng mạnh mẽ, việc KOL bị kiện vì quảng cáo sai là hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài vấn đề pháp lý, người nổi tiếng còn đứng trước câu hỏi đạo đức “Sự tin tưởng của khán giả là vốn liếng lớn nhất, một lần đánh mất, rất khó lấy lại” như Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục là một minh chứng, và một số nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng trước đó.
Trường hợp Quang Linh – một hình mẫu thiện nguyện – nếu quảng cáo cho sản phẩm sai lệch, sẽ khiến công chúng hụt hẫng hơn rất nhiều so với một KOL bình thường. Bởi họ xem anh là người truyền cảm hứng, chứ không đơn thuần là một người làm thương mại. Trong vụ việc, Quang Linh đã phản ứng nhanh, xóa video, lên tiếng xin lỗi và giải thích. Nhưng nếu sau này lại tiếp tục lặp lại sai lầm, hình ảnh của anh có thể “sụp đổ” trong mắt công chúng.
Một số chia sẻ dưới góc nhìn pháp lý và đạo đức cho những người nổi tiếng trước khi nhận quảng cáo như sau:
Thứ nhất, chỉ nhận quảng cáo cho sản phẩm có hồ sơ pháp lý rõ ràng như: Kiểm tra giấy phép, công bố sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm; Ưu tiên sản phẩm có thương hiệu uy tín, không bị "lùm xùm" trước đó.
Thứ hai, yêu cầu hợp đồng minh bạch, có điều khoản loại trừ trách nhiệm nếu phát hiện sai phạm như: Ràng buộc trách nhiệm của nhãn hàng về tính hợp pháp; Cho phép KOL được từ chối, hoặc gỡ bài quảng cáo nếu phát hiện có gian lận.
Thứ ba, tự trải nghiệm sản phẩm – Không quảng cáo theo kịch bản sẵn có như: Tránh dùng những lời lẽ mang tính khẳng định tuyệt đối như: “đảm bảo hiệu quả”, “chữa được bệnh”, “an toàn 100%”. Nếu là thực phẩm chức năng: phải nói rõ không phải thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh.
Thứ tư, không quảng cáo cho các sản phẩm: đầu tư tài chính mập mờ, tiền ảo, đa cấp, game bài... Do các lĩnh vực này thường tiềm ẩn rủi ro pháp lý cực cao. Một khi người nổi tiếng bị cho là “tiếp tay lừa đảo”, thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Vụ việc của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là lời nhắc nhở cho tất cả người nổi tiếng: Không chỉ có ánh hào quang, mà còn có trách nhiệm pháp lý và đạo đức rất lớn đi kèm. Trong thời đại công nghệ số, chỉ một phút bất cẩn khi quảng cáo, KOL có thể phải trả giá bằng danh tiếng xây dựng suốt nhiều năm – thậm chí là cả trách nhiệm pháp lý nếu gây thiệt hại cho công chúng.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0983951338 - 0936683699