Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin báo chí, qua làm việc, người được cho là phó chủ tịch huyện kỳ kèo phần trăm công trình với nhà thầu cho rằng có 2-3 giọng nói không xác định được chính xác là của ai nên đề nghị cơ quan chức năng làm rõ. Chiều 29/5/2023, tại buổi họp báo thông tin ông H.T.V, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh CM, cho biết sau khi xuất hiện clip này trên mạng xã hội đã tạo dư luận trong và ngoài tỉnh rất lớn, cho đây là một vụ tiêu cực khá nghiêm trọng. Theo ông V, Bí thư Tỉnh ủy CM đã chỉ đạo Huyện ủy PT mời Phó Chủ tịch UBND huyện PT, người có liên quan trong clip lên làm việc. Qua làm việc bước đầu, vị Phó Chủ tịch UBND huyện PT được cho có liên quan đã phủ nhận mình là người nói trong clip. Vị Phó chủ tịch huyện cũng cho rằng, giọng nói trong clip lúc thế này, lúc thế khác, có 2-3 giọng nói không xác định được chính xác là của ai nên đề nghị cơ quan chức năng làm rõ. (Link thông tin https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-clip-to-pho-chu-tich-huyen-ky-keo-phan-tram-de-nghi-xac-dinh-giong-noi-20230529154401312.htm?)
Phóng viên hỏi luật sư: Theo quy định pháp luật giám định giọng được thực hiện ra sao, trường hợp nếu giám định giọng nói đúng thì thế nào? nếu không đúng thì người tung clip sẽ bị xử lý ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính cho biết, giám định giọng nói hay còn gọi là giám định âm thanh, là một trong những chuyên ngành của giám định Kỹ thuật hình sự. Giám định định giọng nói phục vụ rộng rãi cho hoạt động điều tra, khám phá các vụ án về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, cũng như giải quyết các vụ việc dân sự.
Việc giám định giọng nói là không bắt buộc tuy nhiên giám định giọng nói có thể là căn cứ để tìm sự thật trong quá trình phá án cũng như khởi kiện, đây được coi là nguồn của chứng cứ như vậy việc xác định giọng nói cũng có thể trở thành chứng cứ trong một vụ án việc có chứng cứ giúp tòa án dễ đưa ra quyết định hơn cũng để vụ án sớm kết thúc. Cơ sở pháp lý của việc giám định giọng nói hiện nay được quy định tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và điểm c khoản 1 Điều 87, Điều 191 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Theo quy định pháp luật, người sau đây phải tham gia việc nhận biết giọng nói: Giám định viên về âm thanh; Người được yêu cầu nhận biết giọng nói; Người được đưa ra để nhận biết giọng nói, trừ trường hợp việc nhận biết giọng nói được thực hiện qua phương tiện ghi âm; Người chứng kiến.
Trong sự việc này, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra xác minh nguồn gốc đoạn clip chứa giọng nói nêu trên do cá nhân nào phát tán, động cơ mục đích phát tán là gì, dung lượng đoạn clip âm thanh đó là bao nhiêu… để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp nếu giám định giọng nói là đúng thì tuỳ tính chất sự việc, vụ việc, vụ án mà cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết, kết quả giám định giọng nói sẽ được xem là một nguồn chứng cứ quan trọng, là căn cứ để xem xét giải quyết sự việc, vụ việc, vụ án đúng quy định pháp luật. Nếu việc giám định giọng nói trong tố tụng hình sự thì có giá trị chứng minh hangh vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi không vi phạm pháp luật của một người từ đó là căn cứ buộc tội hay gỡ tội đối với một người. Trong tố tụng dân sự kết quả giám định giọng nói sẽ là một nguồn chứng cứ có giá trị dùng để chứng minh cho yêu cầu của một trong các bên đương sự.
Trong trường hợp vụ việc này, nếu việc giám định giọng nói là đúng do người có chức vụ kì kèo phần trăm dự án thì hành vi này có dấu hiệu của Tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận “hoặc sẽ nhận” bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nếu người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa rồi sau đó nhận của hối lộ thì phải thỏa mãn điều kiện là có sự thỏa thuận trước mới cấu thành tội nhận hối lộ.
Trường hợp việc đưa thông tin là clip chứa giọng nói trên là cố tình quy chụp, đưa thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của vị phó chủ tịch huyện, thì hành vi này tùy tính chất và mức độ mà người đưa thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP mức phạt từ 10-20 triệu đồng.
Trường hợp hành vi đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người đưa thông tin sai sự thật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2014. Cụ thể hành vi vu khống được hiểu là hành vi sử dụng lời nói, hành động làm ảnh hưởng đến danh dự cá nhân hoặc tổ chức. Hành vi vu khống được cụ thể hóa tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 là các hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Ngoài ra người đưa ra thông tin sai sự thật còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản bồi thường gồm Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338