Language:
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng: Thực trạng và giải pháp
21/08/2023
icon-zalo

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường

Với sự bùng nổ của công nghệ, sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến các hoạt động của con người trên không gian mạng ngày càng nhiều, không gian mạng trở thành một phương tiện quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên mặt trái của nó cũng khiến nhiều quốc gia lo lắng, tìm các biện pháp để giải quyết, trong đó có tội phạm về công nghệ cao. Các tội phạm về công nghệ thông tin không chỉ đe dọa đến hòa bình an ninh thế giới và khu vực, đe dọa đến an ninh quốc gia mà còn hằng ngày đe dọa đến sự bình an của mỗi công dân. Các hành vi, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi phức tạp gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi vậy việc nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, thủ đoạn, phương thức thực hiện hành vi phạm tội và đề ra các giải pháp đấu tranh phòng chống vi phạm, phòng chống tội phạm trên không gian mạng là rất cần thiết...

1. Thực trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng tại Việt Nam

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến không gian sống của con người mở rộng, theo đó các hoạt động online diễn ra nhiều hơn, không gian mạng trở thành nơi kết nối toàn cầu, việc thực hiện các quan hệ kinh tế, dân sự và các hoạt động khoa học kĩ thuật, văn hóa nghệ thuật chưa có khi nào lại thuận tiện hơn lúc này.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì không gian mạng phát sinh nhiều vấn đề khiến các cơ quan chức năng, các nhà nước cần phải có những chuẩn bị và ứng phó. Sự phát triển của khoa học kĩ thuật khiến cho ranh giới quốc gia bị xóa nhòa, đặc biệt là ranh giới trên không gian mạng. Ngoài ra tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia phát triển nhanh chóng, đe dọa hoà bình và an ninh của tất cả các quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 25/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07 tháng 4 năm 2014 quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao thì “Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao”. Khoản 1 Điều 3 Luật Công nghệ cao năm 2008 định nghĩa: Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có. Như vậy, tội phạm sử dụng công nghệ cao không phải là một tội danh độc lập được quy định trong Bộ luật Hình sự mà đó là tổ hợp của những tội phạm sử dụng tri thức về công nghệ cao để xâm phạm các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

Theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao đứng thứ 2 trong các loại tội phạm nguy hiểm nhất, sau tội phạm khủng bố. Tháng 8-2010, chính phủ Anh có một động thái khiến cả thế giới giật mình cảnh tỉnh, khi xếp tội phạm trên không gian ảo vào nhóm những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước, ngang hàng với tấn công khủng bố, vũ khí hóa học và thảm họa hạt nhân.[1]

Các tội phạm tấn công mạng, xâm nhập trái phép vào hệ thống máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để khủng bố, chiếm đoạt dữ liệu và thực hiện các hoạt động tội phạm khác.

Ngoài ra, các nhóm tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để chiếm đoạt tài sản cũng ngày càng phổ biến, thủ đoạn tinh vi, phức tạp, phát sinh nhiều thủ đoạn mới gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.

Đặc điểm đặc thù của không gian mạng là không gian ảo, làm việc tiếp xúc không trực tiếp dẫn đến chuyển những người tiếp xúc với nhau trên không gian mạng có thể ẩn danh, các thông tin được mã hóa, số hóa hoặc có thể sử dụng những thông tin hình ảnh của người khác để giao tiếp. Sự kết nối của không gian mạng khiến việc kết nối có thể diễn ra trên toàn cầu và những người tiếp xúc với nhau trên không gian mạng rất khó để có thể biết được vị trí của nhau. Chính vì tính chất ẩn danh và tính kết nối toàn cầu, khó xác định vị trí như vậy dẫn đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dễ dàng diễn ra hơn, dễ dàng xóa dấu vết và khó xử lý. Với đặc điểm của không gian mạng như vậy nên các đối tượng lừa đảo dễ nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản và những người bị hại rất dễ dàng mắc lừa các đối tượng lừa đảo.

Các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thường diễn ra nhanh chóng, quy mô lớn, số lượng người bị hại rất nhiều. Hành vi chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng rất đa dạng như: mạo danh người thân người quen của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản; mạo danh cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật để đe dọa, chiếm đoạt tài sản; mạo danh ngân hàng để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền trong tài khoản; tổ chức các hình thức kinh doanh tiền ảo, kinh doanh sàn ngoại hối quốc tế để chiếm đoạt tài sản; hình thức bán hàng theo mô hình đa cấp biến tướng để chiếm đoạt tài sản; lợi dụng việc bán hàng online để chiếm đoạt tài sản... các phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản rất tinh vi. Phần lớn là đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân, số khác là mạo danh người thân của nạn nhân bằng cách chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của người khác rồi mạo danh để vay mượn tiền của người thân của họ. Ngoài ra các hoạt động lừa đảo thông qua giao dịch điện tử cũng ngày càng phổ biến...

Theo thông báo tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thời gian qua tội phạm mạng đã trở thành một ngành công nghiệp có giá tri hàng tỷ đô la và lợi nhuận đó đã khiến các tổ chức tội phạm truyền thống chuyển sang đa dạng hóa các hoạt động tội phạm bằng cách liên lạc, trao đổi thông tin, giao dịch tài chính và thực hiện các hoạt động phạm tội trên không gian mạng. Trong tình hình đại dịch Covid-19 không chỉ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các quốc gia mà còn là gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là hình thức: lừa đảo qua thư điện tử doanh nghiệp, tấn công giả mạo, mã độc tống tiền, đánh cắp dữ liệu thương mại điện tử, viết và bán các công cụ độc hại và lừa đảo trực tuyến.[2]

Năm 2016, Việt Nam đã có tổng cộng khoảng 145 nghìn cuộc tấn công mạng khác nhau nhằm vào hệ thống thông tin với ba hình thức chính đó là lừa đảo, mã độc, và thay đổi giao diện, gây thiệt hại hơn 10.400 tỷ đồng.[3]

Theo Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM thì năm 2018 ở Việt Nam có 64 triệu người dùng internet (xếp 13 thế giới), đây là số lượng khổng lồ đã hình thành xã hội mới trên mạng song song tồn tại với xã hội hiện thực. Xã hội này không bị phân cách biên giới. Những thành viên trên mạng không giống cư dân ngoài xã hội thực vốn có tổ dân phố, chính quyền quản lý. Trên xã hội mạng không có tổ chức nào quản lý, tương tác với nhau tự do.[4] Có thể nói đây chính là môi trường thuận lợi cho các đối tượng lừa đảo công nghệ cao hoạt động.

Năm 2016, lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố điều tra 217 vụ, 493 bị can phạm tội sử dụng công nghệ cao, nhiều hơn 75% số vụ và 129,3% số bị can so với năm 2015. Năm 2017, đã phát hiện, khởi tố điều tra 197 vụ, 359 bị can phạm tội sử dụng công nghệ cao, ít hơn 9,22% số vụ và 27,18% số bị can so với năm 2016. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã khởi tố điều tra 117 vụ, 196 bị can phạm tội sử dụng công nghệ cao, giảm 13,97% vụ, tăng 4,26% bị can so với cùng kỳ năm 2017.[5]

2. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm công nghệ cao gia tăng nhanh chóng

Thứ nhất, xu hướng phát triển khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến cho hoạt động của con người trên không gian mạng ngày càng nhiều, trong đó có các giao dịch dân sự, kinh tế diễn ra rất lớn và ngày càng lớn khiến những rủi ro, trong đó có các hành vi chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều;

Thứ hai, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ thì các phương tiện điện tử hiện nay rất phổ biến, lượng người sử dụng các thiết bị thông minh có kết nối internet như điện thoại, máy tính, iPad chiếm tỷ lệ rất lớn trong xã hội. Cùng với đó là các dịch vụ viễn thông như chuyển tiền nhanh qua điện thoại, internet, các hoạt động mua bán trao đổi tiền số. Sự kết nối các phương tiện điện tử, các mạng viễn thông, nền tảng công nghệ số  diễn ra mạnh mẽ khiến các giao dịch dân sự kinh tế có thể thực hiện rất dễ dàng chỉ bằng những thao tác đơn giản trên điện thoại.

Công ty bảo mật mạng của Mỹ Symantec đã công bố báo cáo về mối đe dọa bảo mật Internet vào tháng 4 năm 2017, theo đó báo cáo đã chỉ ra các quốc gia có tỉ lệ tấn công lừa đảo qua phần mềm độc hại, spam và tội phạm sử dụng công nghệ cao lớn nhất. Theo điều tra của Symantec, Việt Nam chiếm 2,16% mối đe dọa toàn cầu trong năm 2016, đứng thứ 10 trong 10 quốc gia có tỷ lệ tội phạm công nghệ cao lớn nhất thế giới. Con số này tăng từ 0,89% trong năm 2015. Cũng theo Symantec, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về các hoạt động đe dọa tấn công mạng. Theo Hiệp hội An toàn thông tin số Việt Nam, mặc dù chỉ số An toàn thông tin của Việt Nam đã cải thiện qua các năm (năm 2012 là 26%; năm 2013 là 37,5%; năm 2015 đạt 46,5%) nhưng vẫn được dự báo là nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc ở mức cao.[6]

Hãng Ericsson dự báo đến năm 2018, tại Việt Nam tỷ lệ thuê bao smartphone sẽ tăng mạnh lên khoảng 70% và khoảng 10% tỷ lệ người dùng điện thoại sẽ dùng mạng 4G; đến năm 2021, số lượng thuê bao smartphone sẽ tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2015 trong khi xét ở thời điểm cuối năm 2015, tỷ lệ thuê bao di động băng rộng đạt gần 40%. Theo Kaspersky và Symantec, Việt Nam được xếp đứng thứ 3 về số người dùng di động bị mã độc tấn công nhiều nhất trên thế giới; thứ 6 trên thế giới về số lượng địa chỉ IP trong nước được dùng trong các mạng máy tính ma tấn công nước khác; và đứng thứ 12 trên thế giới về các hoạt động tấn công mạng.[7]

Theo báo cáo Digital 2020 của We are social, Việt Nam có 96,9 triệu dân; số lượng thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước); số lượng người dùng internet là 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân).[8] Đây là cơ hội cho loại tội phạm công nghệ cao gia tăng.

Thứ ba, do không gian mạng là không gian mở, không gian mới nên nhiều sự việc mới diễn ra, chưa có luật điều chỉnh, hệ thống pháp luật thường không theo kịp các diễn biến hành vi của con người trên không gian mạng dẫn đến thiếu các quy định, thậm chí thiếu những chế tài để xử lý;

Thứ tư, đặc điểm của không gian mạng là không gian ảo, giao tiếp online nên việc nhận biết các đối tượng giao tiếp, thông tin về đối tượng giao tiếp là rất hạn chế, dễ dàng thuận lợi cho các đối tượng có thể thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó các chứng cứ điện tử rất dễ bị xóa, mất dấu vết và khó khôi phục nên việc thu thập các chứng cứ, thu giữ thông tin của cơ quan chức năng để đấu tranh với tội phạm gặp nhiều khó khăn;

Thứ năm, hoạt động quản lý kinh tế, quản lý nhà nước trên không gian mạng vẫn còn lỏng lẻo, khó kiểm soát dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật dễ dàng diễn ra;

Thứ sáu, với đặc điểm của mạng thông tin kết nối toàn cầu nên việc xác định thẩm quyền giải quyết, xử lý vi phạm có những mâu thuẫn, xung đột. Việc thu thập thông tin, tiếp cận với đối tượng vi phạm có những trở ngại về không gian. Rất nhiều đối tượng vi phạm đang sống ở nước ngoài hoặc đặt máy chủ ở nước ngoài nên việc triệu tập, thu thập chứng cứ tài liệu gặp nhiều khó khăn;

Thứ bảy, việc xác định, tìm kiếm người bị hại trong các vụ việc này cũng gặp nhiều khó khăn khi người đợi bị hại ở xa cơ quan tố tụng (Không giống như những vụ án thông thường truyền thống khác thì sự việc xảy ra ở đâu cơ quan tố tụng ở đó giải quyết);

Thứ tám, những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà đánh vào lòng tham của người bị hại thì nhiều người xấu hổ, ngại ngùng không muốn tố cáo hoặc có tâm lý bi quan là không biết có đòi được tiền không nên coi như mất và không trình báo cho cơ quan chức năng...

Thứ chín, lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia còn mỏng, việc trang bị phương tiện kĩ thuật còn chưa kịp thời, kinh nghiệm phá án chưa nhiều nên nhiều nơi, nhiều lúc còn khó khăn, lúng túng trong việc phát hiện, xử lý các sai phạm. Cơ chế phối hợp, xác định thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong việc phát hiện xử lý vi phạm, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng còn những khiếm khuyết khiến việc phân công, phân nhiệm, phối hợp với nhau trong việc đấu tranh với tội phạm công nghệ cao vẫn còn hạn chế ở nhiều nơi;

Thứ mười, với những mạng viễn thông công ty công nghệ lớn như Facebook, Google, các sàn thương mại điện tử của nước ngoài thì việc thu thập thông tin, yêu cầu họ phối hợp với cơ quan chức năng ở Việt Nam để giải quyết vẫn còn những khó khăn. Do vấn đề an ninh quốc gia, bí mật thông tin nên việc hợp tác, phối hợp để đấu tranh với loại tội phạm này với nhiều quốc gia còn bị hạn chế.

Ngoài ra, một nguyên nhân lớn xuất phát từ chế tài nghiêm minh nhưng chưa đầy đủ và áp dụng còn có những vướng mắc

Các chế tài mà pháp luật Việt Nam quy định hiện nay có chế tài hành chính và hình sự để có thể xử lý, trong đó có nhiều tội danh hình sự xử lý với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174; Các tội danh có liên quan quy định trong nhóm tội phạm công nghệ cao như: Điều 288 Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Điều 289 Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Điều 290 Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Điều 291 Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng...

Trong đó các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản phổ biến như:

- Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của Cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

- Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

- Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

- Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

- Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tất cả các hành vi nêu trên để chiếm đoạt tài sản dù dưới 2.000.000 đồng thì đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức chế tài cao nhất có thể lên đến 20 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của Cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Như vậy, với những hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản diễn ra trong đời sống xã hội hoặc diễn ra trên không gian mạng nhưng không thuộc các trường hợp được liệt kê theo Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 thì sẽ xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chế tài cao nhất có thể đến tù chung thân. Còn các hành vi được mô tả theo Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với chế tài cao nhất của tội danh này đến 20 năm tù.

Trong các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rất khó để xử lý. Theo quy định của pháp luật thì có hai khái niệm gần nhau nhưng bản chất pháp lý khác nhau là “lừa dối” và “gian dối”. Hiện nay pháp luật chưa có khái niệm cụ thể để phân biệt hai vấn đề này. Theo đó lừa dối trong quan hệ dân sự có thể hiểu là thông tin một bên đưa ra khiến bên kia hiểu lầm để giao kết hợp đồng, hành vi lừa dối khiến cho hợp đồng đó vô hiệu, đây là quan hệ dân sự và sẽ giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Còn hành vi lừa dối đến mức độ được xác định là nguy hiểm cho xã hội phải là hành vi hoàn toàn bịa đặt, không có thật, không đúng với thực tế nhưng với mục đích là để chiếm đoạt tài sản. Khi hành vi gian dối với mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới có thể xử lý hình sự. Với những vụ việc bán hàng online mà giao hàng kém chất lượng không đúng với mẫu mã, chủng loại, nguồn gốc suất xứ thì rất khó để xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ có thể xử lý về tội lừa dối khách hàng nếu như thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội này, nếu không chỉ là quan hệ dân sự. Nếu các đối tượng bán hàng nhưng không giao hàng, sau khi nhận tiền đã cắt liên hệ, bỏ trốn thì mới xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 hoặc Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015. Còn hành vi vẫn giao hàng nhưng hàng kém chất lượng thì chỉ có thể xử lý về tội mua bán hàng giả, buôn lậu hoặc tội lừa dối khách hàng nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành các tội danh này... Pháp luật quy định việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm. Hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội danh nào thì xử lý theo tội danh đó.

3. Các giải pháp phòng ngừa tội phạm công nghệ cao

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng như các vụ việc kinh doanh với mô hình đa cấp biến tướng, tiền ảo, kinh doanh sàn ngoại hối quốc tế, bán hàng online, mạo danh người khác, mạo danh cơ quan tổ chức để chiếm đoạt tài sản... Rất nhiều đối tượng đã bị tuyên phạt mức án tù rất nghiêm khắc nhưng tình hình tội phạm về công nghệ cao vẫn diễn biến rất phức tạp bởi các nguyên nhân ở trên. Để giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói chung, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao nói riêng thì cần phải áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp phòng ngừa như:

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các hành vi phạm tội, phương thức thủ đoạn phạm tội để người dân nâng cao cảnh giác, hiểu biết để phòng ngừa sớm và kịp thời phát hiện, thu thập các chứng cứ giữ biểu để đấu tranh với tội phạm công nghệ cao; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc tuân thủ pháp luật, phát hiện tố giác tội phạm và phối hợp các cơ quan với các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm công nghệ cao nói riêng. Khi  ý thức, nhận thức của người dân được nâng cao, người dân có kinh nghiệm, kiến thức trong việc sử dụng mạng xã hội, thực hiện các giao dịch trên không gian mạng thì nguy cơ bị lừa đảo sẽ giảm đi.

Tại buổi trao đổi với Phóng viên Cổng thông tin Điện tử Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - Đỗ Đức Hồng Hà đã có ý kiến: “Trên cơ sở tình hình của loại tội phạm công nghệ cao xảy ra trong thời gian vừa qua xuất phát từ thủ đoạn phạm tội, xuất phát từ sự mất cảnh giác của người dân thì giải pháp tôi thấy quan trọng nhất chính là tuyên truyền. Tuyên truyền ở đây cần phải tập trung ở 3 hướng. Thứ nhất là tuyên truyền các thủ đoạn, phưng thức phạm tội của tội phạm công nghệ cao để từng người dân hiểu rõ được và tự bản thân nâng cao ý thức cảnh giác. Thứ 2 là tuyên truyền để nâng rộng điển hình tiên tiến, dũng cảm đấu tranh với loại tội phạm này để khuyến khích mọi người dũng cảm đấu tranh, tố giác các hành vi phạm tội. thứ 3 là tuyên truyền giáo dục về việc chúng ra xử lý các hành vi phạm tội với những hình phạt nghiêm khắc. Qua đó với việc chúng ta trừng trị, giáo dục người phạm tội thì còn có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe với những người không vững vàng trong xã hội trước khi họ đi vào con đường phạm tội”.[9]

- Cần tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn và nghiên cứu tội phạm về công nghệ cao để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng cũng như bổ sung các chế tài hành chính và hình sự để có cơ sở phòng ngừa cũng như đấu tranh với tình hình tội phạm công nghệ cao;

- Xây dựng lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao tinh nhuệ, hiện đại và có sự kết nối phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan với nhau và với các cơ quan chức năng;

- Gắn trách nhiệm của những nhà mạng, các công ty công nghệ lớn trong đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao;

- Quản lý chặt chẽ hoạt động suất nhập khẩu, quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa, các hoạt động kinh doanh online trên không gian mạng để có thể truy suất nguồn gốc, thu thuế và phát hiện ra các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử;

- Quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử và hoạt động bán hàng online trên nền tảng mạng xã hội chặt chẽ hơn nữa để hạn chế các đối tượng nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản và thực hiện hành vi phạm tội;

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao;

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống tội phạm công nghệ cao nói riêng.

Tội phạm công nghệ cao là loại tội phạm vô cùng nguy hiểm hiện nay và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Chính vì vậy, cần tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu đây nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, đảm bảo an ninh mạng cũng như an toàn trật tự xã hội./.

Tài liệu tham khảo:

1. http://www.mekabay.com/overviews/history.pdf. Truy cập ngày 12/8/2021.

2.http://file.medinet.gov.vn//data/soytehcm/vanphongso/attachments/2021_5/3107-syt-vpsigned_31520218.pdf. Truy cập ngày 12/8/2021

3. Lê Hồng Xuân, Nguyễn Thùy Linh, Tội phạm mạng trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 (2021), https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/Toi-pham-mang-trong-ky-nguyen-cach-mang-cong-nghiep-130. Truy cập ngày 12/8/2021

4. Tá Lâm, Tướng Lê Đông Phong nói về đấu tranh trên không gian mạng (2019), https://plo.vn/thoi-su/tuong-le-dong-phong-noi-ve-dau-tranh-tren-khong-gian-mang-812312.html. Truy cập ngày 12/8/2021

5.H.Y, Tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ gia tăng (2018), http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2018-08-13/toi-pham-cong-nghe-cao-trong-linh-vuc-tien-te-gia-tang-60921.aspx; Truy cập ngày 12/8/2021

6. Đinh Thế Hưng- Ths. Lê Thị Hồng Xuân, Tội phạm công nghẹ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Việt Nam hiện nay (2021), https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/Toi-pham-cong-nghe-cao-trong-linh-vuc-tai-chinh-124; Truy cập ngày 12/8/2021

7. Nguyễn Thị Thu Hương, Giải pháp phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam (2017), https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/giai-phap-phong-chong-toi-pham-cong-nghe-cao-trong-linh-vuc-ngan-hang-o-viet-nam-120076.html; Truy cập ngày 12/8/2021

8. https://wearesocial.com/. Truy cập ngày 12/8/2021

9.https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=47827. Truy cập ngày 12/8/2021

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338

Tags
Tội phạm trên không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng Thực trạng Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng Tội sử dụng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản Tội sử dụng mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản Tội sử dụng phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 Dịch vụ luật sư Dịch vụ pháp lý luật sư Đồng luật sư nguyễn văn đồng luật sư khuyên luật sư hà thị khuyên Nhân chính Nhanchinh.vn Luật Nhân Chính Văn phòng Luật sư Nhân Chính Tư vấn luật Tư vấn pháp luật Tìm luật sư giỏi luật sư luật sư giỏi Luật sư tại Hà Nội Luật sư uy tín Luật sư Quận Thanh Xuân Luật sư Hà Nội luật sư việt nam luật sư tranh tụng Luật sư tố tụng Luật sư giải quyết tranh chấp luật sư bào chữa Luật sư hình sự Luật sư dân sự Luật sư giải quyết án hành chính Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp Luật sư đất đai Luật sư nhà đất Luật sư tư vấn đất đai Luật sư thừa kế Luật sư Ly hôn Luật sư thu hồi nợ Luật sư kinh doanh thương mại Luật sư doanh nghiệp luật sư lao động Văn phòng luật sư uy tín Văn phòng luật sư gần nhất Văn phòng luật sư uy tín tại Hà Nội NCLAW 0983951338 0936683699 luật sư đặng văn cường Văn phòng luật Văn phòng luật sư