Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tối 29/11/2022, nhiều bài viết lan truyền trên mạng xã hội có nội dung cho rằng cơ quan chức năng phát hiện một đường dây đẻ thuê tại khu đô thị lớn trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trả lời về "tin đồn" trên, đại diện Công an huyện Gia Lâm cho biết, thời gian qua, đơn vị nắm được thông tin có nhiều trẻ sơ sinh cùng ở chung nên tiến hành kiểm tra, mời những người liên quan đến để xác minh. Trước thông tin về nghi vấn tồn tại đường dây đẻ thuê tại Hà Nội đã gây xôn xao dư luận. Nhiều độc giả thắc mắc, ngoài những kẻ kinh doanh dịch vụ, người đẻ thuê có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, hiện nay nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn rất cần sự can thiệp, hỗ trợ của y học hiện đại đối với việc sinh con, chính vì vậy mà các biện pháp can thiệp hỗ trợ sinh sản được áp dụng ngày càng phổ biến, trong đó có hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật.
Tại Việt Nam việc đẻ thuê vì mục đích thương mại hay còn gọi là mang thai hộ vì mục đích thương mại bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, nên bị nghiêm cấm. Người thực hiện sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Đối tượng tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tạ khoản 22, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Còn trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội như lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động, mua bán người và làm suy thoái đạo đức con người.
Hiện nay, luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đang quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Luật cũng quy định cụ thể điều kiện đối với cặp vợ chồng người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Tại khoản 3, Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Các trường hợp mang thai hộ không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật, đồng thời việc mang thai hộ hướng đến mục đích là để được hưởng lợi ích vật chất, coi những đứa trẻ như những món hàng để mua bán, trao đổi thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Người tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mai quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến 05 năm tù.
Đối chiếu với vụ việc tại Gia Lâm, nếu qua xác minh cả công an sự việc nêu trên là có thật, thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ đặc điểm nhân thân và danh tính của những người có liên quan để xác định họ có phải đang thực hiện hành vi mang thai hộ hay không? Nếu là hình thức mang thai hộ thì đây là mang thai hộ theo mục đích nhân đạo hay mang thai hộ vì mục đích thương mại?
Đối với những người mang thai hộ và nhờ người khác mang thai hộ thì có thể chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể tại Điều 60 quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sinh con; phạt tiền từ 05-10 triệu đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại; biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Còn đối với các đối tượng tổ chức cho người khác mang thai hộ để thu lợi bất chính thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.