Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Câu hỏi của bạn đọc: Làm sao để phân biệt Công ty tài chính với các tổ chức tín dụng cầm đồ và nếu các đơn vị tín dụng cầm đồ vi phạm lãi suất thì người vay có phải tiếp tục trả khoản vay đó hay không. Xin luật sư giải đáp? (Link thông tin https://baotintuc.vn/an-ninh-trat-tu/dong-loat-kiem-tra-20-co-so-cua-cong-ty-f88-tai-an-giang-20230320144617966.htm)
Luật sư giải đáp như sau: Theo quy định tại Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức phí ngân hàng (công ty tài chính), tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Trong đó Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm: Công ty tài chính; Công ty cho thuê tài chính, đây là loại hình công ty tài chính có hoạt động chính là cho thuê tài chính theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng cụ thể là công ty tài chính cần đáp ứng các điều kiện về vốn pháp định theo quy định của chính phủ từng thời kỳ. Doanh nghiệp có vốn tối thiểu là 500 tỷ Việt Nam đồng; đối với tập đoàn kinh tế sẽ phải có vốn tối thiểu là 1000 tỷ đồng và phải có cam kết hỗ trợ công ty tài chính.
Công ty tài chính để có thể thực hiện hoạt động ngân hàng quy định tại Khoản 1 Điều 108 Luật Các tổ chức tín dụng cần đáp ứng các điều kiện. Hoạt động ngân hàng của công ty tài chính phải được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp (sau đây gọi tắt là Giấy phép).
Còn với loại hình kinh doanh cầm cố tài sản, cầm đồ thì doanh nghiệp không chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tin dụng, doanh nghiệp loại hình này được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và đáp ứng các điều kiện chuyên ngành theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam, cầm đồ được xếp vào nhóm các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Hoạt động kinh doanh cầm đồ thường được đăng ký theo mã ngành nghề cấp 4 với mã 6492: Hoạt động cung cấp tín dụng khác.
Cũng theo quyết định 27/2018/QĐ-TTg, hoạt động cung cấp tín dụng khác (6492) bao gồm: Các hoạt động dịch vụ tài chính chủ yếu liên quan đến việc hình thành các khoản cho vay của các thể chế không liên quan đến các trung gian tiền tệ (như là các công ty đầu tư vốn mạo hiểm, các ngân hàng chuyên doanh, các câu lạc bộ đầu tư). Các tổ chức này cung cấp các dịch vụ sau đây: Cấp tín dụng tiêu dùng; Tài trợ thương mại quốc tế; Cấp tài chính dài hạn bởi các ngân hàng chuyên doanh; Cho vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng; Cấp tín dụng cho mua nhà do các tổ chức không nhận tiền gửi thực hiện; Dịch vụ cầm đồ.
Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định: Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản sở hữu hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.
Công ty F... không phải là công ty tài chính, nên hoạt động cho vay của F... với khách hàng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, với lãi suất được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 là lãi suất theo thỏa thuận nhưng không được phép vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay và không quá 1,666%/tháng đối với khoản tiền vay.
Nếu lãi suất cáo hơn quy định của bộ luật dân sự thì vi phạm pháp luật về lãi suất, nếu bên cho vay bị xử lý theo quy định pháp luật thì người vay chỉ phải trả khoản lãi suất theo quy định của bộ luật dân sự, phần chênh lệch là khoản thu lợi bất chính nên có thể sẽ bị cơ quan chức năng xử lý tích thu hoặc trả lại cho người vay (đang có nhiều quan điểm về vấn đề này).
Trường hợp khoản thu lợi bất chính vào từ lãi suất cho vay trái quy định, nếu hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bên cho vay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Như vậy, khi mức lãi suất cao hơn lãi suất cao nhất pháp luật quy định 5 lần trở lên thì cầu thành tội cho vay nặng lãi theo pháp luật hình sự.
Nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Điều 12. Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự 4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự khi chưa được cấp hoặc bị thu hồi hoặc đang bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
b) Thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự, hành vi vi phạm pháp luật, hành vi trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc tại cơ sở kinh doanh trực tiếp quản lý;
c) Sản xuất con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước khi chưa có Phiếu chuyển mẫu con dấu của cơ quan đăng ký mẫu con dấu theo quy định của pháp luật;
d) Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
đ) Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
e) Không bảo quản tài sản cầm cố hoặc bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền;
7. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi quy định tại các điểm đ, i, k, l, m, n và r khoản 3; các điểm d, đ và k khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này.
Nếu doanh nghiệp cho vay qua hình thức cầm đồ có các vi phạm như: không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, tổ chức vi phạm mức xử phạt sẽ gấp đôi quy định tại Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, không phải tất cả các hợp đồng giao kết đều có giá trị pháp lý và được thực hiện. Trên thực tế rất nhiều hợp đồng không đáp ứng các điều kiện của pháp luật và bị tuyên vô hiệu. Trường hợp vi phạm về hợp đồng vay, hợp đồng có vi phạm các điều cấm của pháp luật dẫn đến vô hiệu thì áp dụng các quy định khởi kiện tuyên bố hợp đồng vô hiệu và xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 122, 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338