Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Còn trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
1. Căn cứ pháp luật về sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan
Theo quy định tại khoản 1, Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Còn “trở ngại khách quan” là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
Còn theo khoản 13, khoản 14, Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 quy định “trở ngại khách quan” là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình. Còn “sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan trong thi hành án dân sự bao gồm những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự, theo đó “trở ngại khách quan” là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Còn “sự kiện bất khả kháng” là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa”.
Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, một sự kiện sẽ được coi là “sự kiện bất khả kháng” nếu: (1) Xảy ra một cách khách quan; (2) Không thể lường trước được; (3) Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Còn “trở ngại khách quan” có 02 đặc điểm là: (1) Do hoàn cảnh khách quan tác động và (2) làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
2. Hậu quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan
Hậu quả pháp lý trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Ngoài ra, tại Điều 294, Điều 296 Luật Thương mại năm 2005 quy định về việc kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng.
Hậu quả của trở ngại khách quan không chỉ giới hạn ở việc không thực hiện được nghĩa vụ đã thỏa thuận, mà còn áp dụng đối với việc không thể biết hoặc không thực hiện được các quyền theo quy định đã thỏa thuận.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/04/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thì “trở ngại khách quan” là một trong các trường hợp được miễn trách nhiệm trong hợp đồng đặt cọc. Ngoài ra, án lệ số 25/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018 cũng có quy định trường hợp không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338