Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tại khoản 14 Điều 3 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 giải thích thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án Hình sự buộc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc người đang chấp hành án mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình phải điều trị tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát.
Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh:
Tại Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Theo đó, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Lưu ý: Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Tại Điều 447 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Theo đó, khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.
Đối với vụ án mà có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra phải làm sáng tỏ: Hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra; Tình trạng tâm thần và bệnh tâm thần của người có hành vi nguy hiểm cho xã hội; Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội có mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không.
Khi tiến hành tố tụng, Cơ quan điều tra phải bảo đảm có người bào chữa tham gia tố tụng từ khi xác định được người có hành vi nguy hiểm cho xã hội mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Người đại diện của người đó có thể tham gia tố tụng trong trường hợp cần thiết.
Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh:
Tại khoản 2 Điều 136 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 quy định thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, hồ sơ đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh. Cụ thể:
Thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định như sau: Cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra có quyền đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp; Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong giai đoạn thi hành án có quyền đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân chấp hành án.
Cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh có trách nhiệm lập hồ sơ đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh. Hồ sơ bao gồm:
- Quyết định của Viện kiểm sát hoặc Tòa án về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;
- Kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần;
- Lý lịch cá nhân của người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;
- Tài liệu khác có liên quan.
Trường hợp Viện kiểm sát, Tòa án tự mình quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh thì Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định có trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra hoặc trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong giai đoạn thi hành án đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh.
Tại Điều 138 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 quy định cơ sở chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm quản lý, tổ chức điều trị bệnh cho người bị bắt buộc chữa bệnh và không được phân biệt đối xử. Trong thời gian bắt buộc chữa bệnh, thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh được gặp và phối hợp chăm sóc người bị bắt buộc chữa bệnh và phải chấp hành đúng quy định về thăm gặp, chăm sóc của cơ sở chữa bệnh tâm thần. Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn, cơ sở chữa bệnh tâm thần phải lập biên bản và thông báo ngay cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh và gia đình của người đó biết để phối hợp truy tìm, đưa người đó trở lại cơ sở chữa bệnh tâm thần.
Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong các các trường hợp:
(1) Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh giai đoạn điều tra:
Tại Điều 449 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra. Theo đó, khi Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần mà kết quả giám định xác định bị can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì Cơ quan điều tra gửi văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện kiểm sát cùng cấp để xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan điều tra cùng kết luận giám định, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh đối với bị can hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại nếu thấy chưa đủ căn cứ để quyết định.
Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can.
(2) Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh giai đoạn truy tố:
Tại Điều 450 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định quyết định việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố. Theo đó, sau khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, nếu có căn cứ cho rằng bị can không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Căn cứ vào kết luận giám định, Viện kiểm sát có thể ra một trong các quyết định: Tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Truy tố bị can trước Tòa án.
(3) Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh giai đoạn xét xử:
Tại Điều 451 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định quyết định việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án trong giai đoạn xét xử. Sau khi thụ lý vụ án, nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Căn cứ vào kết luận giám định, Tòa án có thể ra một trong những quyết định: Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung; Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Đưa vụ án ra xét xử.
(4) Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù:
Điều 452 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù. Theo đó, trường hợp có căn cứ cho rằng người đang chấp hành án phạt tù mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì Trại giam, Trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án chấp hành án phạt tù trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành án phạt tù nếu không có lý do để miễn chấp hành hình phạt tù.
Đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh:
Tại Điều 454 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định việc đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Theo đó, biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện ở cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần do Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định theo quy định của pháp luật.
Khi có thông báo của thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh thì cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trưng cầu giám định pháp y tâm thần về tình trạng bệnh của người bị bắt buộc chữa bệnh.
Căn cứ kết luận giám định về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải được cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án gửi ngay cho cơ sở bắt buộc chữa bệnh và người đại diện của người bị bắt buộc chữa bệnh. Các hoạt động tố tụng, việc chấp hành hình phạt đã bị tạm đình chỉ có thể được phục hồi theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338