Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Từ các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cho thấy, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc xét xử lưu động (XXLĐ) hay việc tổ chức các phiên tòa lưu động, chưa rõ tiêu chí để đưa một vụ án ra XXLĐ cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình XXLĐ một vụ án. Chỉ duy nhất, tại khoản 1, Điều 16 của Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: "Tòa án Nhân dân các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức XXLĐ nhằm phổ biến giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân".
1. Đặt vấn đề
Từ các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cho thấy, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc xét xử lưu động (XXLĐ) hay việc tổ chức các phiên tòa lưu động, chưa rõ tiêu chí để đưa một vụ án ra XXLĐ cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình XXLĐ một vụ án. Chỉ duy nhất, tại khoản 1, Điều 16 của Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật năm 2012 quy định Tòa án Nhân dân các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức XXLĐ nhằm phổ biến giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân”.
Pháp luật tố tụng hình sự hay kể cả dân sự và hành chính đều không quy định về việc XXLĐ. Tuy nhiên, để góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, trong thời gian qua ngành tòa án ở nước ta đã tăng cường đưa các vụ án hình sự ra XXLĐ. Với cách tiếp cận và nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, một số chuyên gia pháp lý cho rằng không nên tăng cường XXLĐ các vụ án hình sự bởi những hệ lụy và những tác động tiêu cực của nó tới bị cáo, gia đình bị cáo và cộng đồng rất lớn, trực tiếp và nặng nề nhất là bị cáo với “bản án khắc nghiệt của dư luận”.
Trước yêu cầu cùng những đòi hỏi thực tiễn của công tác cải cách tư pháp ở Việt Nam trong tình hình mới, rất cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, đánh giá thực trạng, những tác động tích cực và tiêu cực của các phiên tòa XXLĐ, để có biện pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác XXLĐ các vụ án nói chung, đặc biệt là các vụ án hình sự. Trong đó, có việc nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết phải tăng cường các phiên tòa XXLĐ nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến và giáo dục pháp luật cũng như tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, tham mưu nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến XXLĐ theo hướng làm rõ các tiêu chí để đưa các vụ việc ra XXLĐ một cách hiệu quả.
Theo quan điểm của tác giả, việc tổ chức các phiên tòa XXLĐ nói chung, đặc biệt là các vụ án hình sự sẽ có những giá trị, hiệu quả và tác động về mặt pháp lý nhất định đối với xã hội. Bởi vậy, cần duy trì hình thức xét xử này song cần có sự điều chỉnh về công tác tổ chức, nhân sự trong Hội đồng xét xử (HĐXX), khâu lựa chọn vụ án và địa bàn tổ chức phiên tòa. Bên cạnh đó, khi triển khai thực hiện XXLĐ trong thực tiễn thì không thể tránh khỏi những mặt trái mà hình thức xét xử này đưa đến, trong giai đoạn trước mắt để đảm bảo áp dụng thống nhất, chặt chẽ, phát huy những ưu điểm, giảm thiểu những hạn chế bất cập khi đưa vụ án ra XXLĐ, thì hệ thống tòa án các cấp cần có hướng dẫn thống nhất về căn cứ, tiêu chí để lựa chọn, xác định các vụ án có thể đưa ra XXLĐ.
Cũng từ kết quả sau hơn 04 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cho thấy, hoạt động XXLĐ đã được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện, được áp dụng phố biến và có xu hướng tăng dần về số lượng cũng như chất lượng của phiên tòa, trong đó chủ yếu là các vụ án hình sự. Đa phần các địa phương đều khẳng định XXLĐ là một hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động và mang lại nhiều hiệu quả nhất trong việc phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân.
2. Thực tiễn các phiên tòa xét xử lưu động tại Việt Nam hiện nay
2.1. Xét xử lưu động - phân tích từ góc độ pháp lý
Có thể nói, việc đưa các vụ án ra xét xử lưu động nơi xảy ra vụ án đã phục vụ đắc lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho cán bộ và quần chúng nhân dân theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Tại mỗi phiên tòa XXLĐ, có đông đảo người dân được nghe thông tin về các vụ án đang được xét xử và theo dõi trực tiếp toàn bộ diễn biến của phiên tòa. Qua việc nghe thông tin về xét xử, các văn bản pháp luật liên quan và quyết định của HĐXX, thì người dân có thể tự nâng cao nhận thức của mình về pháp luật và có những biện pháp đấu tranh với các hành vi sai phạm trong cộng đồng.
Trong quá trình xét xử, thông qua từng vụ án cụ thể, tòa án tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như nhân dân tiếp cận với chính sách pháp luật, nhằm nâng cao trình độ nhận thức về chính sách pháp luật trong quần chúng nhân dân, để củng cố nhiềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bản thân họ tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật và giáo dục con em mình khi sống và làm việc phải tuân thủ pháp luật, hình thành ở họ các tri thức pháp luật, làm cơ sở nền tảng cho sự hiểu biết về pháp luật, nhằm làm chủ hành vi và lối sống theo pháp luật của mọi công dân.
Đối với những phiên tòa XXLĐ tại các địa phương, nơi xảy ra vụ án, nơi thường trú của các bị can, bị cáo, thường thu hút rất đông cán bộ và các tầng lớp nhân dân đến theo dõi trực tiếp phiên tòa. Bằng thái độ và trách nhiệm làm việc khách quan, công minh trong quá trình xét hỏi hay trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của các bên trong tranh tụng, mục đích cuối cùng của phiên tòa là tìm ra sự thật của vụ án cũng như đảm bảo đầy đủ, đúng các nguyên tắc của quá trình xét xử. Từ đó, làm cho người tham gia tố tụng và đông đảo quần chúng tham dự phiên tòa có thái độ đúng đắn với những hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục cho họ ý thức tuân thủ các quy định pháp luật mà Nhà nước đã đề ra, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo các chương, điều luật định. Cuối cùng đi đến phán quyết của HĐXX đưa ra thống nhất và ra được quyết định cho bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được người đến dự phiên tòa và các cơ quan công luận đồng tình ủng hộ.
Nhìn nhận một cách khách quan, các phiên tòa XXLĐ không phải chỉ có ở riêng Việt Nam. Quay lại lịch sử tư pháp ở các nước theo hệ thống thông luật, từ xa xưa, người ta thấy hàng năm Thẩm phán ở một số nước sẽ đi đến những địa phương khác nhau để xét xử các vụ án, cụ thể như: ở Anh vua Henry đệ Nhị thiết lập thông lệ này, người dân tham gia vào việc xét xử ở các tòa lưu động này mà không cần phải đến Luân Đôn, gây thêm tốn kém; Còn ở Ở Hungary ngay trong năm 2015, ngành tòa án đã tổ chức các phiên tòa lưu động trên các toa xe đến khu vực biên giới để xét xử người nhập cư trái phép nhằm răn đe người nhập cư… Như vậy, việc mở phiên tòa lưu động sẽ rất có ý nghĩa và cần thiết nếu biết lựa chọn những vụ án mang tính điển hình hợp lý, ở những địa bàn phù hợp sẽ phát huy hiệu quả. Ở Việt Nam, nếu quan niệm các phiên tòa lưu động mang đến sự hiểu biết pháp luật cho người dân thì nên quy định án sơ thẩm cấp huyện không cần xử lưu động, mà xử lưu động chỉ nên áp dụng cho án phúc thẩm cấp tỉnh khi vụ án có nhiều người tham gia tố tụng, khi đó tòa án cấp tỉnh sẽ về tòa cấp huyện xử, Nhà nước không phải tốn kém nhiều, nhân dân cũng sẽ tốn ít tiền của, công sức hơn.
Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù và có ý nghĩa quan trọng của ngành tòa án. Ngoài việc tiến hành xét xử nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật tại trụ sở tòa án thì cần chú trọng việc mở các phiên tòa XXLĐ nhằm đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong nhân dân. Để những phiên tòa XXLĐ diễn ra thuận lợi, ngành tòa án luôn đề ra kế hoạch XXLĐ hàng năm, với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác XXLĐ nhằm răn đe và đặc biệt để nâng cao được kiến thức hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho cộng đồng.
Không thể phủ nhận khi XXLĐ tòa án không chỉ thực hiện được chức năng xét xử mà còn còn đem đến cho người dân cơ hội để hiểu biết pháp luật, từ đó đạt được mục đích giáo dục phòng ngừa chung. Ở mức độ nào đó, XXLĐ còn thể hiện tính công khai minh bạch, dân chủ của hoạt động tư pháp trong một Nhà nước văn minh, tiến bộ. Từ lâu, trong tâm thức không ít người coi các phiên tòa XXLĐ là một cách “làm gương” tốt nhất, có tính răn đe, giáo dục, giúp người dân có cơ hội tiếp cận và trang bị cho họ những kiến thức hiểu biết pháp luật cần thiết để tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, giúp họ tuân thủ pháp luật, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật trong đời sống hằng ngày.
Nguyên tắc xét xử của tòa án nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xét xử công khai; những người đủ 16 tuổi trở lên được quyền tham dự, chứng kiến hoạt động xét xử của cơ quan tòa án. Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ bí mật Nhà nước, của đương sự hoặc vì lý do thuần phong mỹ tục thì tòa án có thể xử kín nhưng tuyên án phải công khai, đây chính là một nguyên tắc đã được hiến định. Tại khoản 3, Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án Nhân dân (TAND) xét xử công khai, trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín”, các văn bản dưới Hiến pháp cũng quy định cụ thể về nguyên tắc này. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định tại Điều 18: “Việc xét xử của tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”.
Hiện nay, tòa án vẫn tiến hành xét xử các vụ án tại 02 nơi: trụ sở tòa án và nơi công cộng (xét xử lưu động), nơi có vị trí đủ đáp ứng yêu cầu xét xử (ví dụ sân trại giam) trên địa bàn theo thẩm quyền. Việc xét xử nơi công cộng cũng là hoạt động xét xử công khai của tòa án; hoạt động xét xử công khai ngoài trụ sở tòa án được tiến hành đối với những vụ án có số đương sự đông mà cơ sở vật chất của cơ quan tòa án không đáp ứng được hoặc khi cần sử dụng phiên tòa vào mục đích giáo dục pháp luật cho cộng đồng tránh xa hành vi phạm tội.
Việc xét xử ngoài trụ sở tòa án (xét xử lưu động) thường được áp dụng chủ yếu đối với các vụ án hình sự. Việc xét xử trong hay ngoài trụ sở tòa án không làm mất đi tính khách quan, độc lập, tinh thần thượng tôn pháp luật của tòa án; bị cáo trong phiên tòa hình sự được bảo vệ an toàn về tính mạng và sức khỏe ở bất kỳ địa điểm mở phiên tòa nào. Việc một người bị coi là có tội hay không có tội đều phải căn cứ vào bản án của tòa án và bản án đó phải được ban hành sau những trình tự luật định. Có thể khẳng định rằng, không ai có thể phủ nhận tính hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa XXLĐ được tổ chức trong những năm vừa qua, nhìn nhận từ góc độ lợi ích chung, phiên tòa lưu động là cơ hội để trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân; ngoài tác dụng phổ biến pháp luật còn có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người.
Nhìn từ góc độ lợi ích chung thì phiên tòa lưu động là cơ hội để trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân; ngoài tác dụng phổ biến pháp luật còn có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người. Thực tế là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, khó khăn, người dân cũng ít có điều kiện tiếp cận tìm hiểu pháp luật. Thậm chí người dân cũng không hiểu ở trong tòa án làm cái gì, nhưng khi đưa ra XXLĐ thì người ta hiểu tòa là như thế, kết án đi tù hay không là như thế, nên cũng có tác dụng giáo dục nhất định. Tuy nhiên, đối với bị cáo thì hầu như không ai mong muốn bị đưa đi xét xử tại nơi cư trú, nơi làm việc điều này sẽ gây bất lợi lớn cho họ sau này khi chấp hành xong bản án trở về tái hòa nhập xã hội. Cuộc sống của người dân có tính cộng đồng rất cao, nhất là ở khu vực nông thôn, những ai bị mọi người xa lánh, tẩy chay cũng là phải chịu một hình phạt rất nặng nề. Vì vậy, việc bị cáo bị đưa đi XXLĐ, ngoài phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự thì họ còn phải chịu một sức ép nặng nề trước bà con họ hàng, bạn bè, người dân lối xóm và chịu thêm một hình phạt từ phía cộng đồng xã hội - đó là sự miệt thị, lên án, xa lánh. Không chỉ một mình bị cáo mà ngay cả cha mẹ, vợ con, anh em của bị cáo cũng sẽ bị liên lụy bởi “hình phạt từ phía cộng đồng dân cư”.
Thông thường ở nước ta, việc XXLĐ thường được thực hiện với những vụ án trọng điểm, tới mức phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Các vụ án trọng điểm là các vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, kinh tế và trật tự an toàn xã hội đã cản trở việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước hoặc gây ảnh hưởng chính trị, có tác động xấu trong quần chúng nhân dân và dư luận xã hội, đòi hỏi phải đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhằm đáp ứng yêu cầu chính trị, ngăn chặn tội phạm phát triển, góp phần giải quyết một tình trạng tiêu cực nhất định trong xã hội; địa điểm xét xử không có nhiều ý nghĩa để xem xét, bởi nếu một vụ án mà người bị buộc tội thực hiện hành vi dã man, tàn ác, gây bức xúc, hiếu kỳ cho dư luận thì việc tòa án tổ chức xét xử ở đâu thì vẫn thu hút được sự tham dự của đông đảo người dân, cơ quan truyền thông.
Có thể thấy, mục đích của hình phạt bao gồm hai thuộc tính, đó là trừng trị và cải tạo, giáo dục người phạm tội. Mức độ trừng trị được thể hiện ở loại hình phạt và mức hình phạt được áp dụng, hai yếu tố đó luôn có quan hệ với nhau: Trừng trị để giáo dục và giáo dục thông qua việc trừng trị. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp hình phạt cao, sự lên án gay gắt thì tác dụng cải tạo, giáo dục cao, mà hình phạt phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, có sự thông cảm, tha thứ từ cộng đồng mới phát huy được tác dụng giáo dục. Tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử mà yếu tố trừng trị hay giáo dục được coi trọng, phát huy ở mức độ khác nhau.
Trong xã hội tiến bộ ngày nay, việc xử lý hình sự, áp dụng hình phạt chủ yếu nhằm mục đích cải tạo, cảm hóa, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội và tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong bản án, thậm chí có những trường hợp do bị cáo cải tạo tốt thì được mãn hạn tù sớm hơn, đó là chính sách khoan hồng mang tính nhân văn trong nền tư pháp nước ta. Trong thực tế, việc bị cáo phạm tội xảy ra ở một trong hai trường hợp: Phạm tội do bồng bột, nóng nảy, thiếu thận trọng, thiếu hiểu biết (là một sự lầm lỡ) hoặc phạm tội có tính toán, có tổ chức, phạm tội nhiều lần, có tính chuyên nghiệp, tái phạm (người phạm tội có ý thức và bản tính coi thường pháp luật), đối với những trường hợp phạm tội do lầm lỡ mà bị đưa ra XXLĐ sẽ gây thêm mặc cảm cho bản thân bị cáo và gia đình bị cáo, là rào cản lớn trong việc tái hòa nhập cộng đồng sau này của bị cáo; ngược lại, đối với những trường hợp phạm tội do bản tính côn đồ, coi thường pháp luật thì việc XXLĐ sẽ làm tăng thêm tính lỳ lợm, ngông cuồng, với tâm lý không còn gì để mất người phạm tội rất có thể sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn; thực tế cũng đã có không ít trường hợp nảy sinh tác động ngược chiều, tiêu cực khi XXLĐ(1).
Theo thực tế các phiên tòa XXLĐ được tổ chức, phần lớn chính quyền địa phương hiện nay khá đồng tình với việc tuyên truyền pháp luật, phổ biến và giáo dục pháp luật bằng các phiên tòa lưu động này, nhất là với những tội danh xảy ra nhiều, có tính chất và mức độ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bởi hơn ai hết chỉ có người dân, chính quyền địa phương họ mới thấu hiểu hết được những hậu quả họ phải hứng chịu khi một hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây ra; hơn thế XXLĐ các vụ án hình sự còn là “kênh tuyên truyền pháp luật” để hoạt động tư pháp được gần dân, nhằm tạo niềm tin về an ninh trật tự, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi sâu vào thực tiễn đời sống.
Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển khá mạnh, nên các phiên tòa XXLĐ cần kết hợp với các kênh thông tin đại chúng nhằm hướng đến việc khai thác lợi thế của các phương tiện này cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chỉ mở các phiên tòa XXLĐ đối với những vụ án phù hợp và trường hợp thực sự thấy cần thiết để nâng cao hiệu quả tuyên truyên, giáo dục ý thức pháp luật.
Thực tế, chương trình “Tòa tuyên án” phát sóng trên kênh VTV3 là một kênh tuyên truyền rất có tác dụng và ngành tòa án cần có sự phối kết hợp để XXLĐ đạt được hiệu quả ở cao hơn, gắn những tình huống xét xử thực tế vào chương này. Vì vậy, các bộ, ban, ngành, các cơ quan có thẩm quyền nên nhìn nhận thấu đáo về vấn đề này, phiên tòa XXLĐ tạo điều kiện cho nhiều người dân đến theo dõi việc xét xử, nên công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật đạt hiệu quả, có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa tội phạm, giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm nhân dân, ổn định xã hội.
Theo nguyên tắc, sau khi tuyên án, tuỳ từng trường hợp cụ thể chủ toạ phiên toà hoặc thành viên trong HĐXX có thể giải thích cho bị cáo, những người tham gia tố tụng rõ hơn về quyền kháng cáo, quyền xin ân giảm án tử hình (nếu bị cáo bị áp dụng hình phạt tử hình). Nếu bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì Toà án cũng cần giải thích cho bị cáo biết rõ về quy định tại khoản 4 và khoản 5, Điều 60, Bộ luật Hình sự về án treo hoặc khoản 2, Điều 51, Bộ luật Hình sự về cải tạo không giam giữ… Đây cũng là việc cần làm nhất là đối với vụ án xét xử lưu động. Việc giải thích cho bị cáo đồng thời cũng là việc giải thích, hướng dẫn, giáo dục pháp luật cho những người tham dự phiên toà. Trường hợp phải bắt giam hoặc trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên toà thì chủ toạ phiên toà phải công bố và cho thi hành ngay các quyết định này.
2.2. Xét xử lưu động - phân tích từ góc độ nhân văn
Việc mở phiên tòa lưu động tạo rất nhiều áp lực cho cả bị cáo lẫn HĐXX, VKS và lực lượng Công an. Đối với bị cáo, ngoài việc phải nhận bản án tù, họ còn phải chịu bản án đến từ công luận, người phạm tội phải chịu sự trừng trị của pháp luật, việc đưa ra XXLĐ có thể ảnh hưởng đến cả cha mẹ, người thân trong gia đình bị cáo, thậm chí để lại điều tiếng xấu cho đời con, đời cháu... có khi là cả dòng họ, bởi vậy tính nhân văn không được đảm bảo, hệ tư tưởng và giá trị truyền thống văn hóa đôi khi bị đảo lộn.
Đối với các bị cáo khi bị đưa ra xử tại các phiên tòa lưu động, khác hẳn với thái độ hùng hổ, côn đồ khi gây án, tại phiên toà sơ thẩm, các bị cáo luôn cúi đầu trước vành móng ngựa và thừa nhận hành vi của mình là sai trái. Cách không xa vành móng ngựa, là những người cha, người mẹ thân nhân của các bị cáo với ánh nhìn chất chứa sự buồn rầu, đau đớn. Còn người dân đến chứng kiến phiên toà có nhiều ý kiến cho rằng: “Pháp luật phải trừng trị nghiêm minh những đối tượng coi thường pháp luật, coi thường sinh mạng người khác”. Luật pháp phải bình đẳng, xử đúng người, đúng tội, không thể chỉ vì bị chi phối bởi những thời điểm xảy ra vụ án hay nhu cầu giáo dục răn đe của địa phương mà bị cáo bị đem ra bêu trước đám đông như vậy. Những bị cáo phạm tội trộm cắp bình thường xử 02 năm nhưng khi xử lưu động bao giờ cũng nặng hơn, có khi lên đến 2,5 đến 03 năm tù. Tuy không có văn bản nào quy định xử lưu động phải nặng hơn, nhưng thực tế trong ngành tòa án và trong lĩnh vực xét xử ai cũng biết, cục diện như vậy là bất lợi cho người phạm tội.
Trong tâm thức của mỗi người, xưa nay tòa án thường tiến hành hoạt động xét xử tại trụ sở, nhưng các phiên tòa XXLĐ lại tiến hành ở những nơi công cộng, những nơi đặc thù như: trường học hay một bãi đất trống nào đó... chính điều này sẽ vô hình chung làm mất đi không khí tôn nghiêm của không gian xử án, thậm chí làm giảm đi sự nghiêm minh của pháp luật. Có thể liên hệ thực tiễn với phiên tòa xét xử vụ án thảm sát ở Bình Phước (2016), xử ngay tại bãi đất trống nhưng thời lượng phiên tòa kéo dài đến tận 20 giờ tối cùng ngày, chủ tọa khi tuyên án phải đọc bản án dưới ánh đèn để bàn do thiếu ánh sáng, rồi phía dưới vành móng ngựa mặt bị cáo liên tục có những ánh đèn lóe lên do phóng viên ghi hình. Trong một số vụ án được đưa ra XXLĐ, việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng nghìn người, ngay tại nơi bị cáo sinh sống với người thân, họ hàng, làng xóm… gây ra những áp lực rất lớn cho không những bị cáo mà cả người thân của họ, ảnh hưởng nhất định đến con đường hoàn lương và tái hòa nhập cộng đồng của bị cáo sau này.
Thực tế khi XXLĐ, đôi khi tòa án chỉ mới quan tâm đến mục đích răn đe, cảnh báo chung mà chưa quan tâm đến danh dự, uy tín của bị cáo và thân nhân gia đình họ. Xét xử là hoạt động của tòa án và việc xét xử luôn phải tuân theo thủ tục, quy trình và nguyên tắc theo luật định. Song, việc XXLĐ cũng đặt ra nhiều băn khoăn, khi mà trước cộng đồng người bị buộc tội (bị cáo) khó có thể được bảo vệ nhân phẩm, danh dự của một con người. Ngoài ra, việc XXLĐ cũng không công bằng đối với người bị hại, có những trường hợp người bị hại không muốn chuyện của họ hay trong gia đình phô bày giữa đám đông, nhất là lại ở nơi cư trú của họ.
Liên hệ thực tiễn có thể thấy, trước đó trong lần xử lưu động Đặng Văn Hùng, hung thủ gây thảm án giết 04 người ở tỉnh Yên Bái (2015), nhiều người đã đổ về Trung tâm văn hóa huyện Văn Yên, dù phải đi xa tới 50km; nhưng họ luôn miệng nói đã chờ nhiều ngày để tận mắt thấy “thủ phạm trông ra sao mà lại ác thế”. Hàng trăm dãy ngồi bậc thang của khu vực sân khấu ngoài trời có sức chứa tới 3.000 - 4.000 người đã không còn đủ chỗ để người dân thuộc các thành phần khác nhau đến dự, có rất nhiều người phải ngồi tràn ra tới cổng, nhiều người còn trèo lên tường ngồi nghe thông tin phiên xử được truyền trực tiếp qua loa, đây chính là một bất cập lớn cần được khắc phục.
Hiện nay, có lẽ chưa có bất kỳ quy định hay các công trình nghiên cứu nào xác định mục đích của việc XXLĐ ngoài những chủ trương của ngành tòa án áp đặt chỉ tiêu số vụ XXLĐ trong từng năm. Khi nói đến XXLĐ là nhiều người vẫn mặc nhiên cho rằng hoạt động XXLĐ nhằm mục đích phổ biến pháp luật, cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người. Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán của TAND Tối cao cũng không điều chỉnh về hoạt động XXLĐ của tòa án, mà hoạt động này do ngành tòa án tự đề ra và thực hiện theo ý chí của họ.
Nhìn từ góc độ lợi ích chung, XXLĐ là biện pháp để trực tiếp truyền tải các quy định của pháp luật hình sự đến với nhân dân và răn đe giáo dục chung. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy XXLĐ đôi khi còn làm khuấy thêm nỗi đau, làm tăng thêm mâu thuẫn giữa gia đình, họ hàng bị cáo và người bị hại, làm mất niềm tin của người dân về tính tôn nghiêm của công đường, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, nếu xử tại công đường HĐXX có các điều kiện đảm bảo cho tính uy nghiêm của người điều khiển phiên tòa, thì ngược lại các phiên tòa XXLĐ cơ sở vật chất lại khá tạm bợ. Khi những người tham dự phiên tòa đồng ý với quan điểm xét hỏi của tòa thì vỗ tay, còn không thì phản đối và la ó gây mất trật tự… điều này ảnh hưởng lớn đến sự tôn nghiêm và an ninh của phiên tòa.
Điều đáng chú ý, một số vụ án được XXLĐ có tới hàng nghìn người tham dự, trong đó có cả trẻ em, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và tâm lý của những đứa trẻ này khi lớn lên, nếu xét xử tại tòa án chỉ người đủ 18 tuổi mới được vào dự. XXLĐ (thường chỉ áp dụng đối với vụ án hình sự) là hoạt động tố tụng khá phổ biến ở nước ta, tuy nhiên đến nay Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các văn bản dưới luật chưa quy định rõ ràng, cũ thể về vấn đề này. Việc chưa luật hóa chế định này có thể được coi là một hạn chế trong hoạt động xây dựng và thực hành pháp luật ở nước ta.
Dưới góc độ nhân văn, rất cần lưu tâm đến việc thông tin của cơ quan truyền thông về các phiên tòa XXLĐ, tuy cùng mục đích với tòa án trong việc đưa vụ án ra XXLĐ, nhưng nếu không thực hiện một cách khéo léo và có suy nghĩ, nhìn nhận một cách thấu đáo và kỹ lưỡng, thì các cơ quan truyền thông sẽ phát tán thông tin không tốt gây hoang mang, bức xúc trong dư luận, sẽ vượt xa rất nhiều so với phạm vi địa phương xử lưu động. Ngoài ra, khi tiến hành XXLĐ người của cơ quan truyền thông nếu thiếu khả năng đánh giá khách quan thì dễ dẫn đến tác hại hai chiều cho cả dư luận và người bị buộc tội.
2.3. Xét xử lưu động - phân tích từ góc độ nhân quyền
Trong các phiên tòa lưu động, việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng trăm, hàng nghìn người dân nếu xét từ khía cạnh phẩm giá con người và vấn đề nhân quyền có thể sẽ không được đảm bảo, bởi một người chỉ bị coi là có tội, bị mất một số quyền công dân khi có phán quyết kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Nguyên tắc này được quy định rõ tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, tại Điều 8 quy định rõ: “Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết”; và cũng tại Điều 11 của Bộ luật này quy định: “Công dân có quyền được bảo hộ về danh sự, nhân phẩm… mọi hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm đều bị xử lý theo pháp luật”. Như vậy, tính đến thời điểm sau khi tuyên án sơ thẩm thì bị cáo vẫn được xem là chưa có tội, do đó các quyền công dân của bị cáo phải được tôn trọng và đảm bảo, trong đó có quyền được tôn trọng về danh dự và nhân phẩm. Thực tế, khi xét xử lưu động, đôi khi tòa án chỉ mới quan tâm đến mục đích răn đe, cảnh báo chung mà chưa quan tâm đến danh dự, uy tín của bị cáo và thân nhân gia đình họ.
Từ thực tiễn tổ chức các phiên tòa XXLĐ có thể khẳng định, không bị cáo và thân nhân của bị cáo nào mong muốn bị đưa ra xét xử tại nơi cư trú, nơi làm việc của mình. Việc bị đưa đi XXLĐ, ngoài phải chịu hình phạt theo luật định, thì họ còn phải chịu sức ép nặng nề về mặt tinh thần trước cộng đồng, dư luận xã hội - đó là sự miệt thị, sự lên án gay gắt và hắt hủi, chính vấn đề này vô hình chung tạo ra rào cản lớn khiến cho con đường hoàn lương, khả năng tái hòa nhập cộng đồng của họ sau này trở nên khó khăn và đi vào bế tắc. Chưa bàn đến những vụ án oan, mà chỉ trong những vụ án xét xử đúng người đúng tội thì việc bị cáo phạm tội cũng có thể do tâm lý và tính cách nóng nảy, bồng bột, thiếu hiểu biết, thiếu thận trọng. Trong trường hợp này, nếu bị đưa ra XXLĐ sẽ gây thêm sự ác cảm từ cộng đồng và sự mặc cảm từ bản thân bị cáo, đó là rào cản và thách thức lớn đối với bản thân bị cáo.
Ngoài ra, việc XXLĐ còn có thể tạo ra sự thiếu công bằng, khách quan trong việc áp dụng pháp luật, không ít ý kiến cho rằng khi XXLĐ, bị cáo thường phải chịu hình phạt nặng hơn so với khi bị xử tại trụ sở tòa án, do phiên tòa lưu động thường có nhiều thành phần, ban ngành tham gia, tâm lý của HĐXX khi tiến hành xét xử là luôn muốn phiên tòa được thành công nên phải đi đến việc tuyên án, đôi khi đã cố tình bỏ qua các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa mà lẽ ra phải trả hồ sơ về để điều tra bổ sung. Từ những phân tích này, có thể nhận định việc XXLĐ của một số tòa án ở các địa phương đôi khi còn tùy tiện chưa phù hợp và vi phạm một số nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự, để lại nhiều hệ lụy không tốt cho bị cáo, thân nhân và gia đình của họ.
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan cần xem xét, để các phiên tòa XXLĐ vẫn đạt được mục đích đề ra nhưng lại hạn chế được những hệ lụy xấu tác động ngược trở lại, phải đảm bảo được tối đa quyền lợi của bị cáo và thân nhân cùng gia đình bị cáo trước khi họ bị tuyên bởi bản án có hiệu lực pháp luật. Việc đưa bị cáo ra xét xử trước công chúng ở một khía cạnh nhất định nào đó đã vi phạm quyền con người của bị cáo, đồng thời gây tốn kém khi phải tổ chức, huy động lực lượng phục vụ, bảo vệ phiên tòa. Theo quan điểm của Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương): “Xét xử lưu động không những ảnh hưởng đến bị cáo mà còn ảnh hưởng đến gia đình bị cáo, người bị hại, trong đó có những vấn đề họ không muốn công khai rộng rãi cho mọi người cùng biết... Những người đến dự vì tò mò nhiều hơn là để hiểu các quy định của pháp luật… Việc xét xử lưu động sẽ tạo áp lực không đáng có cho HĐXX”.
Điều đáng chú ý là, đối với bị cáo khi bị đưa ra XXLĐ, đồng nghĩa với việc chưa được tòa tuyên án là “có tội” thì bị cáo cùng lúc phải chịu tới 02 bản án, một bản án trừng phạt theo pháp luật và một bản án chính là áp lực, tai tiếng từ dư luận xã hội mà bị cáo và thân nhân gia đình phải hứng chịu, đây là một hệ lụy nặng nề, ở một khía cạnh nào đó có thể xem là thiếu công bằng pháp luật, khi người thân của bị cáo không có tội nhưng vẫn phải chịu điều tiếng, áp lực từ phía dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập, làm việc và sinh sống của người thân trong gia đình bị cáo. Cũng từ thực tế đó cho thấy, phần lớn các phiên tòa xét xử tại trụ sở tòa án thường vắng người, ngoài những người được tòa án triệu tập chỉ có thêm vài người nhà bị cáo, thậm chí có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Trái lại, hầu hết những phiên tòa XXLĐ thì nhiều người không thể chen nổi vào khu vực xét xử, vì vậy nhiều nơi XXLĐ phải xử ở một bãi đất trống có diện tích và không gian rộng lớn để mọi người đều được theo dõi phiên tòa. Thông qua việc theo dõi phiên tòa và kết quả xét xử, người dân có điều kiện tiếp thu kiến thức và hiểu biết thêm các quy định của pháp luật.
Hiện nay Thông tư liên tịch số 01/2011 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, quy định: “Tòa án có thể quyết định xét xử kín vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra để tạo thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ. Không XXLĐ vụ án do người chưa thành niên gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm”. Vì vậy, hiện nay nhiều trường hợp tòa án lấy lý do cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm ở địa phương để đưa người chưa thành niên ra XXLĐ. Điều này dễ gây tác dụng ngược, khiến cho trẻ có tâm lý tiêu cực, mặc cảm, tự ti, mất phương hướng, rơi vào bế tắc, mất niềm tin vào sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước; thậm chí khiến trẻ trở nên liều lĩnh hơn, khó cảm hóa và khó giáo dục hơn. Theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, cũng như có sự ra đời của Tòa Gia đình và người chưa thành niên thì rất cần thay thế Thông tư liên tịch số 01/2011 như đã trên theo hướng “Không XXLĐ vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi”, nhằm đảm bảo vấn đề nhân quyền cho trẻ vị thành niên.
Liên hệ thực tiễn một vụ án điển hình tại tỉnh Lào Cai năm 2014, với một hệ lụy nặng nề ít ai ngờ tới, trong phiên tòa XXLĐ vụ dâm ô hàng chục trẻ em của đối tượng Đỗ Văn Nam, đối tượng này trước đó đã thường xuyên có hành vi dâm ô đối với nhiều em học sinh lớp 4 và lớp 5 tại Trường Tiểu học bán trú La Pan Tẩn, gia đình của 23 em học sinh này đã tố cáo vụ việc các em bị chính bảo vệ của ngôi trường này xâm hại tình dục, điều này đã gây cú sốc lớn cho dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Thế nhưng, không ít người còn tiếp tục bàng hoàng trước thông tin vụ án sẽ được đưa ra XXLĐ nhằm răn đe người phạm tội, phòng ngừa chung.
Chưa biết hiệu quả, ý nghĩa của việc răn đe đến đâu, nhưng nỗi lo lắng của nhiều người làm cha làm mẹ về phiên tòa XXLĐ sẽ gợi nhớ lại những nỗi đau cho con em họ, tạo ra những rào cản bất lợi đối với con em họ và chính bản thân gia đình họ. Có thể nhận thấy, qua vụ thực tiễn vụ án này việc trừng trị kẻ phạm tội là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng các em học sinh thì cần lắm một sự bình yên, những gương mặt trẻ thơ chắc hẳn sẽ còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra với cuộc đời của chính các em, các em còn quá nhỏ để phải chịu đựng những nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần. Vì vậy, từ hệ lụy tác động tiêu cực của các phiên tòa XXLĐ có thể thấy, XXLĐ để giáo dục pháp luật cho cộng đồng nhưng vô hình chung hình thức xét xử này đã công khai những chuyện không hề hay ho gì đối với các em học sinh nhỏ tuổi.
Hiến pháp năm 2013 ghi nhận mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng ghi nhận quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, việc tôn trọng danh dự, nhân phẩm của con người được ưu tiên hàng đầu, dù đang là người bị buộc tội. Mục đích của hình phạt bao gồm cả trừng trị, răn đe và cả cải tạo giáo dục, cảm hóa người phạm tội giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, việc đưa các vụ án ra xử lưu động sẽ khiến cho việc tái hòa nhập cộng đồng của người từng lầm lỡ gặp nhiều khó khăn, trở ngại bởi sự kỳ thị của cộng đồng xã hội.
3. Những hạn chế bất cập đặt ra từ phiên tòa xét xử lưu động tại Việt Nam
3.1. Hạn chế bất cập do chưa có tiêu chí cụ thể cho một phiên tòa lưu động
Hiện nay, việc đưa một vụ án ra XXLĐ do chính tòa án xét xử vụ án đó quyết định, chứ chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về tiêu chí để đưa vụ án ra XXLĐ.
Mỗi tòa án ở mỗi địa phương lại tự đưa ra chỉ tiêu cho hoạt động XXLĐ khác nhau và thường dựa trên các tiêu chí chung chung như: vụ án hình sự liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội mà gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận hoặc xâm phạm kinh tế và trật tự an toàn xã hội đã cản trở việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, hoặc gây ảnh hưởng chính trị mà dư luận xã hội đòi hỏi phải đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhằm đáp ứng yêu cầu chính trị, ngăn chặn tội phạm phát triển, góp phần giải quyết tình trạng tiêu cực nhất định trong xã hội.
Ngoài ra, khi xác định các vụ án đưa ra XXLĐ còn căn cứ vào nhiệm vụ chính trị chung của cả nước, của địa phương; căn cứ vào khả năng thực tế trong việc giải quyết các vụ án hình sự của ba ngành Công an - viện kiểm sát - tòa án. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về tiêu chí đưa vụ án ra XXLĐ nên các phiên tòa lưu động đã nhanh chóng bộc lộ một số hạn chế như: Đôi khi tòa án chỉ mới quan tâm đến việc răn đe, giáo dục pháp luật chung mà chưa quan tâm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bị cáo và thân nhân gia đình họ, chưa quan tâm đến việc giáo dục họ sống tốt hơn sau khi chấp hành hình phạt trở lại với cộng đồng, việc tổ chức phiên tòa XXLĐ thường tốn kém về kinh phí của Nhà nước, bản án được ban hành bởi những phiên tòa lưu động thể hiện sự nghiêm minh hơn; cũng có một số trường hợp phía tòa án chọn lựa những án hình sự có tình tiết đơn giản, bị cáo thành khẩn khai báo, ít đương sự triệu tập tham gia phiên toà… để đưa ra XXLĐ.
Tại các phiên tòa XXLĐ, việc để bị cáo thuật lại tội ác chưa chắc đã có tác động tuyên truyền giáo dục mà có thể ảnh hưởng ngược lại; ngoài ra áp lực của HĐXX khi tiến hành XXLĐ sẽ lớn hơn nhiều so với việc xét xử tại phòng xử án của tòa án. Sức ép dư luận, sức ép của đám đông, rồi cơ sở vật chất cho HĐXX, Luật sư, người tham dự phiên tòa... sẽ hạn chế hơn, những vấn đề này cần được xem xét nhằm đưa ra một bộ tiêu chí phù hợp đối với một phiên tòa XXLĐ. Việc lựa chọn vụ án để đưa ra XXLĐ phải đáp ứng được tiêu chí xét xử công bằng, hiệu quả vì việc tổ chức phiên tòa lưu động thường rất khó khăn, tốn kém, với nhiều bên tham gia. Vì vậy, cần phải lựa chọn những vụ án có các chứng cứ, tình tiết đầy đủ, rõ ràng, có cơ sở vững chắc để buộc tội, kết tội đối với bị cáo. Hiệu quả XXLĐ không đạt được nếu đưa ra xét xử vụ án mà chứng cứ, tội danh còn nhiều vấn đề phải kiểm tra, tranh tụng làm rõ tại phiên toà, có khả năng kéo dài thời gian xét xử hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Hiện nay, chỉ tiêu của ngành tòa án bắt buộc hàng năm tỉ lệ phần trăm vụ án phải đưa ra xử lưu động, điều này dẫn tới sự chủ quan, mục đích giáo dục tuyên truyền có thể đi ngược lại tác dụng, làm nảy sinh thêm những bất cập như:
Chưa độc lập trong việc xét xử: Thường có sự phối hợp giữa tòa án và viện kiểm sát trong việc bàn về mức án trước để đảm bảo kết quả XXLĐ trong giới hạn mà viện kiểm sát đã đề xuất. Do đó, ý kiến của Luật sư bào chữa trong các vụ án này thường bị bác bỏ (như yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung, triệu tập thêm nhân chứng...). Nhiều khi phiên xử vắng nhân chứng, người liên quan... nhưng tòa vẫn xử, vì phiên tòa đã lỡ chuẩn bị đâu đó hết rồi, điều này không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo và những người liên quan khác.
Tốn kém chi phí: Khi xét xử lưu động phải điều động rất nhiều lực lượng an ninh, bảo vệ, âm thanh, ánh sáng để đảm bảo cho công tác xét xử diễn ra thuận lợi.
Địa điểm diễn ra phiên tòa chưa thật sự phù hợp: Nhiều địa điểm xét xử lưu động nhếch nhác, tạm bợ không đảm bảo tính nghiêm minh, cụ thể như phiên tòa ở Bình Phước (2016) vừa qua là một minh chứng sống động nhất cho vấn đề này.
Vụ án đưa ra xét xử lưu động không có tính thời sự: Nhiều vụ án đưa ra XXLĐ người dân không quan tâm, như một số tội: trộm cắp, đánh bạc... Trong khi vấn đề tham nhũng là một vấn đề nóng được dư luận rất quan tâm và bức xúc, nhưng lâu nay vẫn chưa hề thấy vụ án tham nhũng nào được đưa ra XXLĐ, điều này đã tạo nên một sự phân biệt, sự nghi ngờ của người dân về tính hợp lý của những phiên tòa lưu động được lựa chọn và tổ chức.
Đối tượng đưa ra xử lưu động chưa hợp lý: Nhiều trường hợp người chưa thành niên vẫn bị đưa ra xử lưu động, tại khoản 3, Điều 16, Thông tư liên tịch 01/2011 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH quy định: “Đối với những tội xâm phạm tình dục bị hại là trẻ em cần thiết phải xử kín để đảm bảo danh dự nhân phẩm người bị hại”. Cụ thể như vụ một bé gái ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên), bé gái mới hơn 13 tuổi nhưng yêu người đã thành niên và có thai, gia đình hai bên làm lễ đính hôn thì bị phát hiện và yêu cầu Công an huyện khởi tố vụ án, tòa án huyện sau đó đưa ra xử lưu động tại địa phương, người dân đến xem rất đông, tòa đã tuyên 03 năm tù giam sau đó hai bên kháng cáo và được tòa án tỉnh cho hưởng án treo, người dân không hiểu và đưa ra bàn tán: “Sao nó bị 03 năm tù rồi mà giờ vẫn cứ thấy nhởn nhơ ở nhà”. Bởi vậy, trong trường hợp này thì giáo dục pháp luật chưa thật sự ổn, trong khi việc xử lưu động như vụ án này còn khiến người bị hại và gia đình, người thân của bị cáo tổn thương thêm.
Như vậy, từ thực tiễn về các phiên tòa XXLĐ được phân tích trên có thể thấy, hiện nay các phiên tòa XXLĐ ở Việt Nam còn chưa có một bộ tiêu chí cụ thể để định hướng và tổ chức, dẫn tới nhiều hạn chế bất cập, thậm chí làm phát sinh những tác động tiêu cực sau khi xét xử. Công tác cải cách tư pháp ở nước ta cũng cần hướng tới việc bổ sung các quy định về tổ chức phiên tòa XXLĐ.
3.2. Hạn chế bất cập từ công tác tổ chức phiên tòa lưu động
Trên thực tế cho thấy, không ít phiên tòa XXLĐ do chuẩn bị không tốt nên mục đích tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung không đạt được. Thậm chí, điều này còn gây ảnh hưởng không tốt đến ý thức pháp luật của nhân dân tại nơi xét xử. Có phiên tòa, những người tham dự gây mất trật tự, làm mất đi tính uy nghiêm của việc nhân danh Nhà nước để xét xử. Trong chừng mực nào đấy, XXLĐ là định kiến, suy đoán có tội, mâu thuẫn với Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự.
Hạn chế rõ nét nhất từ thực tiễn công tác tổ chức phiên tòa XXLĐ vụ án Nguyễn Hải Dương và đồng phạm về tội giết 6 người và cướp tài sản ở Bình Phước (2016), ước tính có đến 4.000 người dân tham dự. Cơ quan chức năng đã phải điều động hơn 300 cán bộ chiến sĩ gồm nhiều lực lượng như: Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông… để bảo vệ và giữ gìn trật tự cho phiên tòa, ngay trước đó vài ngày diễn ra phiên tòa thì cơ quan chức năng đã phải huy động hàng chục lượt người tổ chức khảo sát, dọn dẹp và che rạp ở khu đất trống; lực lượng an ninh cũng đã tổ chức rà bom, mìn; lên phương án bảo vệ phiên tòa. Ngay từ sáng sớm ngày diễn ra phiên tòa XXLĐ, lực lượng chức năng đã phải liên tục phát đi những cảnh báo để người dân đề phòng móc túi, mất cắp tài sản do có nhiều kẻ xấu lợi dụng đám đông để thực hiện hành vi.
Ngoài ra, khi các bị cáo được dẫn đến, người dân bức xúc gây huyên náo cả phiên tòa, lúc HĐXX đang xét hỏi thì phía dưới người dân liên tục xô đẩy, chen lấn giành chỗ, nói chuyện ồn ào khiến chủ tọa phiên tòa đã nhiều lần cho dừng xét xử để lực lượng bảo vệ ổn định trật tự. Khi đại diện VKSND đọc cáo trạng công bố toàn bộ quá trình phạm tội của các bị cáo, những chi tiết về hành động ra tay tàn độc của bị cáo khiến nhiều người thốt lên hãi hùng, phía người nhà bị hại liên tục gào lên “im đi” đầy căm phẫn và nhiều lần đòi xông lên “xử” các bị cáo. Phiên tòa diễn ra trong thời tiết nắng gay gắt và cát bụi mù mịt, kéo dài đến tận 20 giờ tối cùng ngày, không gian phiên tòa lúc này đã tối om, do không có đèn chiếu sáng nên người dân đứng trong bóng tối nghe tòa tuyên án; lực lượng chức năng thì liên tục phát đi cảnh báo nhắc nhở người dân cẩn thận với tư trang, tiền bạc do có tình trạng kẻ gian trà trộn vào trộm cắp.
3.3. Hạn chế bất cập về không gian, thời gian khi tổ chức phiên tòa lưu động
Về không gian, việc tổ chức xét xử giữa trời nắng chang chang, giữa bãi đất trống, bụi bặm thì tính uy nghiêm phiên tòa không cao, gây ra tâm lý ảnh hưởng đến nhân dân, bị can, trẻ em dưới 16 tuổi không được vào nhưng phiên tòa lưu động trẻ em lại vào rất đông do không gian rộng khó quản lý, kiểm soát.
Việc tổ chức các phiên tòa lưu động rất vất vả và tốn kém, nhất là ở những địa phương còn khó khăn về giao thông đi lại, ví dụ như ở tỉnh Hòa Bình, tòa cấp huyện không có ô tô nên các phiên tòa lưu động phải thuê xe máy chở vành móng ngựa, rồi lại thuê xe đưa HĐXX lên các xã, thậm chí có nơi chỉ còn cách đi bộ cả chục cây số vào để tổ chức phiên tòa lưu động. Ngoài ra, ở một số địa phương do hạn chế về thông tin liên lạc, nên người dân không nắm được thông tin về phiên tòa sắp diễn ra.
Xét xử lưu động được thực hiện ngoài trời, không phải tại không gian phòng xử án chuyên nghiệp vì vậy điều kiện về thời tiết có tác động khá lớn tới phiên tòa, có những phiên tòa được tổ chức dưới thời tiết nắng nóng, đông người tham gia, không gian xét xử trở nên ngột ngạt; có những phiên tòa lại kéo dài tới khi trời tối khiến cho quang cảnh của phiên tòa không còn giữ được không khí tôn nghiêm, ổn định từ đầu tới cuối.
3.4. Hạn chế bất cập về kết quả xét xử trong phiên tòa lưu động
Mặt trái của XXLĐ đó là chưa thật đáp ứng được nguyên tắc xét xử công bằng, với tâm lý chung như “Tại sao người này được xét xử trong phòng nhưng tôi lại bị đưa ra xét xử bên ngoài nơi tôi sinh sống, có lượng người rất lớn, có cả người quen của tôi của gia đình tôi”. Việc XXLĐ không công bằng cả đối với người phạm tội cũng như thân nhân của họ, điều này cũng lý giải tại sao một số vụ án XXLĐ ở một số địa phương như vừa qua, người thân các bị cáo không đến dự.
Các phiên tòa XXLĐ đôi khi còn thiếu sự vô tư, khách quan trong việc áp dụng pháp luật, bởi do quá thiên về mục đích răn đe, giáo dục pháp luật nên thông thường khi XXLĐ bị cáo thường phải chịu hình phạt nặng hơn so với xét xử ngay tại trụ sở tòa án, việc XXLĐ thường tốn kém và muốn thể hiện sự thành công của phiên tòa trước dân chúng nên tâm lý của các Thẩm phán luôn mong muốn xét xử một cách thuận lợi, phải đi đến việc tuyên án, nên đôi khi đã cố tình bỏ qua các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa mà lẽ ra phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Thực tiễn cho thấy, việc đưa một vụ án ra XXLĐ do chính tòa án xét xử vụ án đó quyết định và thường áp dụng đối với án liên quan an ninh trật tự, an toàn xã hội mà gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận như giết người, cướp tài sản, trộm cắp, đánh bạc, ma túy… Để đạt được mục tiêu của việc XXLĐ, mức án dành cho các bị cáo thường nghiêm khắc hơn, nặng nề hơn.
Thông thường các phiên tòa XXLĐ sẽ gây khó khăn trong việc xét hỏi, ảnh hưởng rất lớn tới kết quả phiên tòa bởi áp lực số đông có thể tác động đến quá trình luận tội.
3.5. Hạn chế bất cập trong nhận thức, nhìn nhận của người dân về phiên tòa lưu động
Hoạt động XXLĐ trong thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều tiêu cực, trong đó không loại trừ “tác dụng ngược” như: phương thức thủ đoạn phạm tội trong vụ án được các đối tượng khác “học tập” hay vụ án có nhiều yếu tố bạo lực, rùng rợn, liên quan đến giết người, xâm hại tình dục… sẽ là không phù hợp với đối tượng người theo dõi phiên tòa XXLĐ là trẻ em. Việc xét xử tất nhiên là phải mô tả lại các hành vi phạm tội, mô tả càng cụ thể càng tốt, thậm chí có thể phải “dựng” lại hiện trường, đây là điều cực kỳ nguy hiểm bởi việc phản ánh quá chi tiết các tình tiết về tội ác thì sẽ gây nên những tâm lý khác nhau. Có thể là sự căm giận đối với tội ác nhưng cũng có thể nó sẽ là “bài học thực tế”, nhất là lớp trẻ sẽ “bắt chước” và “nhân bản” hành vi đó. Trong khi theo quy định của luật pháp, trẻ em dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được triệu tập. Nhưng thực tế cho thấy, tại những phiên tòa XXLĐ, số lượng trẻ em dưới 16 tuổi không ít.
Theo quy định pháp luật hiện hành thì việc xét xử tội phạm hình sự là công khai, đồng nghĩa với việc xử ngay tại trụ sở tòa án hay địa điểm lưu động thì vẫn bảo đảm tính công khai. Vì xử công khai nên mọi công dân đều có quyền tham dự, chứng kiến toàn bộ quá trình xét xử; song cách tiếp nhận, cách hiểu và nhìn nhận vấn đề của mỗi tầng lớp nhân dân là khác nhau, nhiều người vẫn chưa hiểu hết được quy định và nguyên tắc khi tham gia một phiên tòa. Chính vì vậy, việc nói tự do, la hét, thể hiện thái độ một cách thô lỗ đối với bị cáo và gia đình bị cáo của một bộ phận người dân khi tham gia phiên tòa XXLĐ là hoàn toàn không phù hợp.
Một bất cập hạn chế nữa trong nhận thức của người dân địa phương, khi tổ chức phiên tòa lưu động cần lưu ý đến đó là, không phải địa phương nào trình độ dân trí và hiểu biết của người dân cũng cao, mà có những vùng trình độ dân trí thấp nên khi tham gia các phiên tòa XXLĐ hầu như người dân thể hiện ngay ra bên ngoài những thái độ, cảm xúc, hành vi đối với những gì vừa quan sát được, còn giá trị ẩn chứa về giáo dục phát luật đối với họ vẫn không được thẩm thấu và lắng đọng trong nhận thức, tư tưởng của họ. Để khắc phục hạn chế này cần kết hợp nhịp nhàng biện pháp tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông phù hợp cùng với hoạt động XXLĐ nhằm tác động sâu vào nhận thức, tư tưởng của người dân.
4. Kiến nghị đối với việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại Việt Nam
Từ thực tiễn công tác xét xử nói chung và hoạt động xét xử từ các phiên tòa lưu động tại Việt Nam, cùng với những kết quả tích cực đạt được và những hạn chế bất cập còn gặp phải khi tổ chức các phiên tòa XXLĐ, tác giả đề xuất một số vấn đề cần chú trọng thực hiện như:
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực xét xử nói chung và trong XXLĐ các vụ án nói riêng.
Thứ hai, để bảo đảm công bằng, hiệu quả thì những Thẩm phán, Hội thẩm Nhân dân và Kiểm sát viên được lựa chọn trong các phiên tòa XXLĐ phải là người hội đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn; có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có sự phối hợp chặt chẽ với nhau cũng như phối hợp tốt với chính quyền địa phương nơi tổ chức phiên tòa XXLĐ để công tác xét xử diễn ra công bằng, đúng pháp luật.
Thứ ba, về khâu tổ chức cần lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng từng vụ án, nhằm lựa chọn các vụ án phù hợp với bối cảnh địa phương, mục đích hướng tới, chứ không phải bất cứ vụ án nào cũng có thể lựa chọn để đưa ra XXLĐ.
Thứ tư, cần xem xét lại vấn đề nhân quyền đối với các phiên tòa lưu động (nhất là ở những phiên tòa có trẻ dưới 18 tuổi phạm tội), nhằm hạn chế thấp nhất những hệ lụy tiêu cực tác động đến bị cáo và thân nhân gia đình bị cáo, để bị cáo có cơ hội hoàn lương và tái hòa nhập xã hội sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Thứ năm, để xác định nên hay không nên xử lưu động thì cần có các nghiên cứu, đánh giá từ thực tiễn, lấy ý kiến về hiệu quả của phiên tòa XXLĐ từ cán bộ và đông đảo người dân địa phương nhằm xây dựng một định hướng phù hợp cho công tác XXLĐ. Trên cơ sở đánh giá mặt được, chưa được của các phiên tòa lưu động để quyết định có nên tăng cường hay giảm bớt XXLĐ hay không.
5. Kết luận
Từ thực tiễn khách quan cho thấy không chỉ riêng Việt Nam, mà hệ thống xét xử của nhiều nước trên thế giới cũng không tránh khỏi những hạn chế bất cập khi tổ chức các phiên tòa nói chung và các phiên tòa XXLĐ nói riêng, hầu như mỗi hình thức xét xử đều có những hạn chế bất cập nhất định, chỉ là mức độ hạn chế bất cập đó nhiều hay ít mà thôi.
Hiện tại Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện cải cách tư pháp, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật cho người dân được xác định là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các phiên tòa XXLĐ xuất hiện những luồng ý kiến trái chiều của dư luận xã hội nghi ngờ về tính hiệu quả và tính nhân văn của hình thức xét xử này chưa cao, các quan điểm này cho rằng cần hạn chế và thậm chí là tiến tới bỏ hẳn các phiên tòa XXLĐ.
Song, theo quan điểm riêng của tác giả thì XXLĐ xét về mục đích, bản chất và hàm ý khi tổ chức phiên tòa này không hề xấu hay tệ như mọi người vẫn nghĩ; theo tác giả cần tiếp tục duy trì hình thức này, song cần phải có sự điều chỉnh về mọi mặt, nhằm khắc phục các hạn chế bất cập trong thực tiễn triển khai.
Chúng ta hãy khách quan nhìn vào những kết quả mà công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã đạt được từ việc giáo dục trực quan (xét xử lưu động) này, những gì mắt thấy tai nghe theo tôi là những thứ khiến con người ta dễ hiểu, dễ thẩm thấu, nhận thức và rút kinh nghiệm nhanh nhất.
Theo đánh giá của riêng tác giả, hiện tại các phiên tòa XXLĐ mà chúng ta đang thực hiện chỉ có một phần hoặc một mặt nào đó chúng ta thực hiện chưa tốt, nguyên nhân của vấn đề này là do chúng ta chưa xây dựng được một bộ tiêu chí rõ ràng cụ thể cho hình thức xét xử này, chỉ khi có được bộ tiêu chí cụ thể cho phiên tòa XXLĐ thì nó sẽ định hướng cho hệ giá trị và vấn đề cốt lõi hướng tới của phiên tòa. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta không tổ chức nổi một phiên tòa lưu động theo tinh thần dân chủ, tiến bộ cùng với sự công tâm, liêm chính, có trách nhiệm của những người làm công tác xét xử và bảo vệ pháp luật (Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên), thì hệ lụy xấu từ XXLĐ sẽ nảy sinh và tác động ngược trở lại lên toàn hệ thống xét xử chứ không riêng gì bị cáo phải hứng chịu.
Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Văn Cường, Tác động của xét xử lưu động vụ án hình sự đối với bị cáo và cộng đồng xã hội, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 299, 2017, tr. 50-56.
2. Nguyễn Văn Đồng, Hà Thị Khuyên, Hoạt động tranh tụng trong tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số tháng 4, 2017, tr.62-70.
3. Đặng Hoàng Giang, Xét xử lưu động hay show diễn công lý, Tạp chí Luật khoa, số 9, 2016.
4. Nguyễn Quang Lộc, Một số vấn đề cần chú ý khi tổ chức xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm, Tạp chí Tòa án, số 92, 2015.
5. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, số 19/2003/QH11, ban hành 26/11/2003, Hà Nội, 2003.
6. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật phổ biến, Giáo dục pháp luật, số 14/2012/QH13, ban hành 20/6/2012, Hà Nội, 2012.
7. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Hiến pháp 2013, ban hành 28/11/2013, Hà Nội, 2013.
8. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, số 101/2015/QH13, ban hành 27/11/2015, Hà Nội, 2015.
9. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH, Thông tư liên tịch Hướng dẫn thi hành một số quy đinh của bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, số 01/2011, bàn hành 12/7/2011, Hà Nội, 2011.