Language:
Chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội
18/11/2022
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Hiện nay, tội phạm ở Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa, ngày càng nhiều vụ án hình sự cả đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và nạn nhân đều là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi), đây là thực trạng đáng báo động các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này. Hậu quả của những hành vi giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí diễn ra ở những người chưa thành niên thời gian gần đây là cực kỳ nghiêm trọng, không những ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự, mà còn đưa đến hậu quả thương tâm người bị thiệt mạng, người bị thương tích, người phải chịu án tù; nhưng mất mát to lớn nhất vẫn là những gia đình họ mất đi những người con, người cháu để lại nhiều hệ lụy xấu về sau.

 

 

Nguyên nhân hiện nay dẫn đến thực trạng nhiều thiếu niên mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn, nghênh ngang trên đường gây mất an ninh trật tự cộng cộng xuất phát từ tâm lý lứa tuổi, tuổi vị thành niên là giai đoạn có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, trẻ có xu hướng nổi loạn, muốn thể hiện mình, khẳng định mình trước đám đông, thể hiện cái tôi cá nhân, bản tính dễ bị kích động kết hợp với việc bị tiêm nhiễm những thói quen xấu ngoài xã hội, bị tập nhiễm những hình ảnh và clip bạo lực giết tróc trên mạng internet, game online làm ảnh hưởng tới nhận thức và hành vi của thanh thiếu niên. Ngoài ra, tình trạng thanh thiếu niên giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực còn cho thấy một thực tế đáng buồn về công tác giáo dục lâu nay, việc buông lỏng quản lý của nhà trường và coi nặng giáo dục văn hóa, xem nhẹ giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ý thức pháp luật dẫn đến khi phát sinh mâu thuẫn thanh thiếu niên ít giải pháp để lựa chọn, dễ chọn những phương án giải quyết sai lầm. Bên cạnh đó, một bộ phận gia đình của những thanh thiếu niên có hành vi bạo lực, gây rối thường thiếu quản lý, giám sát và giáo dục con em do mải mê làm kinh tế; đặc biệt một số gia đình hoàn cảnh bố mẹ ly hôn khiến gia đình tan vỡ, gia đình có bố mẹ vi phạm pháp luật, bố mẹ liên quan đến tệ nạn xã hội… thì trong những gia đình này, trẻ thường thiếu đi sự quan tâm, giáo dục của bố mẹ dẫn đến dễ bị sa ngã vào tệ nạn xã hội, dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, dễ đi vào con đường vi phạm pháp luật.

 

Giải pháp góp phần giải quyết vấn đề này, thì Chính phủ và các bộ ngành, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình cần phối hợp trong công tác nuôi dạy, quản lý, giáo dục trẻ; các cơ quan cấp trên cần có những chính sách pháp luật quan tâm tới nhóm đối tượng là người chưa thành niên, chính quyền địa phương và nhà trường thường cần xuyên giáo dục - phổ biến pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tăng cường quản lý, giám sát từ nhà trường, cải cách các môn học theo hướng đề cao rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn - xung đột; các gia đình cần quan tâm, sát sao hơn để kịp thời uốn nắn con em mình trong giai đoạn vị thành niên để kịp thời góp ý, động viên và tạo điều kiện tốt nhất để các em phát triển hoàn thiện tâm sinh lý một cách bình thường. Một số cơ quan địa phương cần phối hợp với các nhà trường thực hiện các giờ học ngoại khóa toàn trường, với sự tham gia của công an địa phương, luật sư, cán bộ chính quyền để chia sẻ kiến thức pháp luật và các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn - xung đột, phòng tránh bắt nạt và giải pháp giải quyết… nhằm hạn chế tình trạng bạo lực ở thanh thiếu niên hiện nay.

 

Về quy định pháp luật và chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi trở lên, tuy nhiên những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về nhóm tội phạm rất nghiêm trọng (hình phạt từ 07-15 năm tù) và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt từ 15-20 năm tù, chung thân hoặc tử hình); còn những người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm. Tuy nhiên, việc xử lý tội phạm là người chưa thành niên phạm tội được áp dụng một chính sách riêng, các hình phạt được áp dụng với người chưa thành niên phạm tội gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. Hình phạt được áp dụng theo hướng tạo điều kiện để người phạm tội là người chưa thành niên có cơ hội cải tạo, sửa sai; chế tài mang tính giáo dục là chính, áp dụng nguyên tắc xử lý riêng đối với người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

 

Đối với hình phạt tù có thời hạn áp dụng với người dưới 18 tuổi, thì áp dụng theo hướng, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Còn đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

 

Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.