Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường
Câu hỏi bạn đọc: Qua thực tiễn vụ án chuyến bay giải cứu. Thì nguyên tắc áp dụng hình phạt trong tố tụng hình sự, các trường hợp xét xử dưới khung hình phạt được áp dụng khi nào?
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: Áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ án hình sự là một hoạt động phức tạp trong việc thực hiện quyền tư pháp, bao gồm nhiều cơ quan tố tụng tham gia, trong đó tòa án là trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm. Hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam chia thành các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong đó, khi xét xử vụ án hình sự mà xác định bị cáo có tội thì tòa án sẽ áp dụng hình phạt phù hợp đối với hành vi phạm tội của bị cáo. Việc quyết định hình phạt chỉ đặt ra khi bị cáo được xác định là có tội căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Bộ luật hình sự quy định: Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Hình phạt trong luật hình sự thì có hình phạt chính, hình phạt bổ sung, trong đó có 07 hình phạt chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Trục xuất; Tù có thời hạn; Tù chung thân; Tử hình.
Ngoài các hình phạt chính thì người phạm tội còn có thể bị áp dụng một trong các hình phạt bổ sung như sau: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Về nguyên tắc thì đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Bộ luật hình sự quy định thành các nhóm tội và những tội danh khác nhau, tương ứng với mỗi tội danh sẽ có các loại hình phạt và mức hình phạt. Tội danh được quy định các điều luật trong bộ luật hình sự và trong mỗi tội danh thì sẽ quy định một hoặc nhiều hình phạt chính và có thể còn có cả hình phạt bổ sung. Khi xác định bị cáo phạm tội thì tòa án sẽ xác định bị cáo phạm tội gì, quy định ở đâu, đồng thời sẽ lựa chọn loại hình phạt nào áp dụng cho phù hợp, (về nguyên tắc là hình phạt đó phải được quy định trong bộ luật hình sự, quy định trong tội danh mà bị cáo phạm phải). Sau khi lựa chọn loại hình phạt thì hội đồng xét xử sẽ quyết định mức hình phạt phù hợp.
Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự thì việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào 05 yếu tố là căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự; căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội; căn cứ vào nhân thân người phạm tội; căn cứ vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Cụ thể: Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong căn cứ vào Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt thì sẽ căn cứ vào tội danh đó có các loại hình phạt nào, mức hình phạt quy định trong mỗi khung hình phạt ra sao. Về nguyên tắc là người thực hiện hành vi phạm tội thuộc khung nào của điều luật thì sẽ áp dụng mức hình phạt giao động trong khung đó. Ví dụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội sẽ bị áp dụng theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt là phạt tù 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Tuy nhiên, Bộ luật hình sự còn quy định trong trường hợp người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tòa án có thể xét xử bị cáo dưới khung hình phạt, nội dung này được quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau: Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Như vậy, có thể thấy rằng mặc dù pháp luật quy định việc xét xử, kết án đối với người phạm tội thì phải theo các nguyên tắc là theo từng khung khoản hình phạt tương ứng với tính chất của từng loại tội phạm (ví dụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì mức thấp nhất là 12 năm tù, mức cao nhất là tù chung thân nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên). Tuy nhiên, bộ luật hình sự cũng quy định tùy nghi cho hội đồng xét xử có thể xét xử ở khung hình phạt khác liền kề nhẹ hơn hoặc thậm chí có thể xét xử ở khung thấp nhất của tội danh nếu như người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quy định này phù hợp với quy định tại điều 50 của bộ luật hình sự là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng quyết định đến mức hình phạt, nhiều tình tiết giảm nhẹ có thể làm cho tính chất hành vi phạm tội giảm xuống, hậu quả của tội phạm được khắc phục, nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của bị cáo tốt hơn, ý thức tự cải tạo thể hiện rõ hơn, đây là những yếu tố quan trọng để quyết định đến việc xác định áp dụng hình phạt nào và mức hình phạt sao cho phù hợp.
Quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 về xét xử dưới khung hình phạt là một quy định có tính chất nhân đạo, mở rộng sự "tùy nghi" của hội đồng xét xử trong việc quyết định hình phạt, giống như câu nói nổi tiếng "thẩm phán là bộ luật biết nói, còn bộ luật là thẩm phán câm". Việc quyết định hình phạt dưới khung là chính sách pháp luật tạo cơ hội để cho người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc phát hiện xử lý tội phạm, ngăn chặn giảm bớt thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật, khả năng tự cải tạo. Suy cho cùng bản chất của hình phạt là giáo dục cải tạo, không chỉ giáo dục cải tạo cho người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội của mình để sửa chữa mà còn giáo dục chung cho xã hội.
Xã hội càng văn minh thì hình phạt càng bớt hà khắc. Hình phạt tử hình, tù chung thân hoặc tù có thời hạn dài được giảm bớt, loại bỏ dần qua sự phát triển văn minh của xã hội, thể hiện qua quá trình sửa đổi luật hình sự của các quốc gia. Nếu Như trong xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến trước đây thì "nguyên tắc trả thủ ngang bằng" được áp dụng khá phổ biến trong hệ thống hình phạt thì khi xã hội phát triển, văn minh thì mục đích của hình phạt hướng đến cải tạo giáo dục chứ không đơn thuần chỉ là trừng phạt, trừng trị, răn đe. Hành vi răn đe suy cho cùng cũng hướng đến là giáo dục cải tạo. Nếu xét thấy không cần phạt tù cũng có thể giáo dục cải tạo được đối với người phạm tội thì có thể xét xử miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (án treo), cải tạo không gian giữ, phạt tiền, thậm chí cảnh cáo, miễn chấp hành hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự là cũng có thể giải quyết được hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, đồng thời thể hiện tính nhân đạo trong áp dụng pháp luật hình sự.
Bởi vậy, thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự thì việc áp dụng quy định về chuyển khung hình phạt theo điều 54 bộ luật hình sự là khá phổ biến trong tố tụng hình sự Việt Nam. Mặc dù Bộ luật Hình sự không quy định "mặc nhiên" có hai tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự là sẽ áp dụng điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 để chuyển khung hình phạt mà quy định tùy nghi cho hội đồng xét xử cho phù hợp đối với từng bị cáo, từng vụ án, trong từng trường hợp cụ thể trên cơ sở các nguyên tắc và theo chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam.
Qua tổng hợp thực tiễn xét xử của tòa án nhân dân tối cao đối với các vụ án hình sự cho thấy tỷ lệ xét xử án treo, xét xử dưới khung hình phạt của tòa án trong cả nước là cao, được kiểm soát theo các nguyên tắc của, về cơ bản là xét xử đúng quy định pháp luật, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, có tính chất giáo dục, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội, đạt hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn có những trường hợp áp dụng pháp luật không đúng, áp dụng pháp luật không phù hợp dẫn đến việc giải quyết vụ án chưa đúng nguyên tắc dẫn đến mất công bằng, không bình đẳng, không thể hiện được mục đích răn đe phòng ngừa giáo dục trong giải quyết vụ án hình sự. Không ít bạn án đã hình sự đã bị hủy, sửa bởi việc áp dụng pháp luật tùy tiện, sai nguyên tắc.
Bộ luật hình sự Việt Nam hiện nay quy định tùy nghi cho hội đồng xét xử trong việc có xét xử dưới khung hình phạt hay không khi bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của bộ luật hình sự. Tuy nhiên đến nay cũng không có văn bản hướng dẫn cụ thể là trường hợp nào sẽ áp dụng xét xử giấy khung hình phạt, trường hợp nào không áp dụng xét xử với khung hình phạt. Thực tiễn có những vụ án mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuy nhiên xét tính chất nghiêm trọng của vụ án, Hội đồng xét xử vẫn áp dụng mức hình phạt cao nhất trong khung hình phạt. Ví dụ với những vụ án mua bán trái phép chất ma túy với hàng chục bánh heroin thể do bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội nhận đâu, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả nộp lại số tiền thu lợi bất chính, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc phát hiện xử lý tội phạm thì tòa án vẫn tuyên phạt ở mức hình phạt cao nhất là tử hình để phù hợp với chính sách xét xử hình sự hiện nay, phù hợp với tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy đang diễn biến phức tạp...
Việc quyết định hình phạt nào, mức hình phạt đến đâu thì không thể chỉ dựa vào khung hình phạt, nguyên tắc chuyển khung hình phạt mà còn phụ thuộc vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Có nhiều yếu tố quyết định đến hình phạt chứ không chỉ căn cứ vào một yếu tố trong đó cần phải xem xét đầy đủ hài hòa giữa yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi đối với từng bị cáo, trong từng vụ án cụ thể.
Có nhiều ý kiến cho rằng nên có văn bản hướng dẫn hoặc quy định cụ thể trong trường hợp nào Bắc bộ hội đồng xét xử phải chuyển khung hình phạt phải trong trường hợp nào bắt buộc phải giữ nguyên khung hình phạt. Tuy nhiên ý kiến cá nhân tôi cho rằng không nên có quy định một cách cứng nhắc, khuôn mẫu như vậy, nên quy định tùy nghi như hiện nay và có tổng kết thực tiễn, tập huấn nghiệp vụ sao cho thẩm phán áp dụng trên cơ sở nguyên tắc pháp luật, theo chính sách xét xử hình sự đối với từng giai đoạn, từng loại tội, từng thời điểm để phục vụ mục đích chính trị, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm ở từng địa bàn, từng thời điểm cho phù hợp. Để tránh việc áp dụng sai nguyên tắc, tiêu cực trong việc áp dụng pháp luật hình sự thì cần làm tốt công tác tuyển chọn thẩm phán, đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán và cơ chế kiểm soát quyền lực, kịp thời phát hiện xử lý những trường hợp xét xử không đúng pháp luật, đặc biệt là có tiêu cực trong việc áp dụng pháp luật.
Việc áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng pháp luật hình sự nói riêng cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, những nguyên tắc đặc thù, thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo, khoa học sao cho bản án được tuyên ra phải thấu tình, đạt lý, có tác dụng cao trong việc giáo dục, răn đe, phòng ngừa cho xã hội.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338