Language:
Vụ án AIC, tội Vi phạm quy định về đấu thầu được quy định ra sao?
21/12/2022
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Ngày 21/12/2022, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, đưa 36 bị cáo ra xét xử về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”. Trong số 36 bị cáo, có 8 người đang bỏ trốn và bị truy nã, một trong số đó có cựu chủ tịch Công ty AIC.

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, những năm gần đây, tình hình vi phạm trong hoạt động đấu thầu có xu hướng tăng, các hình thức vi phạm ngày càng đa dạng như vừa tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu vừa thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu trong cùng một gói thầu; thông đồng giữa bên mời thầu với nhà thầu, giữa cơ quan quản lý nhà nước với bên mời thầu và nhà thầu để thay đổi hồ sơ dự thầu; dàn xếp, thông thầu... các hành vi này đã xâm phạm nghiêm trọng tới lợi ích của Nhà nước, gây hệ lụy xấu tới nền kinh tế.

 

Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo là những người có hiểu biết pháp luật, thậm chí có nhiều bị cáo giữ chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước nên cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Việc đưa các bị cáo ra xét xử phản ánh thực trạng về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nói chung và hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm nói riêng đang rất nóng, rất quyết liệt được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo rất sát sao.

 

Đây là vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử với hàng loạt tội danh như tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222, tội Đưa hối lộ quy định tại Điều 364 và tội Nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, đây là những nhóm tội có khung hình phạt khá cao; tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả hành vi các bị cáo gây ra.

 

Riêng đối với tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất của tội này lên đến 20 năm nếu gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên. Theo quy định tại Điều 89, Luật Đấu thầu năm 2013, những hành vi nào bị cấm trong hoạt động đấu thầu gồm có đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; không bảo đảm công bằng, minh bạch; tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin sau đây về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; chuyển nhượng thầu, là những hành vi bị nghiêm cấm.

 

Nếu vi phạm những người liên quan phải chịu trách nhiệm nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép.

 

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích thêm, nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng, tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì những người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi khách quan của tội này là hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về đấu thầu, hành vi này được điều luật cụ thể hóa dưới các dạng vi phạm gồm can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép. Trên thực tế, người phạm tội có thể thực hiện một hành vi hoặc nhiều hành vi trong các dạng hành vi nêu trên.

 

Hành vi vi phạm chỉ bị coi là tội phạm nếu gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới mức đó nhưng chủ thể đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Trong tội phạm này, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, khung hình phạt sẽ năng hơn nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu thuộc tình tiết định khung tăng nặng như vì vụ lợi; có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; gây thiệt hại từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng khung hình phạt sẽ từ 3 đến 12 năm; gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên thì khung hình phạt từ 10 đến 20 năm.