Language:
Vụ cô đồng bổ cau phán "đúng nhận, sai cãi" ở Hải Dương, nếu vi phạm sẽ bị xử lý ra sao?
08/02/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Thông tin vụ việc, theo thông tin đăng tải trên Facebook và TikTok, chủ tài khoản các video này là T.H, còn được gọi là cô đồng T.H sinh sống tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương. Mặc dù hoạt động trên mạng xã hội từ lâu, nhưng gần đây người phụ nữ này mới được nhiều người biết đến qua những video vừa bổ cau, vừa xem bói đăng tải trên TikTok và Facebook. Nội dung các video cho thấy, cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi' luôn xưng với người xem bói là cô và con. Người này chuyên xem về đường tình duyên, đất cát, nhà cửa, công danh sự nghiệp, vận hạn… Với những người ở xa có nhu cầu xem bói, cô đồng T.H nhận đặt lịch và sẵng sàng gửi định vị địa chỉ nhà. Sau mỗi câu phán, cô đồng T.H thường chêm vào câu nói: "Đúng nhận, sai cãi". Câu nói này đã trở thành trend giới trẻ học theo trên nền tảng TikTok. Nhiều người xem cho rằng, cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi' toàn nói dựa, nói nước đôi, phán những điều không có căn cứ. Những lời lẽ trong video của cô đồng T.H thiếu chuẩn mực, thậm chí còn văng tục, chửi bậy trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý, gỡ bỏ những video có biểu hiện của mê tín dị đoan trên mạng xã hội, tránh ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. (Link thông tin https://giadinh.suckhoedoisong.vn/co-quan-chuc-nang-noi-gi-ve-vu-co-dong-bo-cau-phan-dung-nhan-sai-cai-o-hai-duong-172230208140910779.htm)

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, "Hành nghề mê tín, dị đoan" là hành vi dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác. Còn "người mê tín, dị đoan" được hiểu là sự mù quáng, tin vào thần thánh, ma quỷ, định mệnh,… không có cơ sở khoa học. Vì vậy, xem bói được xem là "hành nghề mê tín, dị đoan" là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm xảy ra.

 

Hành vi bói toán nếu gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang trong dư luận, đưa thông tin sai sự thật lên nền tảng mạng xã hội, đưa thông tin gian dối để người xem bói (nạn nhân) tin tưởng, chuỗi hành vi này là thủ đoạn, vỏ bọc cho mục đích cuối cùng là thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để nạn nhân là người xem bói tin tưởng giao tài sản, nếu số tiền chiếm đoạt từ 02 triệu đồng trở lên, thì đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, nếu việc bói toán dẫn đến nạn nhân hoang mang, lo sợ dẫn đến hậu quả tự tử, thiệt mạng… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Còn nếu hành vi của đối tượng chỉ lợi dụng hoạt động xem bói để tạo hiệu ứng dư luận và tạo sự nổi tiếng cho bản thân, mà không có động cơ chiếm đoạt tài sản thì hành vi này tùy tính chất và mức độ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ, Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với người hoạt động mê tín dị đoan, mức phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan. Trường hợp hành vi là lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh, đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, cổ suý các hủ tục mê tín dị đoan, chưa sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong dư luận, trong nhân dân… lên nền tảng các ứng dụng mạng xã hội, thì đối tượng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức xử phạt từ 10-20 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật.

 

Còn hành vi hành nghề mê tín dị đoan đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì đối tượng hành nghề mê tín dị đoan sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hành nghề mê tín, dị đoan quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu hành vi dẫn đến làm chết người; thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì hình phạt đối tượng phải đối mặt là từ 03-10 năm tù.

 

Trường hợp nếu việc bói toán của đối tượng gây hậu quả thiệt hại tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác, thì còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại, theo quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Việc bói toán có nguồn gốc từ xa xưa, nó có căn nguyên lịch sử đến từ hai phía người có nhu cầu xem bói và người hành nghề xem bói. Tuy nhiên, hiện nay việc bói toán đã bị biến tướng và tốc độ lan truyền trở nên khủng khiếp do các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan đã tận dụng mạng Internet, mạng xã hội để thực hiện hành vi, chia sẻ thông tin dẫn đến có nhiều người tiếp cận được, không bị hạn chế bởi không gian địa lý. Vì vậy, cơ quan chức năng cần kiểm soát tốt không gian mạng, đặc biệt nền tảng mạng xã hội, cần thường xuyên trinh sát không gian mạng và cần thiệp kịp thời tránh sự việc tồn tại một thời gian dài mới bị phát hiện, gây hệ lụy xấu trong dư luận xã hội.

 

Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338