Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Thời gian qua, tại một số tuyến đường ở trung tâm TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) xuất hiện những chiếc xe sang như Lexus, Bentley, BMW... gắn mào taxi, Công an TP. Thủ Dầu Một đã mời chủ các xe sang lên trụ sở để làm rõ phương tiện này có được phép hoạt động kinh doanh hay không. (Link thông tin https://dantri.com.vn/xa-hoi/hang-loat-xe-sang-bentley-bmw-gan-mao-taxi-dieu-pho-20230326202043738.htm)
Phóng viên có câu hỏi luật sư: Theo quy định luật thì tự ý gắn mào taxi tùy tiện có bị cấm không? Và nếu cấm thì chế tài xử lý sẽ ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, sự việc hàng loạt xe sang gắn mào taxi để diễu hành thành từng đoàn trên phố là điều lạ lùng tuy nhiên có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể đối với lái xe muốn hành nghề taxi đầu tiên họ phải đáp ứng điều kiện bắt buộc phải có Giấy phép lái xe hạng B2 trở lên. Theo quy định tại Điều 59 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hạng giấy phép lái xe B2 được lái xe Ô tô (số sàn) chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn; Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn và “được hành nghề lái xe”. Như vậy, nếu những chiếc xe sang nêu trên có gắn mào taxi mà lái xe không có giấy phép lái xe hạng B2 trở lên thì sẽ không đủ điều kiện hành nghề lái xe.
Ngoài ra, tài xế phải có chứng chỉ hành nghề do đơn vị Taxi cung cấp, khi lưu thông trên đường phải mang theo trường hợp bị cơ quan chức năng kiểm tra phải xuất trình. Trên nóc xe có phù hiệu (mào), phải có bảng giá trên thân xe và có đơn vị quản lý chung. Bên cạnh đó, tài xế phải đủ điều kiện sức khỏe đạt tiêu chuẩn riêng dành cho người điều khiển các phương tiện giao thông cơ giới.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BCA xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021. Tại Khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt trong trường hợp xe kinh doanh vận tải không thực hiện đúng quy định về “biển số” như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân; Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức.
Đối với phù hiệu của xe taxi được quy định tại khoản 4 Điều 38 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về phù hiệu của xe taxi như sau: Phù hiệu xe taxi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định riêng đối với các đơn vị thuộc địa phương quản lý hoặc theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT; Phù hiệu riêng phải có mã code QR và kích thước thống nhất theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT. Trường hợp địa phương tự in ấn, phát hành phải thông báo mẫu phù hiệu riêng về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước khi thực hiện; Phù hiệu được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi như sau: Phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe; Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm. Được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe. Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.
Việc tự ý gắn mào xe taxi không được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền là hành vi quảng cáo trá hình, hành vi này vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 20 Luật Quảng cáo năm 2012 do không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điểu kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ngày 17/01/2020 của Chính phủ thì đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tại Điều 36 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, mức phạt tiền 10-15 triệu đồng.
Ngoài ra, tùy thuộc nội dung vi phạm mà từng xe không trang bị như không sử dụng phần mềm tính tiền, đón trả hành khách không đúng nơi quy định, không gắn thiết bị giám sát hành trình; điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách không lắp camera theo quy định, điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu (biển hiệu) không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Hành vi tự ý gắn mào được xem là hành vi “sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp” sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm b, khoản 7, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP mức phạt tiền từ 5-7 triệu, đối với tổ chức mức phạt tiền gấp 02 lần mức xử phạt nêu trên.
Nếu hành vi tổ chức lái xe thành từng đoàn gây ách tắc giao thông, gây náo loạn các tuyến phố gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Người có hành vi gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi gây rối tật tự công cộng nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người vi phạm có hành vi tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng; Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng… Mức phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.
Nếu hành vi đến mức nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ xử lý theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338