Language:
Chính sách xử lý tội phạm được cụ thể hóa trong pháp luật hình sự Việt Nam ra sao?
28/08/2023
icon-zalo

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường

Không phải mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội đều là tội phạm và phải chịu chế tài hình sự?  

Trong thời gian qua, cơ quan điều tra đã khởi tố, xử lý nhiều người phạm tội là người có chức vụ quyền hạn trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Theo nội dung kết luận điều tra thì có một số trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không đề cập xử lý, có những trường hợp hành vi có dấu hiệu phạm tội nhưng cũng không đề nghị truy tố, có những trường hợp đề nghị miễn trách nhiệm hình sự...

Trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi xảy ra tại Công ty Việt Á. Cơ quan điều tra xác định ông N.T.S cựu Thứ trưởng Bộ y tế có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không có vụ lợi, không có động cơ cá nhân nên không đề nghị xử lý hình sự. Tương tự, ông T.Q.C, cựu Thứ trưởng Bộ y tế cũng được xác định có sai phạm nhưng cũng không đề nghị xử lý hình sự. Ông C.N.A, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, cựu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, nhận số tiền 200.000 USD của P.Q.V, Giám đốc công ty Việt Á nhưng cũng không bị xử lý về tội nhận hối lộ hay tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngoài ra, còn nhiều người khác trong vụ án này được nêu tên cũng có hành vi vi phạm pháp luật nhưng cơ quan điều tra xác định hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, tính chất nguy hiểm không đáng kể, có thể được miễn trách nhiệm hình sự, do chính sách khoan hồng của pháp luật nên không đề cập xử lý...

Vậy pháp luật quy định như thế nào đối với những trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng không bị xử lý hình sự?

Dưới góc độ pháp lý thì một nguyên tắc chung là mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý trừ trường hợp người vi phạm không đủ năng lực về chủ thể, được loại trừ, được miễn trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật. 

Trong lĩnh vực hình sự thì người nào đủ năng lực hành vi dân sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự, xâm phạm đến các khách thể mà luật hình sự bảo vệ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật, hành vi phạm tội sẽ được thực hiện trên các nguyên tắc của pháp luật, theo trình tự thủ tục luật định một cách rất khoa học, chặt chẽ. Theo đó, trong lĩnh vực hình sự thì chỉ có những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ và thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì mới bị xử lý hình sự. Có những trường hợp hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng cũng có thể được chuyển hướng xử lý bằng biện pháp khác, được loại trừ trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, bị phạt tù nhưng cho hưởng "án treo", theo quy định của pháp luật trên cơ sở nguyên tắc phân hóa, phân loại, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật. Mỗi trường hợp, mỗi khái niệm này là một vấn đề pháp lý được quy định trên cơ sở lý luận về khoa học pháp lý một cách logic, chặt chẽ, có lý luận chứ không phải là sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật, dẫn đến mất công bằng, bình đẳng.

Bản chất của hình phạt không chỉ là để trừng trị, trừng phạt đối với người có tội mà mục tiêu cao nhất là cải tạo, giáo dục, tác động đến ý thức của người phạm tội và ý thức chung của xã hội, tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, cải tạo người phạm tội trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Bởi vậy, có áp dụng chế tài hay không, áp dụng chế tài nào, mức độ ra sao cuối cùng cũng chỉ hướng đến mục đích là cải tạo, giáo dục người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và để răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội. 

Pháp luật hình sự Việt Nam quy định rất cụ thể, rõ ràng về tội phạm và hình phạt, quy định về các trường hợp thực hiện hành vi đến mức sẽ phải bị xử lý hình sự, mức độ xử lý, biện pháp xử lý để duy trì trật tự xã hội.

1. Thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không bị xử lý hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, có năng lực trách nhiệm hình sự xâm phạm đến khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ thì có thể được xác định là tội phạm. Cụ thể, Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: "Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự". 

Như vậy, theo quy định của bộ luật hình sự thì tội phạm là "hành vi" chứ không phải là "con người". Ai cũng có thể có hành vi tốt, hành vi xấu, hành vi phù hợp với quy định của pháp luật và những hành vi không phù hợp với quy định của pháp luật, thậm chí vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm pháp lý, nếu hành vi là nguy hiểm cho xã hội thì có thể được xác định là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi được xác định là tội phạm khi hành vi đó nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự (hoặc pháp nhân thương mại) thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, được quy định trong bộ luật hình sự là một tội danh cụ thể. Hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự là những hành vi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm về mặt chủ quan, mặt khách quan, về chủ thể và khách thể của tội phạm. Nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không thỏa mãn dấu hiệu về mặt chủ quan (như không có lỗi, không có động cơ mục đích bắt buộc theo quy định của pháp luật), hoặc chủ thể không có năng lực trách nhiệm hình sự (do không đủ tuổi hoặc không có khả năng nhận thức điều khiển hành vi của mình do yếu tố bệnh lý thì cũng không xử lý hình sự...) thì hành vi đó cũng không bị xử lý hình sự về không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Ngoài ra, hậu quả nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra nhưng không phải do hành vi của con người hoặc hành vi không có lỗi hoặc do chủ thể không đủ năng lực trách nhiệm hình sự hoặc hành vi chưa được quy định trong bộ luật hình sự thì cũng sẽ không xử lý hình sự trong trường hợp này.

Chính vì vậy, trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án của các cơ quan tiến hành tố tụng thì có những trường hợp đã nhận định rằng: Kết quả giải quyết vụ án cho thấy có người có hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm (về mặt chủ quan hoặc mặt khách quan hoặc về chủ thể) nên đã không đề cập xử lý hình sự. Với kết quả điều tra, truy tố, xét xử như vậy thì việc kết luận không xử lý hình sự là phù hợp với quy định của pháp luật. Theo nguyên tắc chứng minh trong tố tụng hình sự thì mọi tổ chức, cá nhân mặc nhiên là không có tội cho đến khi được chứng minh bằng chứng cứ, do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định. Một người chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án theo trình tự thủ tục luật định. Người phạm tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội, không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình... Đó là những nguyên tắc rất văn minh, tiến bộ được pháp luật hình sự và tố tụng hình sự Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Bởi vậy, nếu cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) không chứng minh được cá nhân, pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc có căn cứ cho thấy có hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không được pháp luật hình sự quy định thì cũng sẽ không xử lý hình sự. Đây là nguyên tắc về chứng minh, nguyên tắc suy đoán vô tội là những nguyên tắc cơ bản, là văn hóa pháp lý thể hiện trong các nền văn minh của nhân loại. Nguyên tắc này được áp dụng phổ biến trong tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay để bảo vệ quyền con người, quyền công dân. 

2. Thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đến mức phải xử lý hình sự nhưng không bị xử lý

Một nguyên tắc chung trong tố tụng hình sự là người phạm tội thì phải chịu hình phạt, trừ trường hợp được miễn hình phạt. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về một trong các tội danh được pháp luật hình sự quy định. Tuy nhiên, với nguyên tắc phân hóa, phân loại tội phạm, thể hiện chính sách khoan hồng nhân đạo, hướng đến mục đích áp dụng pháp luật hình sự hiệu quả, nhân văn thì pháp luật hình sự Việt Nam cũng quy định có những trường hợp hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm những người thực hiện hành vi vẫn có thể không bị xử lý hình sự, không được xác định là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác (có thể là biện pháp hành chính, biện pháp kỷ luật, do tính chất nguy hiểm không đáng kể). Cụ thể khoản 2, Điều 8 Bộ luật Hình sự quy định như sau: "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác".

Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không bị xử lý hình sự, được xác định không phải là tội phạm và sẽ xử lý bằng các biện pháp khác như biện pháp hành chính, biện pháp kỷ luật. Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng tính chất nguy hiểm không đáng kể, hậu quả đã được khắc phục, người thực hiện hành vi đã ăn năn hối cải, xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự, phải áp dụng chế tài hình sự cũng có thể cải tạo giáo dục được người vi phạm pháp luật thì cơ quan tố tụng quyết định không khởi tố vụ án hình sự phải không xử lý đối với trường hợp này. Có những trường hợp hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong vụ án có đồng phạm, hành vi là giúp sức, thứ yếu, thực hiện hành vi phạm tội do thực hiện mệnh lệnh, nhiệm vụ, bị phụ thuộc cấp trên, không có động cơ cá nhân, đã nhận thức được hành vi của mình, ăn lăn hối cải và có khả năng tự cải tạo giáo dục thì cũng không nhất thiết phải áp dụng chế tài hình sự, sẽ căn cứ vào khoản 2, Điều 8 bộ luật hình sự để xử lý bằng biện pháp khác. 

Không xử lý hình sự với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội với tính chất nguy hiểm không đáng kể là một tình huống pháp lý đặc biệt, khi áp dụng cần phải thận trọng trong việc phân tích đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi, nhân thân của người thực hiện hành vi, khả năng tự cải tạo giáo dục và đánh giá mức độ hậu quả mà hành vi đã gây ra đối với xã hội để xem xét có sử lý hay không xử lý hình sự để tránh oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm. Đây là vấn đề về lý luận đồng thời cũng là quy định của pháp luật trong việc thực hiện đường lối xử lý tội phạm, thực hiện chính sách xét xử hình sự vừa thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với những người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Pháp luật không cho phép lạm dụng quy định này để bỏ lọt tội phạm, tiêu cực hoặc hiểu sai tinh thần của pháp luật, áp dụng sai pháp luật. Việc không xử lý đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ khi hành vi đó có tính chất nguy hiểm không đáng kể, hậu quả gây ra cho xã hội không lớn hoặc hậu quả đã được khắc phục, người thực hiện hành vi đã nhận thức được sai phạm của mình, có khả năng tự cải tạo giáo dục (tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội không lớn) thì có thể áp dụng biện pháp khác để xử lý (như biện pháp hành chính, biện pháp kỷ luật) cũng có thể đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, đảm bảo công bằng trong việc xử lý vi phạm pháp luật, đạt hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. 

3. Trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không bị xử lý hình sự do được loại trừ trách nhiệm hình sự 

Một nguyên tắc chung là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự và phải chịu hình phạt. Tuy nhiên, pháp luật hình sự cũng có quy định có những trường hợp thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng thuộc các trường hợp pháp luật hình sự đã dự liệu từ trước là không cần thiết phải xử lý hình sự thì người thực hiện hành vi sẽ không bị xử lý hình sự, hay nói cách khác là được loại trừ trách nhiệm hình sự. 

Loại trừ trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không phải chịu trách nhiệm hình sự khi thuộc trường hợp mà pháp luật hình sự có quy định. Quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự là thể hiện sự phân hóa trách nhiệm đối với những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trên cơ sở các dấu hiệu cấu thành tội phạm và thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự cũng thể hiện sự công bằng pháp luật đối với hành vi, đối với nhận thức và đối với từng chủ thể trong từng hoàn cảnh. Quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự cho thấy tính khoa học, logic trong việc đánh giá sự việc, về khoa học pháp lý. Loại trừ trách nhiệm hình sự còn là cơ sở để bảo vệ quyền công dân, quyền con người, bảo vệ người yếu thế trong xã hội. 

Quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự sẽ thúc đẩy các chủ thể thực hiện các hành vi có lợi cho xã hội để bảo vệ bản thân mình, bảo vệ người khác, để tự do cống hiến đóng góp cho xã hội mà không lo ngại về hậu quả pháp lý nếu như rủi ro xảy ra.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự tại chương IV, bao gồm 07 trường hợp là: Sự kiện bất ngờ; Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; Phòng vệ chính đáng; Tính thế cấp thiết; Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên. Cụ thể như sau:

Điều 20. Sự kiện bất ngờ

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Điều 23. Tình thế cấp thiết

1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 25. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

1. Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

2. Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này.

Như vậy, trong trường hợp cơ quan tố tụng xác định có hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng hành vi thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự thì sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi vi phạm pháp luật khác như vi phạm kỷ luật, vi phạm hành chính thì có thể xem xét xử lý nếu đến mức độ phải xử lý kỷ luật hoặc hành chính, còn trường hợp thực hiện hành vi nguy hiểm nhưng thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự thì không đủ căn cứ để khởi tố, truy tố, kết tội đối với chủ thể trong trường hợp này. 

4. Thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đến mức bị xử lý hình sự nhưng được miễn trách nhiệm hình sự

Trong thực tiễn, không ít những trường hợp chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, được coi là tội phạm nhưng việc xử lý hình sự đối với những trường hợp này là không cần thiết, không đạt được mục đích trong việc áp dụng pháp luật hình sự đã đề ra. Không cần phải áp dụng chế tài vẫn có thể cải tạo, giáo dục được người phạm tội, vẫn đảm bảo được mục đích trong việc răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, đồng thời thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật. 

Miễn trách nhiệm hình sự là hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm về chủ thể, về khách thể, về mặt chủ quan và mặt khách quan tuy nhiên trong một số trường hợp việc xử lý hình sự là không cần thiết, có thể miễn việc xử lý hình sự cho những người đó. 

Điều 29, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đại xá.

Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

 Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến các khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Tội phạm và hình phạt đều do nhà nước quy định trên cơ sở chính sách pháp luật hình sự, tội phạm là hành vi được quy định trong bộ luật hình sự. Trong khi đó, chính sách và pháp luật hình sự có thể thay đổi phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội hay nói cách khác là phụ thuộc vào tồn tại xã hội.  Chính vì vậy khi một hành vi được xác định là tội phạm, tuy nhiên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã có sự thay đổi về chính sách hoặc về pháp luật để xác định hành vi này không còn là nguy hiểm nữa, không còn là tội phạm được thì người thực hiện hành vi này không phải chịu trách nhiệm, sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Vì vậy, một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội ở thời điểm này, nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử chính sách pháp luật đã có sự thay đổi thì người đó có thể được miễn trách nhiệm hình sự;

Hoặc trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự nhưng có quyết định đại xá của chủ tịch nước thì cũng sẽ được miễn trách nhiệm hình sự;

Trường hợp quá trình điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm nữa ví dụ như họ mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y nghiêm trọng không còn khả năng nhận thức, không còn khả năng gây ra nguy hiểm cho xã hội thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự; 

Ngoài ra, trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt phải được nhà nước và xã hội thừa nhận thì cũng sẽ được miễn trách nhiệm hình sự;

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng do lỗi vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

5. Miễn hình phạt

Về nguyên tắc chung thì người phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ bị tòa án áp dụng một hình phạt tương xứng.

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, li ích của người, pháp nhân thương mại đó.

Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam bao gồm các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung. Trong đó, các hình phạt chính bao gồm 7 hình phạt là: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Trục xuất; Tù có thời hạn; Tù chung thân và Tử hình.

Hệ thống hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Nguyên tắc chung là người phạm tội thì sẽ phải bị áp dụng hình phạt, mỗi một tội sẽ tương ứng với một hình phạt chính và có thể có một hoặc nhiều hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, một số trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, không được loại trừ trách nhiệm hình sự, không được miễn trách nhiệm hình sự, vẫn bị xử lý hình sự nhưng có thể được miễn hình phạt, đây là chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật áp dụng đối với một số trường hợp đặc biệt. 

Miễn hình phạt là không buộc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước hay nói cách khác là người bị kết án không phải chấp hành hình phạt nghiêm khắc nhất

Khác với các khái niệm khác là với người phạm tội đã thoả mãn yêu cầu tội đã thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về các trường hợp miễn hình phạt tại các điều luật: Điều 59, Điều 88 và Điều 390.

Theo Điều 59, người bị kết án có thể được miễn hình phạt nếu thỏa mãn các điều kiện sau: Phải thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tức là người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 và phải là người giúp sức, phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm mà có vai trò không đáng kể); người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt và người phạm tội chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, so với quy định miễn hình phạt tại Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 1999 trước đây thì quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 được hiểu là người phạm tội phải thỏa mãn điều kiện được quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì mới được miễn hình phạt.

Theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì: Pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Khoản 2 Điều 390 chỉ rõ: Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Với tội phạm về tham nhũng và chức vụ thì cũng có thể căn cứ vào Điều 5, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao để xem xét áp dụng miễn hình phạt cho một số trường hợp, cụ thể như sau: 

"3. Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;

b) Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;

c) Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;

d) Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra."

Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật hình sự Việt Nam quy định rất cụ thể các trường hợp xử lý hình sự, hành vi chưa đến mức phải bị xử lý hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt. Tương ứng với từng hành vi cụ thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi, hậu quả xảy ra, đặc điểm của chủ thể, nhận thức của chủ thể, mục tiêu cải tạo giáo dục, căn cứ vào chính sách pháp luật thì sẽ phân ra thành những trường hợp nào sẽ xử lý, trường hợp nào không xử lý và mức độ, hình thức xử lý như thế nào cho phù hợp. Để áp dụng pháp luật hình sự đúng đắn, khoa học, khách quan, đảm bảo hiệu lực hiệu quả trong việc áp dụng pháp luật thì đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải am hiểu một cách sâu sắc về mặt lý luận cũng như hiểu rõ, hiểu đúng các quy định của pháp luật thì mới không oan sai và không bỏ lọt tội phạm. 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338

Tags
Chính sách xử lý tội phạm Pháp luật hình sự Việt Nam Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội Hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng không bị xử lý hình sự Thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không bị xử lý hình sự Bị xử lý hình sự nhưng được miễn trách nhiệm hình sự Miễn hình phạt bộ luật hình sự Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP Trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự Sự kiện bất ngờ Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự Phòng vệ chính đáng Tình thế cấp thiết Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội Rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên Dịch vụ luật sư Dịch vụ pháp lý luật sư Đồng luật sư nguyễn văn đồng luật sư khuyên luật sư hà thị khuyên Nhân chính Nhanchinh.vn Luật Nhân Chính Văn phòng Luật sư Nhân Chính Tư vấn luật Tư vấn pháp luật Tìm luật sư giỏi luật sư luật sư giỏi Luật sư tại Hà Nội Luật sư uy tín Luật sư Quận Thanh Xuân Luật sư Hà Nội luật sư việt nam luật sư tranh tụng Luật sư tố tụng Luật sư giải quyết tranh chấp luật sư bào chữa Luật sư hình sự Luật sư dân sự Luật sư giải quyết án hành chính Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp Luật sư đất đai Luật sư nhà đất Luật sư tư vấn đất đai Luật sư thừa kế Luật sư Ly hôn Luật sư thu hồi nợ Luật sư kinh doanh thương mại Luật sư doanh nghiệp luật sư lao động Văn phòng luật Văn phòng luật sư Văn phòng luật sư uy tín Văn phòng luật sư gần nhất Văn phòng luật sư uy tín tại Hà Nội NCLAW 0983951338 0936683699