Language:
Được nhờ mang xe ô tô đi đăng kiểm nhưng mang xe đi bán, đối tượng sẽ bị xử lý ra sao?
27/03/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Công an quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) cho biết đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý Đ.T.D (trú Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Trước đó, khoảng 21h30 ngày 24/03/2023, Đội cảnh sát hình sự Công an quận Liên Chiểu tiếp nhận trình báo của ông Đ.V.B. (trú xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội, làm nghề mua bán ôtô cũ) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Link thông tin https://zingnews.vn/ban-xe-cua-nguoi-quen-nho-di-dang-kiem-post1415089.html)

 
Phóng viên hỏi với hành vi trên đối tượng sẽ bị xử lý ra sao?
 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, trong vụ án này cơ quan điều tra cần làm rõ ý thức chủ quan của người giao xe nhờ đi đăng kiểm hộ tại sao lại có sự tin tưởng đối tượng đến vậy? Mối quan hệ của người giao xe nhờ đi đăng kiểm hộ và đối tượng Đ.T.D là như thế nào, giữa hai người họ có bàn bạc thống nhất gì không, tại sao lại giao giấy tờ xe mà không giao xe cho D, 02 chiếc xe hiện tại đang ở đâu, do ai quản lý… để làm rõ có vai trò đồng phạm giữa người giao xe và D hay không.

 

Hành vi của đối tượng D có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tại sản theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015, trong trường hợp này đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối, thông tin không có thật về 02 chiếc xe trên và những chiếc xe khác để người mua tin rằng đây là tài sản hợp pháp của đối tượng, từ đó người mua tin tưởng và giao tiền cho đối tượng, hành vi này đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Với tình tiết chiếm đoạt số tiền trên 500 triệu thì đối tượng có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

 

Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quan hệ sở hữu tài sản. Hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành động “chiếm đoạt” nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối ở đây có thể được thể hiện bằng nhiều hành vi và cách thức khác nhau nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đối với tài sản bị chiếm đoạt để chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội. Tuy nhiên, hành vi thể hiện thủ đoạn gian dối chỉ là phương thức để người phạm tội thực hiện mục đích của mình là “chiếm đoạt tài sản” chứ không phải là hành vi khách quan.

 

Đối với loại tội này, hành vi chiếm đoạt mới là hành vi khách quan của tội phạm. Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thủ đoạn gian dối của người phạm tội luôn luôn phải có trước khi người bị hại giao tài sản cho người phạm tội. Mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi gian dối là nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản. Có thể nói thiệt hại về tài sản là căn cứ để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338