Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Để Luật sư và nghề luật sư có được một chỗ đứng xứng tầm trong xã hội như ngày hôm nay, không thể không kể đến công lao đóng góp to lớn của những thế hệ luật sư cha anh đi trước, những người đã đặt nền móng cho Luật sư, nghề luật sư Việt Nam phát triển và hội nhập. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của từng giai đoạn lịch sử, nhưng ở giai đoạn nào những sự kiện nổi bật của đất nước đều có dấu ấn không hề nhỏ của luật sư; từ tham gia phản biện xã hội, xây dựng chính sách pháp luật, cho đến hiến kế phát triển kinh tế - xã hội. Và đến nay, có thể nói luật sư là đội ngũ trí thức tiêu biểu nhất, có nhiều đóng góp lớn cho Đảng và Nhà nước; ngoài ra hằng năm một một lực lượng cán bộ thuộc cơ quan tố tụng như Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước… khi nghỉ hưu mong muốn tiếp tục được cống hiến cho nghề luật sư, bởi vậy mà đội ngũ luật sư ngày càng lớn mạnh, phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.
Nghề luật sư! nghề của “Hiện thựuc” và “Lý tưởng”, người luật sư là người đứng giữa cái lằn ranh ấy, cái “Lý tưởng” là hệ thống giá trị mà luật sư muốn hướng tới đó là một xã hội thượng tôn pháp luật, một xã hội mà ở đó người dân biết sử dụng công cụ luật pháp để giải quyết tranh chấp, giải quyết mâu thuẫn; cơ quan tố tụng là Tòa án, Viện kiểm sát, Công an luôn tôn trọng sự xuất hiện của luật sư trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc. Nhưng hiện thực thì sao? “Hiện thực” là những khó khăn, những thách thức hiện tại luật sư đang phải đương đầu hằng ngày, nó khác xa hoàn toàn với lý tưởng đẹp đẽ mà luật sư đang hướng tới và mong muốn hướng tới, bởi hằng ngày một bộ phận luật sư vẫn bị “cản trở” khi hành nghề, “bị gây khó dễ” khi tiếp cận hồ sơ vụ án, vụ việc của thân chủ tại một số cơ quan như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… mặc dù quyền của luật sư đã được luật quy định rất rõ. Đơn cử như quy định tại Khoản 4, Điều 78 Bộ luật Tố tụng Hình sự (2015) trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ “Thủ tục đăng ký bào chữa” thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải vào sổ đăng ký bào chữa và gửi ngay văn bản thông báo cho người bào chữa, quy định của luật là vậy nhưng thực tế nhiều luật sư trong quá trình hành nghề đã bị cấp giấy muộn, bị từ chối thủ tục đăng ký bào chữa; hay việc tiếp cận hồ sơ vụ án, mặc dù luật đã cho phép nhưng hầu như trong giai đoạn điều tra của cơ quan công an luật sư rất khó để được tiếp cận để sao chụp hồ sơ phục vụ cho quá trình nghiên cứu hồ sơ và kiến nghị kịp thời, chỉ sau khi có kết luận điều tra thậm chí cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát và Tòa án thì khi ấy Luật sư mới được tiếp cận để sao chụp hồ sơ vụ án để phục vụ cho quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án của mình.
Đó chỉ là một vài khó khăn, thách thức được tôi nhắc đến trong quá trình luật sư hành nghề, trên cả nước hằng ngày vẫn còn rất nhiều, rất nhiều anh chị em đồng nghiệp mong muốn được phản ánh những khó khăn, thách thức mà bản thân đã phải đương đầu khi hành nghề luật sư. Những tưởng khó khăn, thách thức ấy có thể làm chuồn bước luật sự. Nhưng không! chính những khó khăn, những thách thức ấy như một bài học, một chướng ngại vật phải vượt qua và mỗi lần vượt qua chướng ngại vật đó luật sư như trưởng thành hơn, có thêm ý chí nghị lực để tiếp tục hành nghề, hướng tới những giá trị tốt đẹp của nghề luật sư. Bởi vậy tôi mới khẳng định, nghề luật sư nghề của một bên là “Lý tưởng” và một bên là “Hiện thực”, người luật sư như một “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, người dám đứng lên đấu tranh chống cái xấu, cái sai trái trong xã hội, người dám nói lên tiếng nói của bản thân và tiếng lòng của thân chủ.
Giữa khó khăn của “tâm bão Covid-19” tôi chưa bao giờ thấy đất nước chúng ta phải gồng mình lên chống chọi với nhiều khó khăn và đương đầu với nhiều mất mát đến vậy. Đội ngũ luật sư luôn đồng lòng cùng Chính phủ và người dân trên cả nước chung tay giải quyết các khó khăn của đại dịch, chiến thắng đại dịch; từ khi có Chỉ thị của Thủ tướng (từ năm 2020) và Chỉ thị, Công điện của UBND đội ngũ luật sư không chỉ tham gia công tác chống dịch ở các tổ chống dịch cộng đồng, mà còn tham gia hiến kế cho thành phố chống dịch, tham gia công tác tuyên truyền tại nơi ở, đóng góp tiền gây quỹ hỗ trợ người dân, kêu gọi các nhà từ thiện hỗ trợ kịp thời cho người dân khu vực khó khăn… Và khi dịch bệnh cả nước có chiều hướng giảm, thể hiện qua việc điều chỉnh giãn cách xã hội để chung tay với cả nước phục hồi nền kinh tế, luật sư chúng tôi luôn đồng hành cùng Chính phủ và người dân, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp: từ tư vấn giải đáp về các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng covid-19; tư vấn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi covid-19; tư vấn hướng giải quyết cho các bên tranh chấp hợp đồng thuê nhà, thuê mặt bằng kinh doanh trong thời điểm covid-19; tư vấn về dừng việc, mất việc do covid-19 cho công nhân… đó là những chuỗi công việc tôi và các luật sư đồng nghiệp từng trải qua trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh đến nay. Bản thân tôi cho rằng, dịch bệnh tuy nó làm đất nước khó khăn hơn, nhưng nó không thể làm khó được ý chí và tinh thần người Việt, nó là cơ hội giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn, giúp chúng ta cùng chung tay đoàn kết đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong thời gian tới tôi và anh chị em đồng nghiệp rất mong muốn Đảng, Chính Phủ tiếp tục có những chính sách thúc đẩy nghề luật sư phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tổ chức giao lưu học hỏi với luật sư các nước phát triển để hội nhập quốc tế; các bộ ngành, cơ quan tại trung ương và địa phương cùng phối hợp với đội ngũ luật sư để hiến kế phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước đi lên. Nhân Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10), ngày để chúng ta tri ân và nhìn lại những đóng góp của đội ngũ luật sư cho xã hội nói chung và cho ngành tư pháp nói riêng. Tôi xin được chúc cho anh chị em đồng nghiệp luôn hăng say trong công việc; luôn phát huy được bản lĩnh, trí tuệ, sự kiên cường trong mọi hoàn cảnh để chung tay cùng đưa vai trò vị thế luật sư và nghề luật sư hội nhập quốc tế, phát triển lên một tầm cao mới!