Language:
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bị bắt liên quan “chuyến bay giải cứu”. Góc nhìn pháp lý?
01/01/2023
icon-zalo

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường

 

Tối ngày 31/12/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Văn T, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, về tội Nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật Hình sự. Quyết định tố tụng được ban hành khi Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tổ bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với bị can Trần Văn T. (Link thông tin https://tuoitre.vn/bat-pho-chu-tich-ubnd-tinh-quang-nam-lien-quan-vu-chuyen-bay-giai-cuu-20221231122514326.htm)

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi nhận hối lộ của ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam là nhận gì, nhận của ai, để thực hiện công việc nào theo yêu cầu của người đưa hối lộ, đồng thời làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội để làm căn cứ giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

 

Như vậy, là thêm một cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh bị khởi tố liên quan đến vụ án đưa công dân Việt Nam về nước, điều đáng chú ý là tội danh mà ông này bị khởi tố là tội nhận hối lộ với mức hình phạt rất nghiêm khắc, mức hình phạt cao nhất mà bộ luật hình sự quy định về tội nhận hối lộ là tù chung thân hoặc tử hình.

 

Vụ án hình sự "chuyến bay giải cứu" hay còn gọi là vụ án đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để phòng chống dịch bệnh covid-19 (tránh dịch) là một trong những vụ án lớn, phức tạp, có nhiều cán bộ có chức vụ quyền hạn cao về đảng và nhà nước bị khởi tố, điều tra về nhiều tội danh khác nhau. Vụ án hình sự xảy ra tại bộ ngoại giao và một số cơ quan tổ chức liên quan đến việc đưa công dân Việt Nam về nước được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố từ tháng 01/2021 về tội Nhận hối lộ.

 

Đến nay, sau một năm điều tra, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 38 bị can về 5 tội danh khác nhau trong đó có các tội danh như tội Nhận hối lộ, tội Đưa hối lộ, tội Môi giới hối lộ, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ... và đến nay thì vụ án vẫn tiếp tục được mở rộng điều tra, chưa có dấu hiệu dừng lại. Đến nay, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Văn T, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, về tội Nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật Hình sự.

 

Vào bối cảnh năm 2020 dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, thời điểm đó Việt Nam phòng chống dịch bệnh rất hiệu quả, an toàn bằng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt nên rất nhiều công dân Việt Nam có nhu cầu về nước để tránh dịch. Thực tế đã có doanh nhân đã chi phí số tiền rất lớn để thuê một chuyến bay từ nước ngoài để chở con gái về nước. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài rất hoang mang khi nhiều quá quốc gia phòng chống dịch bệnh thời điểm đó không hiệu quả, số người tử vong nhiều, các bệnh viện quá tải, chi phí chữa trị lớn. Chính vì vậy nguyện vọng mong muốn của đồng bào Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài là được về "Đất mẹ" tránh dịch là nhu cầu và nguyện vọng chính đáng. Với chính sách bảo hộ công dân thì bộ ngoại giao là cơ quan có trách nhiệm chính, trực tiếp để phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác thực hiện kế hoạch đưa công dân Việt Nam về nước trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Bởi vậy, việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước tránh dịch trong thời điểm đó là chủ trương chính sách đúng của đảng và nhà nước. Để tổ chức đưa công dân ở nước ngoài về nước phòng chống dịch bệnh thì đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ban, ngành đoàn thể và nhiều doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động dịch vụ hàng không.

 

Trong bối cảnh đó thì nhu cầu công dân Việt Nam về nước rất lớn, trong khi đó khả năng tiếp nhận công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước có giới hạn do điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa, phòng dịch còn nhiều khó khăn, có nhiều lúc quá tải. Chính vì vậy, khi nhiều người muốn về nước mà số người được tiếp nhận hạn chế nên đã phát sinh nhiều nguy cơ tiêu cực xảy ra như: Nhiều công dân sẵn sàng chi số tiền lớn để được ưu tiên về nước; nhiều người đã vận dụng các mối quan hệ và thậm chí cả chi tiền để được về nước sớm nhất, được đảm bảo điều kiện phòng dịch tốt nhất; nhiều người muốn được chi tiền để có điều kiện ăn ở, cách ly tốt nhất... trong bối cảnh đó thì việc quyết định đưa công dân nào về nước, ở đâu về nước, cách ly như thế nào là những nhiệm vụ quan trọng trong phòng chống dịch bệnh.

 

Mặc dù ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống covid-19 đã có nhiều quy định, trong đó có quy định về thứ tự yêu tiên, các thủ tục biện pháp cách ly, đưa công dân nước ngoài về nước... Tuy nhiên dịch bệnh xảy ra quá bất ngờ, chưa có tiền lệ nên đôi khi những quyết định chưa kịp thời, chưa hợp lý. Việc nhận quà biếu xảy ra với hầu hết các cơ quan và nhiều cán bộ, trong thời điểm dịch bệnh vẫn có một số cán bộ nhận quà biểu tượng doanh nghiệp... một số cơ quan, tổ chức có chức năng nhiệm vụ đưa công dân về nước cũng đã có những sai phạm trong việc nhận tiền, quà, lợi dụng chức vụ để trục lợi từ những chuyến bay đưa công dân về nước dẫn đến bức xúc trong dư luận và cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, sau đó đã khởi tố vụ án hình sự đưa nhận hối lộ và điều tra mở rộng.

 

Một quy luật chung là khi chênh lệch quan hệ "cung - cầu", khi quyền lực của người này có thể quyết định đến sinh mệnh và cơ hội của người khác thì có nguy cơ cao phát sinh tiêu cực. Để bảo toàn mạng sống, để có cơ hội về nước, để thực hiện các chuyến bay dịch vụ thì nhu cầu đưa hối lộ rất lớn. Trong bối cảnh đó nếu cán bộ không giữ được mình, nhận quà trái quy định, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi thì hành vi phạm tội xảy ra là tất yếu. Trong số rất nhiều bị can bị khởi tố trong vụ án này thì có những bị can được đánh giá rất cao về năng lực chuyên môn, về đạo đức công vụ và có những cống hiến đóng góp lớn cho đất nước. Vụ việc xảy ra ở nhiều cơ quan trong đó có bộ ngoại giao, bộ công an, bộ giao thông vận tải, bộ nội vụ, bộ y tế và ở nhiều địa phương... trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều đại sứ Việt Nam ở nước ngoài về nước bởi liên quan đến việc tiếp xúc trực tiếp giữa đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài với công dân Việt Nam ở nước ngoài khi lập danh sách về những người có nhu cầu về nước tránh dịch; đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ tổ chức đưa công nhân Việt Nam ở nước ngoài về nước; đối với các tổ chức thực hiện dịch vụ hàng không đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước và đối với các địa phương khi tổ chức cách ly, tiếp nhận công dân ở nước ngoài về nước.

 

Với các địa phương thì khả năng phòng dịch, khả năng tiếp nhận công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức đưa công dân ở nước ngoài về nước tránh dịch. Bởi vậy, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng lãnh đạo một số địa phương đã lợi dụng quyền hạn trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam ở nước ngoài, lợi dụng quyền quyết định đến việc điều kiện cách ly, thủ tục cách ly, các chế độ cách ly y tế và các thủ tục, biện pháp hành chính để trục lợi.

 

Bởi vậy, đối với ông Trần Văn T, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ chức vụ, quyền hạn của ông này ở thời điểm sự việc xảy ra, sẽ làm rõ ông này đã nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất nào của cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

 

Theo quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự thì hành vi nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ quyền hạn, đã trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của tổ chức cá nhân để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hành vi đưa hối lộ có thể bị xử lý hình sự theo điều 364 Bộ luật Hình sự với chế tài cao nhất có thể tới 20 năm tù, còn người nhận hối lộ sẽ bị xử lý theo điều 354 Bộ luật Hình sự với chế tài nghiêm khắc là phạt tù thấp nhất là 02 năm tù, cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

 

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nhận hối lộ của ai? giá trị tài sản là bao nhiêu? và để thực hiện công việc gì? Đặc biệt là cần phải làm rõ việc nhận lợi ích vật chất này có sự thỏa thuận như thế nào với người đưa hối lộ? Nếu vì lợi ích vật chất để thực hiện sai công vụ gây thiệt hại thì chỉ bị xử lý về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nếu nhận lợi ích vật chất, nhận quà trái quy định nhưng không làm trái công vụ và không thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa quà thì hành vi này không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, người nhận quà trái quy định thì chỉ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của đảng. Để chứng minh người có chức vụ quyền hạn phạm tội nhận hối lộ thì cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh đã có hành vi nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của tổ chức, cá nhân để thực hiện theo yêu cầu của người đưa hối lộ, ở đây là phải có sự "thoả thuận" giữa người có chức vụ quyền hạn và người khác để thực hiện công việc theo yêu cầu theo kiểu "đổi chác", đổi quyền lực nhà nước lấy lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên...

 

Đối với ông Phó chủ tịch UBND tỉnh, là người có chức vụ quyền hạn cao trong bộ máy chính quyền địa phương nên việc khởi tố, điều tra, xử lý cần phải thận trọng trên cơ sở các chứng cứ được thu thập hợp pháp để chứng minh tội phạm. Đồng thời, với việc bị xử lý hình sự thì vị cán bộ này cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật về đảng và kỉ luật về mặt chính quyền nếu như có căn cứ cho thấy đã suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, có hành vi nhận hối lộ.

 

Bên cạnh vụ Việt Á thì vụ đưa công dân nước ngoài về nước là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến nhiều người có chức vụ quyền hạn, có nhiều cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước, nhiều người đứng đầu các cơ quan tổ chức ở địa phương.

 

Vụ án này là kết quả của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà đảng và nhà nước ta đang phát động trong giai đoạn hiện nay để giữ gìn niềm tin của Đảng trước nhân dân, làm trong sạch bộ máy nhà nước. Xét ở góc độ tư tưởng, chính trị, về công tác cán bộ thì đây cũng là vụ vụ việc hết sức đau lòng, việc xử lý vụ án này gây ra nhiều hệ lụy lâu dài cho xã hội và những bài học lớn về công tác cán bộ.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338