Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu quy định chung về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung cơ bản về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật này. Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong phạm vi cả nước hoặc trong đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định tại Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Chính sách là tập hợp các giải pháp cụ thể của Nhà nước để giải quyết một hoặc một số vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng.
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu Nghị định 79/2025/NĐ-CP về kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định này quy định chi tiết Điều 63, Điều 64 và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Luật) về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền là phương thức do cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra đối với văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra. Tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là phương thức do cơ quan, người đã ban hành văn bản thực hiện kiểm tra đối với văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc liên tịch ban hành. Cơ quan kiểm tra văn bản là cơ quan có trách nhiệm giúp cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 14, khoản 1 Điều 15 và khoản 2 Điều 60 của Nghị định này, bao gồm: Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính thuộc Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp.