Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Trong vụ án liên quan Công ty AIC, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa tuyên án với 36 bị cáo trong vụ AIC, trong số bị cáo này có 08 bị cáo bị tuyên án vắng mặt, trong đó có cựu chủ tịch Công ty AIC. Phía Tòa án thông báo, trong 15 ngày, các bị cáo có quyền kháng cáo với các quyết định của cấp sơ thẩm. Trong vụ án này, ngoài bị cáo Nguyễn Đăng Th đang ở Mỹ, được toà chấp nhận qua luật sư bào chữa. Bạn đọc có một số câu hỏi cần luật sư giải đáp.
1. Việc các bị cáo bỏ trốn có mất quyền kháng cáo không? Pháp luật quy định ra sao với trường hợp này?
2. Trong tình huống, các bị cáo bỏ trốn thì có được thông qua người đại diện, người bào chữa hay tự mình gửi kháng cáo không?
3. Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật do không bị kháng cáo, kháng nghị, thì thi hành bản án đối với các bị cáo ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, theo quy định tại tiểu mục 1 Mục I Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao, tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định những chủ thể có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm gồm: Bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại; Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
Và những chủ thể khác như nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Đối chiếu các quy định nêu trên thì chỉ có bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật), người bào chữa của bị cáo mới có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Do đó, trường hợp các bị cáo đang trốn truy nã hoặc vắng mặt thì người thân thích, người bào chữa không thể thay bị cáo đang trốn truy nã, bị cáo đang vắng mặt thực hiện quyền kháng cáo được. Vì vậy, việc trốn truy nã và vắng mặt thì ít nhiều bị cáo sẽ bị ảnh hưởng làm hạn chế tới quyền kháng cáo. Theo quy định tại Điều 343 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Bị cáo vắng mặt có thể gửi đơn kháng cho tòa án trong thời hạn kháng cáo, tuy nhiên đơn kháng cáo có được phía tòa án chấp thuận hay không thì phải đợi quyết định của toà án, trường hợp Viện Kiểm sát kháng nghị bản án thì bản án cũng sẽ chưa có hiệu lực pháp luật.
Theo Khoản 1 Điều 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự “vắng mặt tại phiên tòa” thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật. Trường hợp vụ án AIC có thể cơ quan tố tụng sẽ tiến hành niêm yết bản án theo quy định do trong vụ án có nhiều bị cáo đang trốn truy nã, xin xét xử vắng mặt.
Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật do không bị kháng cáo, kháng nghị, thì thi hành bản án đối với các bị cáo được thực hiện như sau:
Theo quy định tại khoản 2, Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt trong các trường hợp bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Nếu xét xử trong những trường hợp này thì việc thi hành bản án có hiệu lực pháp luật sau khi được tuyên sẽ có những quy định cụ thể như sau.
Đối với bị cáo bị truy nã mà việc truy nã không có kết quả - không biết bị cáo đang ở đâu, thì khi nào bắt được bị cáo hoặc bị cáo đầu thú thì sẽ phải thi hành bản án mà tòa án đã tuyên.
Còn đối với bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa, bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được hội đồng xét xử chấp thuận, nhưng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật các bị cáo này không chấp hành thì trường hợp này sẽ bị dẫn độ theo quy định của Luật Tương trợ Tư pháp, thông qua hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước sở tại.
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, phạm vi hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và theo nguyên tắc có đi có lại, phù hợp pháp luật và tập quán quốc tế, không trái pháp luật Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 32 Luật Tương trợ Tư pháp năm 2007 quy định về “dẫn độ để thi hành án hình sự” thì Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao thi hành án đối với người đó.
Vì thế cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để thi hành án.
Trong vụ án AIC các bị cáo bị truy nã, khi đưa ra xét xử có bị cáo đã liên lạc với gia đình, luật sư bào chữa và tòa án xin xét xử vắng mặt, cũng có bị cáo bị truy nã nhưng không biết đang ở đâu, thì sau khi bản án do Toà án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên có hiệu lực pháp luật, thì sẽ được thực hiện theo các quy định trên.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338