Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Phóng viên hỏi luật sư: Thưa luật sư, Luật Đất đai năm 2024 quy định những hành vi bị nghiêm cấm có quy định nghiêm cấm “Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai”. Vậy cụ thể ý nghĩa của quy định này là gì?
Luật sư trả lời phỏng vấn:
Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật Đất đai năm 2024 là đạo luật có nhiều thay đổi tích cực về mọi mặt, điều đáng chú ý là trong 11 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai được quy định tại Điều 11 của Luật Đất đai năm 2024, thì có quy định nghiêm cấm “Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai”. Tôi cho rằng đây là quy định rất đúng đắn, đến nay áp dụng quy định này tuy muộn nhưng còn hơn là không thực hiện.
Theo quy định tại Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 thì “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Hiện nay trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục, việc làm… chúng ta đã thực hiện mạnh mẽ công tác bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề giới vào các lĩnh vực này để thúc đẩy bình đẳng giới thực chất trong đời sống, giúp cả hai giới nam và nữ đều có cơ hội ngang bằng nhau về vị thế, vai trò, công sức đóng góp, tiếp cận các cơ hội và thụ hưởng các thành quả.
Tương tự như vậy, trong lĩnh vực đất đai việc quản lý, sử dụng đất đai lâu nay chưa chú trọng vấn đề lồng ghép giới, chưa thực hiện bình đẳng giới nên dẫn tới còn tình trạng phân biệt giới, bất bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất. Có thể kể đến một thời gian dài chúng ta cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên một người, mặc dù quyền sử dụng đất đó là tài sản chung vợ chồng, được vợ chồng tạo lập chung; rồi thành viên gia đình cản trở nhau trong việc quản lý, sử dụng đất; vợ, chồng, anh chị em trong gia đình cản trở nhau tiếp cận chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; phân biệt giới tính trong việc chỉ để lại quyền sử dụng đất cho con trai, mà con gái không được chia quyền sử dụng đất; con gái đi lấy chồng không được chia quyền sử dụng đất; đất chỉ để lại cho nam giới tiếp quản để thờ cúng truyền nối; phân chia di sản thừa kế liên quan đến di sản là đất đai cũng không ngang bằng nhau giữa con trai và con gái trong gia đình… Đây là những hành vi vẫn còn tồn tại trong thực tế dẫn đến bất bình đẳng giới trong sử dụng, quản lý quyền sử dụng đất. Vì thế, khắc phục những tồn tại này Luật Đất đai năm 2024 đã hướng tới lồng ghép vấn đề giới để góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, giúp cả hai giới (nam và nữ) tiếp cận tốt hơn các chính sách đất đai của Nhà nước, công bằng và bình đẳng trong quyền quản lý đất đai, sử dụng đất đai.
Đến nay, mặc dù hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật dân sự, thừa kế, hôn nhân và gia đình, đất đai, bình đẳng giới… đã trực tiếp và gián tiếp đề cập, quy định rõ vấn đề giới để thi hành trong thực tiễn đời sống. Tuy nhiên, đến nay Luật Đất đai năm 2024 mới có quy định cụ thể, tôi cho rằng nếu cần thiết thì quy định nghiêm cấm “Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai” cần có hướng dẫn chi tiết để thi hành và quy định rõ hành vi cụ thể nào về phân biệt đối xử về giới trong quản lý và sử dụng đất đai sẽ bị xử lý, mức độ hành vi này tới đâu và chế tài xử lý là gì để tổ chức thực hiện trong thực tiễn không gặp vướng mắc.
Trân trọng cảm ơn luật sư đã tham gia phỏng vấn!