Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Câu hỏi bạn đọc: Trước khi bà tôi mất, bà tôi có lập 03 bản di chúc vào các thời điểm khác nhau với cùng một ngôi nhà để lại cho các con. Vậy, theo quy định pháp luật, một người có được lập nhiều di chúc với một tài sản không và bản di chúc nào sẽ có hiệu lực?
Giải đáp của Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Theo quy định pháp luật Di chúc bằng văn bản là loại di chúc được lập dưới dạng chữ viết (viết tay hoặc đánh máy) có chứng nhận hoặc không có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nhà nước. Căn cứ quy định tại Điều 628 Bộ luật dân sự 2015, theo đó di chúc bằng văn bản có 4 loại, bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản công chứng và di chúc văn bản chứng thực.
Mỗi loại di chúc phải thỏa mãn các điều kiện luật định, cụ thể: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng quy định tại Điều 633 Bộ luật dân sự năm 2015; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng quy định tại Điều 634 Bộ luật dân sự 2015; Di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực quy định tại Điều 635 Bộ luật dân sự 2015. Người lập di chúc khi lập, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ cần nắm được các quy định này thì việc lập, sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ mới có hiệu lực pháp luật.
Tại Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Từ quy định pháp luật nêu trên, luật không cấm một người lập nhiều di chúc cho tài sản. Trong trường hợp một tài sản được nhắc đến trong nhiều bản di chúc thì chỉ bản di chúc sau cùng sẽ được xem là có hiệu lực.
Ngoài ra, đối với loại đi chúc có công chứng hoặc chứng thực, theo quy định tại Điều 56 Luật Công chứng năm 2014, khi một di chúc được công chứng, chứng thực sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào thực hiện. Như vậy, người lập di chúc cũng có thể sửa đổi, bổ sung di chúc đã lập bất cứ lúc nào hoặc lập di chúc mới thay thế cho bản cũ.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338