Language:

Mất tích

Khi nào thì nên trình báo một người bị mất tích?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 thì một người chỉ được coi là bị mất tích khi có quyết định của tòa án tuyên bố người đó mất tích. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích (Điều 70)
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, tại Điều 70 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích. Theo đó, khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó. Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật. Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.