Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin ban đầu cho thấy, năm 2010 Công ty TP Hưng Yên (trong bài viết này tên tổ chức đã được khuyết danh) được UBND tỉnh Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng khách sạn và nhà ở liền kề trên địa bàn phường An Tảo, TP.Hưng Yên, mặc dù chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vị Tổng giám đốc Công ty TP Hưng Yên đã chuyển nhượng nhiều thửa đất tại Dự án xây dựng khách sạn, nhà liền kề tại TP.Hưng Yên.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên nhận định, vị Tổng giám đốc Công ty TP Hưng Yên bằng thủ đoạn gian dối đã chuyển nhượng nhiều thửa đất tại dự án bằng hình thức lừa đảo huy động vốn của các cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận địa phương thời gian qua, xâm phạm nghiêm trọng tới lợi ích của nhà nước và lợi ích của người dân, số tiền chiếm đoạt của các bị hại rất lớn, vì vậy hành vi của đối tượng và đồng phạm cần bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Về mặt tố tụng, việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với vị Tổng giám đốc Công ty TP Hưng Yên để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của bị can phục vụ điều tra là có căn cứ pháp luật, đúng thẩm quyền, đúng trình tự và thủ tục tố tụng.
Về mặt tội danh, bằng thủ đoạn đưa ra thông tin gian dối để kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn, nhận chuyển nhượng đất và nhà ở tại dự án xây dựng khách sạn, nhà ở liền kề thuộc phường An Tảo, TP.Hưng Yên; vị Tổng giám đốc Công ty TP Hưng Yên đã chiếm đoạt số tiền rất lớn của các nạn nhân, điều đáng chú ý là những giao dịch này được thực hiện dưới vỏ bọc và phương thức thủ đoạn đầu tư, góp vốn, nhận chuyển nhượng “để nhằm dân sự hóa các quan hệ giao dịch”, qua mặt các cơ quan chức năng và né tránh trách nhiệm hình sự, đây là thủ đoạn rất xảo quỵt của nhiều đối tượng thời gian qua liên quan đến lĩnh vực kinh doanh - thương mại, đầu tư, bất động sản… cơ quan chức năng cần nhận diện, nắm bắt để xử lý kịp thời. Với hành vi lừa đảo hàng loạt cá nhân, tổ chức, đối tượng này sẽ phải đối mặt với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu giá trị tài sản chiếm đoạt của các nạn nhân từ 500 triệu đồng trở lên, thì đối tượng này phải đối diện khung hình phạt cao nhất lên đến 12 - 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối, cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật và giao tài sản, cụ thể thông qua 02 hành vi là “hành vi lừa dối” và “hành vi chiếm đoạt”, hai hành vi này có quan hệ với nhau, hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt chính là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối. Xét về mặt khách quan, hành vi lừa dối là hành vi đưa ra những thông tin giả; về mặt chủ quan đối tượng phạm tội biết đó là thông tin giả nhưng vẫn mong muốn người khác tin đó là sự thật, hành vi này được thực hiện qua lời nói, qua việc xuất trình những tài liệu - giấy tờ sai sự thật… Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ được coi là hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt đã xảy ra.