Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Phóng viên hỏi luật sư: Qua vụ việc Cục Hải quan công bố hình ảnh 4 nữ tiếp viên, việc bảo vệ hình ảnh cá nhân được pháp luật quy định như thế nào, công bố hình ảnh cá nhân khi họ chưa vi phạm pháp luật có đúng và việc bảo vệ quyền lợi của họ như thế nào?
Luật sư giải đáp: Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ bằng các chế tài dân sự, hình sự và hành chính. Nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người thực hiện hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường, nếu không được giải quyết có quyền tố cáo, có quyền khởi kiện lên Tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu. Trường hợp sử dụng hình ảnh nhằm Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên nền tảng mạng xã hội thì hành vi vi phạm này được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Trường hợp người có hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” theo quy định tại điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Nếu việc dùng hình ảnh của người khác để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người vi phạm có thể sẽ bị xử lý về một trong các tội danh như: Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155, Tội vu khống quy định tại Điều 156, Tội đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, đối với vụ việc mới đây liên quan đến 04 nữ tiếp viên hàng không lại thuộc một trường hợp khác, khi cơ quan chức năng đã bắt quả tang số ma túy được cất giấu ngụy trang trong hàng hóa mà các nữ tiếp viên nhận, trường hợp này người vận chuyển được xác định là nghi phạm và bị áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự là “tạm giữ hình sự” để tiến hành điều tra xác định trách nhiệm hình sự, trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng được phép sử dụng các thông tin và hình ảnh để phục vụ nghiệp vụ điều tra.
Theo điểm đ, khoản 1, Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì “Người bị buộc tội” gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Khi bị áp dụng các biện pháp tố tụng như “Tạm giữ hình sự” người bị buộc tội sẽ bị hạn chế một số quyền nhất định để cơ quan tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng. Nếu thấy không phải vụ án cần giữ bí mật điều tra, bí nhân thân người bị buộc tội thì cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể cung cấp thông tin vụ án cho cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, tại khoản 3, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7.
Như vậy, đối chiếu quy định pháp luật nêu trên thì nếu thông tin, hình ảnh do cơ quan chức năng, cơ quan tố tụng tiến hành tố tụng thu thập, cung cấp thì hoàn toàn đúng thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ, việc cung cấp thông tin và hình ảnh đã được cân nhắc và xem xét tới yêu tố bí mật, tính riêng tư, do vậy bên cung cấp thông tin (cơ quan chức năng, cơ quan tố tụng) không trái luật. Tuy nhiên, nếu phía người bị đưa hình ảnh, thông tin cá nhân nhận thấy quyền về hình ảnh, về nhân thân, quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân bị xâm phạm thì hoàn toàn có quyền thực hiện việc khởi kiện để yêu cầu bồi thường.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338