Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên phân tích, muốn biết thế nào là “chính sách khoan hồng đặc biệt”, thì cần phải hiểu thế nào là chính sách khoan hồng. Có thể hiểu chính sách khoan hồng là cơ chế mà Nhà nước ban hành thể hiện sự nhân đạo, bao dung với người phạm tội trong vụ án hình sự, tạo cơ hội cho người phạm tội có cơ hội được hưởng những hình phạt mang tính chất giảm nhẹ, có lợi nhất.
Chính sách khoan hồng là thuật giữ thường dùng trong tố tụng hình sự, nhưng các văn bản quy phạm pháp luật trong đó có Bộ luật Hình sự thì không định nghĩa rõ về chính sách này, mà chính sách này được cụ thể hóa trong nguyên tắc xử lý tội phạm và áp dụng hình phạt nói chung của tòa án.
Tại Điều 31 Bộ luật Hình sự năm 2015 khẳng định, mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Bên cạnh đó tại Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Chính sách khoan Hồng đã được vận dụng và lồng ghép trong chủ trương, chính sách xét xử, nguyên tắc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội như trên.
Chính sách khoan hồng được cụ thể hóa trong các hình phạt như, Phạt tù cho hưởng án treo - cụ thể khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo.
Chính sách khác như tạo không giam giữ; Hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt; Đặc xá; Miễn chấp hành hình phạt; Giảm hình phạt đã tuyên; Tha tù trước thời hạn có điều kiện. Là những chính sách nhân đạo đặc biệt được áp dụng trong tố tụng hình sự hiện nay.
Còn “Chính sách khoan hồng đặc biệt” là mong muốn, nguyện vọng, đề xuất của người bào chữa cho các bị cáo mong muốn áp dụng, họ mong muốn thân chủ của mình (các bị cáo) sẽ được hưởng hình phạt nhẹ nhất có thể, xuất phát từ những tình tiết thể hiện sự ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, có công, phạm tội do hoàn cảnh khách quan, nhiều tình tiết giảm nhẹ… Nếu vận dụng các tình tiết này vào tội danh và hình phạt cụ thể mong muốn hội đồng xét xử cân nhắc áp dụng hình phạt nhẹ hơn mức bình thường (do họ có các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt), nên khi cân nhắc hình phạt người bào chữa mong muốn hội đồng xét xử đánh giá toàn diện và cho bị cáo hưởng cơ chế đặc biệt, cơ chế riêng. Còn Bộ luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay không hề có khái niệm “chính sách khoan hồng đặc biệt”.
Các yêu cầu của chính sách xử lý tội phạm theo luật hình sự Việt Nam là xử lý tội phạm phải tuân thủ pháp chế, đảm bảo sự bình đẳng nhưng phải có sự phân hoá (nghiêm trị kết hợp với khoan hồng) và phải thể hiện tính giáo dục, tính nhân đạo. Trong chính sách xử lý tội phạm, nguyên tắc phân hoá này được thể hiện ở chỗ phải có sự phân biệt trong xử lý đối với những đối tượng phạm tội khác nhau - có đối tượng phải nghiêm trị và có đối tượng cần phải được khoan hồng. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đã được thể chế hóa trong quy định Bộ luật Hình sự hiện hành là khoan hồng và nhân đạo đối với người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, đó là chủ trương đường lối và là chính sách khoan hồng mà Đảng và Nhà nước ta đang áp dụng.