Language:
Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện (Điều 139)
20/03/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người đại diện có thể là cá nhân, có thể là pháp nhân. Trong đó, nếu cá nhân là người đại diện theo pháp luật thì phải là người có năng lực pháp luật dân sự và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Nếu pháp nhân là người đại diện thì phải có năng lực pháp luật phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện vì lợi ích của người được đại diện. Nếu cá nhân là người đại diện theo ủy quyền thì phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập, thực hiện vì lợi ích của người được đại diện.

 

Phân tích:

 

Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện là giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện; người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện; Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.

 

Mục đích cơ bản của đại diện là người đại diện nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với người thứ ba vì lợi ích của người được đại diện. Vì vậy, tất cả các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch đó đều thuộc về người được đại diện nếu giao dịch dân sự được xác lập trong phạm vi đại diện.

 

Ví dụ người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự xác lập hợp đồng mua bán nhà (thuộc sở hữu của người được giám hộ) với người khác thì quyển nhận tiền, nghĩa vụ giao nhà, chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất là quyền và nghĩa vụ của người được giám hộ nhưng người giám hộ nhân danh người được giám hộ để thực hiện đối với bên mua nhà.

 

Để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và đem lại lợi ích cho người được đại diện thì người đại diện có quyền thực hiện mọi hành vi cần thiết liên quan đến quá trình xác lập và thực hiện giao dịch dân sự với người thứ ba cũng như trong suốt thời hạn đại diện. Chẳng hạn, người đại diện có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản của người được đại diện, người đại diện theo pháp luật của cá nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập giao dịch dân sự với người thứ ba vì lợi ích của người được đại diện.

 

Sự nhầm lẫn, bị đe dọa, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép trong xác lập, thực hiện giao dịch dân sự là các tình trạng được coi là không có sự tự nguyện của người xác lập, thực hiện giao dịch và do đó, giao dịch có thể bị coi là vô hiệu. Theo quy định tại khoản 3 Điều này, nếu giao dịch làm phát sinh quan hệ đại diện hợp đồng ủy quyền) được xác lập mà bên ủy quyền bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, bị cưỡng ép thì giao dịch đó có thể bị tuyên vô hiệu, điều này đồng nghĩa với việc người đại diện theo ủy quyền không có quyền xác lập, thực hiện giao dịch thay cho người được đại diện.

 

Tuy nhiên, nếu quá thời hạn yêu cầu tuyên bố hợp đồng ủy quyền vô hiệu mà người ủy quyền không có yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu, thì các giao dịch mà người đại diện theo ủy quyền đã xác lập với người thứ ba sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho người được đại diện người ủy quyền).

 

Với quy định tại khoản 3 của điều luật trên: Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối, chúng tôi cho rằng dùng từ xác lập hành vi, thực hiện hành vi là không hợp lý bởi bản thân từ xác lập, thực hiện dã là hành vi.

 

Vì vậy, thay vì dùng các từ này, điều luật nên xác định rõ: xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Với mục đích của đại diện là xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì quy định tại khoản 3 được hiểu theo ba trường hợp: (1) Nếu người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch đó thì trong mọi trường hợp đều không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện nếu việc đại diện này là đại diện theo pháp luật của cá nhân; (2) Nếu người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch đó và người được đại diện là pháp nhân hoặc cá nhân được đại diện theo ủy quyền không biết hoặc không buộc phải biết thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện; (3) Nếu người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch đó và người được đại diện là pháp nhân hoặc cá nhân được đại diện theo ủy quyền biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối thì vẫn phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.

 

Tuy nhiên, nếu các giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện trong các tình trạng trên gây bất lợi cho người được đại diện hoặc cho chính người đại diện thì người xác lập giao dịch có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định của pháp luật về giao dịch dân sự.

 

Điều 139. Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện

1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.

2. Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.

3. Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338