Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
Do phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự có những nét đặc thù, nên việc áp dụng luật dân sự cũng có những đặc trưng riêng. Theo nguyên lý chung, áp dụng luật dân sự là hoạt động của những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào những tình tiết cụ thể của những sự kiện thực tế, vào nội dung cam kết, thỏa thuận cụ thể của các bên (trong trường hợp có thỏa thuận) hoặc căn cứ vào tập quán để ra những quyết định phù hợp.
Quyết định đó có thể là: xác nhận cho một chủ thể nhất định có những quyền, nghĩa vụ dân sự nào đó và áp dụng các biện pháp cưỡng chế, buộc một chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự trong những trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác đối với quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự.
Trong pháp luật dân sự, việc áp dụng có những nét đặc thù riêng. Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép: “Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự”. Nghĩa là, việc áp dụng pháp luật dân sự vẫn được thực hiện ngay cả trong những trường hợp không có những quy định trực tiếp trong Bộ luật Dân sự.
Trong trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, nhưng pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào các văn bản pháp luật có liên quan để công nhận một quyền nào đó cho một chủ thể; xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng khi có tranh chấp; quyết định trách nhiệm dân sự đối với bên vi phạm…
Điều kiện áp dụng tương tự pháp luật:
Việc áp dụng áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự cần có 02 điều kiện sau đây:
- Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có quy định tương tự nào về quan hệ dân sự hoặc sự kiện đang có tranh chấp.
- Hiện tại trong một số đạo luật, văn bản pháp luật khác dưới luật hoặc được quy định trong một số ngành luật khác có nội dung tương tự mà có thể áp dụng để giải quyết tranh chấp; xác nhận quyền, nghĩa vụ dân sự cho một chủ thể trong quan hệ dân sự cụ thể đó.
Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng trong tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 6 thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự, án lệ, lẽ công bằng”. Trong thực tế cuộc sống có không ít những trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự vì nhiều nguyên nhân và lý do khác nhau mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng, thì Tòa án và những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Khi có tranh chấp xảy ra, đương sự có đơn yêu cầu Tòa án hoặc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, ngoài việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự để xem xét, thì còn có thể phải áp dụng án lệ, lẽ công bằng để giải quyết.
Như vậy, khi không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 6, do pháp luật dân sự không có quy định cụ thể, nội dung trong quan hệ dân sự đó các chủ thể cũng không có cam kết, thỏa thuận cụ thể, thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự, án lệ, lẽ công bằng.
Việc áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và đặc biệt là áp dụng án lệ, lẽ công bằng trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự là quy định lần đầu tiên được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Nguyên tắc là khi có tranh chấp xảy ra, đương sự có đơn yêu cầu Tòa án hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thì các cơ quan này vận dụng nguyên tắc áp dụng tương tự điều luật để giải quyết. Trước đây, theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Việc cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 326 đến Điều 340 của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác về hoạt động của cửa hàng cầm đồ”. Nay Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định đã được ghi nhận tại Điều 341 Bộ luật Dân sự năm 2005, tại tiểu mục 2 về cầm cố tài sản (theo các điều từ Điều 309 đến Điều 316), thì phải áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự năm 2015, theo án lệ và lẽ công bằng.
Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tiếp tục sưu tầm các án lệ có tính chất phổ quát đã được xã hội công nhận để áp dụng thống nhất cho các quan hệ dân sự đã được xem xét, giải quyết. Với quy định này, khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, thì những án sẽ xét xử tại các Tòa án không được trái với án lệ đã được công bố.
Khi áp dụng các nguyên tắc cơ bản, Tòa án hoặc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải bảo đảm yêu cầu: quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc cơ bản được quy định trong BLDS; hoặc áp dụng án lệ và lẽ công bằng. Nghĩa là, vận dụng tinh thần và các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015; quy định của những ngành luật khác hoặc các văn bản dưới luật có quy định để giải quyết. Ví dụ: Các tranh chấp về mồ mả, tranh chấp về sở hữu nhà từ đường, nhà thờ của dòng họ, các thánh thất tôn giáo; các tranh chấp quyền sử dụng đất đai là ruộng họ (ruộng hương hóa, bao gồm cả hương hỏa tổ truyền và hương hỏa sơ lập); các hợp đồng hùn vốn góp vốn)…
Quy định về áp dụng tương tự pháp luật là đặc trưng của pháp luật dân sự nhằm làm cho các quan hệ dân sự luôn được sự điều chỉnh và bảo đảm bằng pháp luật nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu của pháp chế xã hội chủ nghĩa: không được trái với những nguyên tắc cơ bản được quy định trong Điều 3, Bộ luật Dân sự năm 2015 và tinh thần chung của pháp luật Việt Nam hiện hành; không trái án lệ của ngành Tòa án và lẽ công bằng.
Điều 6. Áp dụng tương tự pháp luật
1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338