Để tạo cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, phát huy được vị trí, vai trò của Bộ luật dân sự, bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật dân sự, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế trên cơ sở kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định rất cụ thể về nguyên tắc áp dụng pháp luật dân sự.
(1) Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự:
Với tính chất là đạo luật quan trọng, phong phú và đa dạng, Bộ luật Dân sự năm 2015 có tới 689 điều luật (vẫn là những bộ luật có nhiều điều luật nhất trong hệ thống pháp luật nước ta) được coi là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Theo nguyên lý chung, áp dụng Bộ luật Dân sự là hoạt động của những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào những tình tiết cụ thể của những sự kiện thực tế, vào nội dung cam kết thỏa thuận cụ thể của các bên (trong trường hợp có thỏa thuận) hoặc căn cứ vào những quy định của Bộ luật Dân sự để ra những quyết định phù hợp.
Quyết định đó có thể là xác nhận cho một chủ thể nhất định có những quyền, nghĩa vụ dân sự nào đó và áp dụng các biện pháp cưỡng chế, buộc một chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự trong những trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Thông qua hoạt động áp dụng pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, quy định của Bộ luật Dân sự mới điều chỉnh các quan hệ xã hội; thực hiện sự tác động lên hành vi của chủ thể và thông qua đó tác động lên các quan hệ xã hội.
Áp dụng pháp luật dân sự là một giai đoạn quan trọng trong quá trình biến các quy phạm pháp luật dân sự thành thực tế. Với tính chất là một quy phạm pháp luật nhưng các điều luật trong Bộ luật Dân sự năm 2015 thường có nội dung hướng dẫn, chỉ dẫn để các chủ thể khi xác lập, thực hiện quan hệ dân sự biết và làm theo, bao gồm cả việc thỏa thuận chế tài hoặc trách nhiện trong những trường hợp cần thiết nên Bộ luật Dân sự năm 2015 là luật chung để điều chỉnh các quan hệ dân sự. Mọi sự tuỳ nghi trong cam kết, thỏa thuận của các chủ thể nhằm xác lập những quyền, nghĩa vụ dân sự trong các quan hệ dân sự được Nhà nước tôn trọng và luôn được sự bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế.
Áp dụng luật dân sự là việc làm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào quy định của BLDS hoặc các văn bản pháp luật có liên quan để công nhận một quyền nào đó cho một chủ thể; xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng khi có tranh chấp; quyết định trách nhiệm dân sự đối với bên vi phạm… Việc áp dụng luật dân sự phải dựa trên những căn cứ pháp lý nhất định và phải theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.
(2) Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự:
Bộ luật Dân sự năm 2015 là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Các vấn đề cơ bản nhất về nhân thân và tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự, nhưng luật dân sự còn bao gồm cả một hệ thống các văn bản pháp luật của những cơ quan nhà nước có thẩm quyền: quy định, giải thích, hướng dẫn áp dụng về một vấn đề cụ thể nào đó trong quá trình thực hiện. Vì vậy, trong quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ liên quan nhiều đến các văn bản này. Tuy nhiên, điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể phải tuân thủ nguyên tắc không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự:
(3) Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều 4 thì quy định của Bộ luật Dân sự được áp dụng:
Đây chính là nguyên tắc quan trọng trong quá trình áp dụng pháp luật dân sự. Khi áp dụng pháp luật dân sự Toà án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng những cam kết, thỏa thuận do các chủ thể xác lập. Trong trường hợp các chủ thể của quan hệ dân sự cụ thể không có thỏa thuận, thì áp dụng các quy định cụ thể của pháp luật dân sự để giải quyết tranh chấp.
Các quy định trong các điều luật luôn có giá trị điều chỉnh trực tiếp các quan hệ dân sự bằng những phương pháp riêng; hoặc các chủ thể trên cơ sở hướng dẫn, chỉ dẫn của các điều luật phải tuân theo, hoặc do các bên tự thỏa thuận, trừ khi pháp luật có những quy định khác. Quan hệ dân sự trong đời sống xã hội rất đa dạng, phong phú nên BLDS năm 2015 không thể khái quát toàn bộ.
Vì vậy, trong quá trình áp dụng pháp luật dân sự đối với các quan hệ dân sự cụ thể mà các luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (là khoản 2 Điều 4), thì Bộ luật Dân sự năm 2015 là luật chung được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ dân sự.
(4) Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật Dân sự và điều tước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế:
Theo nguyên lý chung của pháp luật, Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực trong khoảng không gian nhất định và đối với một số người nhất định. Xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tuyệt đối của quốc gia đã được pháp luật quốc tế thừa nhận, Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ được áp dụng trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghĩa là, bất kỳ một quan hệ dân sự nào được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đều chịu sự điều chỉnh và áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo nguyên tắc lãnh thổ trên đây, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng được áp dụng đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại phần thứ năm (từ Điều 633 đến Điều 671).
Trong quá trình hội nhập khu vực, trong tiến trình toàn cầu hoá và Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương, song phương. Nguyên tắc áp dụng pháp luật dân sự trong trường hợp này là nếu có những quy định về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia. Đây là quy định góp phần tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho việc ổn định các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; có ý nghĩa quan trọng khi “Việt Nam là bạn của tất cả các nước” và trong tiến trình toàn cầu hoá. Ngoài ra, việc áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 cần chú ý điều khoản chuyển tiếp được quy định tại Điều 688 liên quan đến quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và trong thời gian để Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều 4. Áp dụng Bộ luật dân sự
1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.
2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.
4. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338