Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo quy định tại Điều 79 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh. Cá nhân, cơ quan tổ chức khởi kiện bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó.
Tại khoản 4 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về giao nộp tài liệu, chứng cứ. Theo đó, thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.
Tại Điều 287 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định về cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Theo đó, đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ sau đây trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm:
- Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng;
- Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.
Thủ tục giao nộp tài liệu, chứng cứ được thực hiện theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định về bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó, đương sự có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.
Tòa án tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ khi nào?
Theo quy định thì nghĩa vụ giao nộp tài liệu chứng cứ là của đương sự, khoản 2, Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, trong trường hợp cần thiết Tòa án có thể tự mình thu thập chứng cứ. Tại khoản 1, Điều 259 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, khi thấy “cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa” thì Hội đồng xét xử còn phải tạm dừng phiên tòa. Như vậy, nghĩa vụ chứng minh là nghĩa vụ của đương sự, tuy nhiên Tòa án cũng có thể tiến hành xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Như vậy, từ các quy định nêu trên, thời điểm giao nộp tài liệu, chứng cứ trong tố tụng dân sự cho Tòa án là trong phạm vi thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo tục sơ thẩm. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, được cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ nhưng phải vì lý do chính đáng và phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Tòa án chỉ chấp nhận tài liệu, chứng cứ trong tố tụng dân sự do đương sự cung cấp trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 287 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338