Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo quy định tại Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Đặc biệt, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là gì?
Tại khoản 4, khoản 6 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự” là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
“Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự” là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.”
2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền và nghĩa vụ gì?
Tại khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
- Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.
Lưu ý:
- “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập” và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Trường hợp yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện vụ án khác.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 72 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ đưa yêu cầu độc lập ra sao?
Tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Theo đó, trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau:
- Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;
- Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;
- Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Lưu ý: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Thủ tục yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thực hiện theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Cụ thể: “Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn”. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự sẽ gửi đơn yêu cầu độc lập kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án, yêu cầu độc lập sẽ phải nộp tạm ứng án phí theo quy định.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi nhận được thông báo thì theo quy định tại Điều 199 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu độc lập (nếu có). Trường hợp cần gia hạn thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án cho xem, ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338