Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin từ báo chí, ngày 26/10/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Hà Thị Thi (39 tuổi, trú tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, là nhân viên hợp đồng của trường THPT Chu Văn Thịnh) về tội "Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác". Trước đó, ngày 23/9, Công an huyện Mai Sơn tiếp nhận thông tin của Trường THPT Chu Văn Thịnh (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) về việc trưa ngày 22/9/2023, nhân viên nấu ăn của trường chuẩn bị chia khẩu phần ăn cho học sinh ăn bán trú thì phát hiện chậu đựng su su luộc có mùi thuốc trừ sâu. Nghi có người bỏ thuốc trừ sâu vào nên nhà trường đã không cho học sinh ăn su su luộc, lấy một số mẫu thức ăn để bảo quản ở tủ lạnh và trình báo sự việc đến công an. Ngày 24/9/2023, Công an huyện Mai Sơn đã tạm giữ Hà Thị Thi để điều tra làm rõ vụ việc. (Link thông tin https://giadinh.suckhoedoisong.vn/loi-khai-on-lanh-cua-nu-nhan-vien-nha-bep-bo-thuoc-doc-vao-thuc-an-hoc-sinh-172231026153411357.htm?)
Phóng viên hỏi luật sư: Quan điểm của luật sư về vụ án nêu trên ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích, trong môi trường học đường vẫn tồn tại tư tưởng tàn ác như thế này thì rất nguy hại, vì lợi ích cá nhân nhưng đối tượng sẵn sàng hành động không nghĩ tới hậu quả, sẵn sàng hướng tới việc gây ngộ độc cho hàng loạt học sinh mục đích để nhà trường phải thay nhà cung cấp thực phẩm, đây là hành vi tàn ác, vô đạo đức không thể chấp nhận được đối với một người làm việc trong trường học. Đối tượng đã lên kế hoạch và chuẩn bị công cụ phương tiện phạm tội ngay từ đầu khi ra cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật để mua tới hai gói thuốc diệt gián, kiến và một lọ thuốc trừ sâu để thực hiện hành vi.
Trong vụ án này bước đầu cơ quan điều tra xác định đối tượng Thi đã nảy sinh ý định cho thuốc trừ sâu, thuốc diệt gián, kiến vào khẩu phần ăn của học sinh đăng ký ăn tại nhà trường với mục đích làm các em bị ngộ độc để trường phải thay nhà cung cấp thực phẩm. Đây chỉ là lời khai ban đầu, vì vậy để củng cố đầy đủ các chứng cứ buộc tội cơ quan điều tra sẽ tiếp tục thu thập thêm các chứng cứ khác như: thu thập lời khai khác của những người liên quan, giám định mẫy thức ăn, mẫu thuốc trừ sâu mà Thi đã bỏ vào thức ăn của học sinh là loại thuốc trừ sâu gì, với liều lượng ra sao, tác động của loại thuốc này sẽ ra sao nếu vào cơ thể người… để có căn cứ xác định tội danh của Thi.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định hành vi của Thi là Cố ý gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 căn cứ vào hậu quả và chứng cứ ban đầu thu thập được là phù hợp. Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra thu thập chứng cứ có căn cứ cho thấy với hàm lượng thuốc trừ sâu như vậy mà bỏ vào nồi thức ăn không lớn có thể gây hậu quả chết người chứ không chỉ dừng lại hậu quả là gây ngộ độc cho học sinh; việc bỏ thuốc trừ sâu, chuẩn bị cả thuốc kiến và thuốc diệt gián nữa vào thức ăn của học sinh đối tượng tuy không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì vẫn có thể chuyển tội danh của đối tượng này sang Tội giết người trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại Điều 15, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp chưa có hậu quả xảy ra, hành vi phạm tội bị ngăn chặn đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, hình phạt đối với người phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể: Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Việc quyết định tội danh nào cuối cùng sau quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng sẽ ảnh hưởng tương đối nhiều về hình phạt mà đối tượng sẽ phải đối mặt. Bởi khung hình phạt của Tội cố ý gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác và Tội giết người có sự chênh lệch khá lớn.
Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.
3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338