Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tại Điều 379 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định những trường hợp không được bù trừ nghĩa vụ. Theo đó, nghĩa vụ không được bù trừ trong trường hợp: Nghĩa vụ đang có tranh chấp; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín; nghĩa vụ cấp dưỡng; nghĩa vụ khác do luật quy định.
Đối chiếu quy định trên có thể thấy khi cả hai bên đều có nghĩa vụ cùng loại thì có thể bù trừ nghĩa vụ cho nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi của các bên và của người khác, pháp luật đã quy định 04 trường hợp không được bù trừ nghĩa vụ, cụ thể gồm các trường hợp sau:
(1) Nghĩa vụ đang có tranh chấp, là quan hệ nghĩa vụ đang có mâu thuẫn, bất đồng và yêu cầu giải quyết của một bên trong quan hệ. Nghĩa vụ đang có tranh chấp về đối tượng, nội dung… Do đó cần có một quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Trong một quan hệ mà quyền và nghĩa vụ của các bên vẫn chưa thể xác định được thì việc thực hiện bù trừ sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của những người có liên quan đến quan hệ đó. Vì vậy, với nghĩa vụ đang có tranh chấp không thể đưa vào để thực hiện bù trừ.
(2) Nghĩa vụ bồi thường do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, đây là một loại nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân nên pháp luật không cho phép được bù trừ. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín là những thiệt hại về tinh thần, theo lý thì không thể định giá được. Tuy nhiên, quy định về nghĩa vụ bồi thường chỉ mang tính chất bù đắp, an ủi phần nào tinh thần của người bị hại và nhân thân của họ. Đồng thời, để cảnh tỉnh bên vi phạm, để họ hiểu được hành vi sai trái của mình, để không tái phạm nữa. Do đó, nếu nghĩa vụ đó được bù trừ thì không đúng với ý nghĩa mà pháp luật hướng tới khi quy định nó nữa.
(3) Nghĩa vụ cấp dưỡng, cũng như nghĩa vụ quy định tại trường hợp hai, nghĩa vụ cấp dưỡng cũng là một nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân của người cấp dưỡng và người nhận cấp dưỡng. Chỉ những người trong hoàn cảnh và có mối quan hệ nhất định theo quy định của pháp luật mới có mối quan hệ cấp dưỡng với nhau. Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc cấp dưỡng nhằm mục đích đảm bảo mức sống tối thiểu của người được cấp dưỡng, đó là nguồn sống của họ. Do đó, nếu nghĩa vụ cấp dưỡng mà được bù trừ thì sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Chính vì thế, mà nghĩa vụ cấp dưỡng không thể bù trừ, bên có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng của mình. Khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng ghi nhận: Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).
(4) Nghĩa vụ khác do pháp luật quy định, đây là trường hợp pháp luật dự liệu với các nghĩa vụ không được bù trừ. Nếu luật khác có quy định về trường hợp không được bù trừ nghĩa vụ thì các bên phải tuân theo.
Điều 379. Những trường hợp không được bù trừ nghĩa vụ
Nghĩa vụ không được bù trừ trong trường hợp sau đây:
1. Nghĩa vụ đang có tranh chấp;
2. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
3. Nghĩa vụ cấp dưỡng;
4. Nghĩa vụ khác do luật quy định.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338