Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, tại Điều 95 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc phá sản pháp nhân. Theo đó, việc phá sản pháp nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Khi bị phá sản, pháp nhân phải tuân theo các quy định của pháp luật về phá sản, bao gồm: thủ tục nộp đơn, nộp lệ phí, thực hiện các nghĩa vụ về tài sản như: xử lý khoản nợ, tiền lãi, trả lại tài sản thuê, tài sản mượn… Việc phá sản pháp nhân sẽ làm chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân, đồng thời không tạo lập nên một pháp nhân mới. Cơ sở pháp lý quan trọng nhất đối với việc phá sản pháp nhân là Luật Phá sản năm 2014. Luật này quy định chi tiết, đầy đủ các vấn đề pháp lý liên quan đến phá sản của doanh nghiệp và hợp tác xã. Bên cạnh các quy định chung, Luật Phá sản năm 2014 còn có những quy định riêng về thủ tục phá sản đối với các tổ chức tín dụng - bởi sự phá sản của những tổ chức này có tác động sâu rộng và nghiêm trọng tới đời sống của nhiều người trong xã hội.