Language:
Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân (Điều 198)
09/05/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013 thì chủ sở hữu toàn dân không đồng nhất với chủ sở hữu nhà nước. Quan hệ giữa toàn dân và nhà nước là quan hệ đại diện, và chế định đại diện đặc biệt này được quy định bởi Hiến pháp và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Theo đó, toàn dân ủy quyền cho nhà nước quản lý tài sản của họ; đương nhiên, toàn dân vẫn giữ quyền quyết định, nhà nước phải quản lý tài sản theo ý chí, nguyện vọng của toàn dân, vì lợi ích của toàn dân.

 

Việc quản lí, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân được thực hiện trong phạm vì và theo trình tự do pháp luật quy định. Nhà nước giao tài sản cho doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội... sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Khi tài sản thuộc sở hữu toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Khi tài sản thuộc sở hữu toàn dân được giao cho các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. thì Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản đó. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền quản lí, sử dụng tài sản được Nhà nước giao đúng mục đích, phạm vi, theo cách thức, trình tự do pháp luật quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong điều luật.

 

Tại Điều 198 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Cụ thể: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân; Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

 

Tài sản thuộc sở hữu toàn dân được giao cho cá nhân và pháp nhân quản lý thông qua đầu tư vào doanh nghiệp, giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Cụ thể được quy định tại Điều 200, Điều 201, Điều 202 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được đầu tư vào doanh nghiệp, khi tài sản thuộc sở hữu toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan; Doanh nghiệp thực hiện việc quản lý, sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.

 

Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, khi tài sản thuộc sở hữu toàn dân được giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thì Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản đó; Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện việc quản lý, sử dụng đúng mục đích, theo quy định của pháp luật đối với tài sản được Nhà nước giao.

 

Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, khi tài sản thuộc sở hữu toàn dân được giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản đó; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản được Nhà nước giao đúng mục đích, phạm vi, theo cách thức, trình tự do pháp luật quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong điều lệ.

 

Việc quản lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 Nghị định 29/2018/NĐ-CP. Nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Cụ thể: Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản phải được lập thành văn bản; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan; Việc quản lý nhà nước đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan; Việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường; Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

 

Theo đó việc quản lý nhà nước đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan.

 

Điều 198. Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

2. Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338