Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo thông tin ban đầu, Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM đang tạm giữ Đào Mạnh T (42 tuổi, quê Nghệ An), Phạm Thị Bích Ng (36 tuổi, vợ Toàn) và Nguyễn Quang H (43 tuổi, cùng quê Nghệ An) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Đào Mạnh T cùng vợ và một đồng phạm khác thuê ôtô lái từ Nghệ An vào miền Nam, dọc đường đi đã đột nhập 9 biệt thự, đến TP.HCM trộm nhiều tài sản của 4 biệt thự khác.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, thủ đoạn và hành vi của các đối tượng hết sức liều lĩnh và manh động, khi bị phát hiện thì có hành vi chống trả quyết liệt, có thể thấy đây là băng nhóm tội phạm có phạm vi hoạt động liên tỉnh, phạm tội có tổ chức, số tài sản trộm cắp có giá trị lớn, nên việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM triển khai lực lượng điều tra, truy bắt là đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
Các đối tượng trong đường dây trộm cắp này đã đột nhập hàng loạt biệt thự để lấy đi những tài sản có giá trị, các đối tượng sử dụng phương tiện hỗ trợ là ôtô có gắn biển số giả để đối phó, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, hành vi của các đối tượng hết sức xảo quỵt, gây hoang mang và bất bình trong dư luận, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự nên sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Với hành vi phạm tội như trên, các đối tượng này sẽ phải đối mặt với tội Trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt các đối tượng phải đối mặt có thể lên đến 12-20 năm, nếu tài sản trộm cắp có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên. Cơ quan điều tra sẽ thu thập chứng cứ, định giá tài sản để có căn cứ xử lý từng đối tượng trong đường dây này.
Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích thêm, dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản cùng với hai dấu hiệu khác, thể hiện tính chất của hành vi chiếm đoạt và tính chất của đối tượng bị chiếm đoạt – dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có người quản lý. Đây là tội phạm cấu thành tội phạm vật chất, nên tội phạm chỉ được coi là hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản, nếu vật chiếm đoạt nhỏ gọn thì coi như đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người, nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nhỏ gọn (vật có kích thước lớn) thì được coi là chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản, nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản riêng thì được coi là chiếm đoạt khi đã dịch chuyển tài sản ra khỏi vị trí ban đầu.
Khách thể của tội trộm cắp tài sản là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi khách quan là hành vi “chiếm đoạt” tài sản, nhưng hành vi chiếm đoạt ở đây là chiếm đoạt bằng hình thức “lén lút”, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, họ nhận thức rõ hành vi trộm cắp tài sản của mình nhất định hoặc có thể gây ra thiệt hại về tài sản cho người khác; song mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
Hành vi trộm cắp tài sản để bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải thỏa mãn các dấu hiệu như: tài sản trộm cắp trị giá từ 02 triệu đồng trở lên; nếu chiếm đoạt dưới 02 triệu đồng những đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản hoặc các tội về xâm phạm sở hữu; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự - an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của nạn nhân và gia đình họ; tài sản là di vật – cổ vật. Tội danh sẽ được chuyển hóa thành tội khác nếu trong quá trình thực hiện hành vi các đối tượng bị phát hiện và sử dụng vũ lực tấn công người phát hiện gây nên hậu quả thương tích hoặc chết người.