Luật sư Hà Thị Khuyên
Phóng viên hỏi luật sư: Trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên thì nhà báo, phóng viên có bị hạn chế ghi hình?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, theo quy định pháp luật hiện nay, quyền hình ảnh của cá nhân được pháp luật bảo vệ bằng các chế tài khác nhau. Cụ thể: tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nếu cố tình xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân thì, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp được dùng hình ảnh cá nhân không cần xin phép gồm có 02 trường hợp được sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm: Sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng: Hội nghị, hội thảo, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật… mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Hiện nay khi người buộc tội bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự thì người bị buộc tội sẽ bị hạn chế một số quyền nhất định để cơ quan tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng. Nếu thấy không phải vụ án cần giữ bí mật đời tư, bí nhân thân người bị buộc tội thì cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể cung cấp thông tin vụ án cho cơ quan báo chí, cho phép nhà báo, phóng viên của cơ quan báo chí tác nghiệp theo quy định tại điểm b, c, d, khoản 2 Điều 25 quy định quyền của nhà báo khi tác nghiệp được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định.
Tuy nhiên việc sử dụng hình ảnh cá nhân có quy định đặc thù đối với từng lĩnh vực khác nhau. Cụ thể trong hoạt động xét xử của tòa án, mặc dù Luật Báo chí năm 2016 tại Điều 25 có quy định: Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Quy định đặc thù lĩnh vực tố tụng hiện nay, cụ thể là trong hoạt động xét xử của tòa án đối với bị cáo nói chung và bị cáo là người chưa thành biên nói riêng thì việc ghi hình tại phiên tòa của nhà báo, phóng viên phải được sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phải tuân thủ nội quy phòng xử án.
Tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự việc tác nghiệp của nhà báo, phóng viên còn phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về nội quy phiên tòa và Thông tư 02/2017 của chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về quy chế tổ chức phiên tòa. Điều 256 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa đều quy định mọi người trong phòng xử án phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Đối chiếu quy định trên thì nhà báo, phóng viên có quyền tác nghiệp, tức hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa hình sự xét xử công khai và phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, tại phiên tòa nếu một cá nhân nào đề nghị chủ tọa không cho báo chí tác nghiệp để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo là không phù hợp với các quy định hiện hành, vì quyết định này thuộc về quyền của chủ tọa điều hành phiên tòa. Vì vậy, nếu nhà báo, phóng viên đáp ứng đủ điều kiện khi tham gia phiên tòa thì được tác nghiệp bình thường và hoàn toàn có thể chụp hình, ghi âm, ghi hình, đưa tin.
Tuy nhiên, theo tôi nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp tại phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành nhiên phạm tội cần hết sức thận trọng, cần tuân thủ chặt chẽ nội quy phiên tòa và việc ghi hình, đưa tin đối với bị cáo là người chưa thành niên phải thật sự cần thiết thì mới nên chụp hình, đưa tin, nhằm tránh tạo áp lực tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ cho bị cáo chưa thành niên tại phiên tòa, vô tình tạo ra những rào cản và hệ lụy tác động sau này khi các em tái hòa nhập cộng đồng. Bởi ngay cả quy định tố tụng, bố trí phòng xử án hiện nay cũng đã có những điều chỉnh theo hướng “thân thiện đối với bị cáo là người chưa thành niên” để tạo điều kiện tốt nhất cho người chưa thành niên bị đưa ra xét xử.
Cụ thể tại Điều 3 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định về thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thì thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, tại Điều 414 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về những nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi là bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt; tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi; bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Từ những quy định trên có thể thấy, nhà làm luật và cơ quan tố tụng đã có những quy định rất rõ về hoạt động xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, vì vậy cơ quan báo chí cũng cần có những quy định mang tính chuyên ngành nhằm bảo đảm không hạn chế quyền tham gia tác nghiệp của nhà báo, phóng viên tại phiên tòa xét xử người chưa thành niên, nhưng cũng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho trẻ chưa thành niên phạm tội.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338