Language:
Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản (Điều 164)
11/04/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu có thể áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Cụ thể: Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Theo quy định tại khoản 1, Điều 164 thì đay là biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu của chủ tài sản, ưu điềm của biện pháp tự bảo vệ đó chính là nhanh chóng, tránh vụ việc nghiêm trọng hơn, giảm thiểu tranh chấp tại Tòa. Nhược điểm của biện pháp này đó là không có tính quyền lực nhà nước và biện pháp này có thể nảy sinh ra sự thiệt hại do các bên có thể dùng sức mạnh của mình để áp đặt, ép buộc bên kia theo yêu cầu của mình.

 

Một trong những biện pháp để thực hiện quyền trên là đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản. Biện pháp này nhằm mục đích bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp, tránh gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được. Tại khoản 2 Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Ngoài ra, các Điều 166, 167, 168 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu tòa án buộc người có hành vi chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho mình. Những yêu cầu chung trong việc đòi lại tài sản; Đối với nguyên đơn phải là chủ sở hữu của tài sản và chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản đó. Nếu là người có quyền khác đối với tài sản thì phải có căn cứ xác lập quyền, về tài sảnđã rời khỏi chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản ngoài ý chí của những người này (đánh rơi, bỏ quên..,) thì có quyền đòi lại; Đối với bị đơn, phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu, cho người chiếm hữu hợp pháp, nếu bị đơn là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình mà tài sản là động sản không cần đăng kí cũng như thông qua giao dịch không đền bù và theo ý chí của người chiếm hữu có pháp luật thì chủ sở hữu không được đòi lại ở người đang thực tế chiếm hữu.

 

Kiện yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái phép luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản quy định tại Điều 169 Bộ luật Dân sự năm 2015. Phương thức nhằm đảm bảo để chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp được sử dụng và khai thác công dụng của tài sản một cách bình thường.

 

Biện pháp thứ hai đó là kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (kiện trái quyền). Theo điều 170 Bộ luật Dân sự 2015 quy định áp dụng trong các trương hợp cụ thể như sau: Người chiếm hữu hợp pháp bán tài sản cho người thứ 3 ngay tình thì chủ sở hữu yêu cầu chủ sở hữu yêu cầu người chiếm hữu hợp háp phải bồi thường giá trị tài sản; Người chiếm hữu hợp pháp hoặc bất hợp pháp đã bán cho người khác hoặc là tài sản đã bị tiêu hủy… thì phải bồi thường hết giá trị của tài sản.

 

Điều 164. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338