Tại Điều 13 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại. Theo đó, cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Thiệt hại là những tổn thất thực tế về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác được pháp luật bảo vệ. Tại Điều 361 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định "Thiệt hại về vật chất" là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. "Thiệt hại về tinh thần" là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.”
Bồi thường thiệt hại là một trong những phương thức bảo vệ quyền dân sự, cụ thể là khi quyền dân sự của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm thì cá nhân, tổ chức đó có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền áp dụng chế tài đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm, trong đó có chế tài bồi thường thiệt hại. Chế tài bồi thường thiệt hại có tính chất dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và về tinh thần cho bên bị thiệt hại dù hành vi xâm phạm phạm luật dân sự hay hình sự, và thường được ghi nhận trong bản án dân sự, quyết định dân sự hoặc bản án hình sự.
Khi cá nhân, tổ chức bị vi phạm một số quyền dân sự như quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản hoặc bị vi phạm các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoặc nghĩa vụ trong trong một số hợp đồng thông dụng như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng dịch vụ,… và bị thiệt hại thì có thể tự yêu cầu hoặc yêu cầu Tòa án buộc cá nhân, tổ chức vi phạm chịu chế tài bồi thường thiệt hại.
Bồi thường thiệt hại còn là chế tài được áp dụng khi có căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong một số trường hợp phổ biến như: Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; Người uống rượu hoặc do dùng chất kích thích gây thiệt hại cho người khác; Nguồn nguy hiểm cao độ như phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ,… gây thiệt hại; Súc vật gây thiệt hại cho người khác; Cây cối gây thiệt hại; Nhà cửa, công trình xây dựng khác gây gây thiệt hại…
Còn trong mối quan hệ hợp đồng, đối với bên bị vi phạm hợp đồng và bị thiệt hại, chế tài bồi thường thiệt hại giúp khôi phục lợi ích vật chất, bù đắp những tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu hoặc những lợi ích mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Đối với bên vi phạm, chế tài bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt nhưng vẫn đảm bảo lợi ích chính đáng của bên vi phạm thể hiện ở các quy định về miễn giảm trách nhiệm, quy định về nghĩa vụ chứng minh và hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm.
Điều 13. Bồi thường thiệt hại
Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338