Cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng rất nhiều quan hệ có yếu tố nước ngoài phát sinh như quan hệ dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. Khi các bên chủ thể hoặc cơ quan nhà nước áp dụng pháp luật nước ngoài sẽ phải tuân thủ những nội dung nhất định. Xác định pháp luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp đối với các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng giúp giải quyết tranh chấp bởi các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài sẽ có thể xảy ra những xung đột pháp luật gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp; nên việc xác định pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài sẽ được xác định dựa trên một số quy định, nguyên tắc nhất định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trước về luật áp dụng.
Tại Điều 687 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Theo đó, các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 687. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng. Trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú, đối với cá nhân hoặc nơi thành lập, đối với pháp nhân tại cùng một nước thì pháp luật của nước đó được áp dụng.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài là quan hệ bồi thường thiệt hại giữa bên có hành vi gây thiệt hại và bên bị thiệt hại, trong đó có một bên là cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài, hoặc đối tượng của quan hệ là tài sản ở nước ngoài, hoặc sự kiện gây thiệt hại xảy ra ở nước ngoài; khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, pháp luật cho phép các bên tự thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng.
Trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các bên là những chủ thể bình đẳng ngang quyền nên thỏa thuận là nguên tắc cơ bản. Bên cạnh đó nếu các bên đã có thỏa thuận về việc lựa chọn hệ thống pháp luật áp dụng chứng tỏ họ đã chấp nhận những quy định của hệ thống pháp luật đó, do đó việc thực thi pháp luật sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn. Pháp luật cho phép các bên quyền thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng, nhưng nếu các bên không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận, lúc này phát luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được xác định là pháp luật áp dụng trong trường hợp này. Do đây là quan hệ phát sinh đã hàm chứa sẵn các yếu tố mâu thuẫn, bất đồng, nên việc chỉ định luật áp dụng là luật nơi xảy ra sự kiện gây thiệt hại để điều chỉnh quan hệ sẽ khách quan, minh bạch, công bằng cho các bên.
Trong trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có cùng nơi cư trú đối với cá nhân và cùng nơi thành lập đối với pháp nhân thì sẽ áp dụng pháp luật nước đó để điều chỉnh vụ việc. Đây là quy định căn cứ vào nhân thân của các bên để xác định luật áp dụng; vì là luật nơi cứ trú và nơi thành lập nên cá nhân, pháp nhân sẽ nắm bắt dễ dàng quy định của của pháp luật và do đó sẽ dễ dàng hơn trong việc chấp nhận, thực thi kết quả giải quyết của Tòa án.
Pháp luật áp dụng dựa trên hệ thuộc luật nơi cư trú thay vì hệ thuộc luật quốc tịch vì, đối với quan hệ bồi thường thiệt hại hành vi là yếu tố chính làm phát sinh quan hệ. Nên yếu tố cư trú sẽ chi phối và ảnh hưởng nhiều hơn đến hành vi của các bên so với yếu tố quốc tịch. Nếu áp dụng hệ thuộc luật quốc tịch, trong trường hợp các bên có quốc tịch khác nhau thì sẽ rất khó khăn trong việc áp dụng luật. Ví dụ, Giữa K (là công dân Việt nam) và S (là công dân Nhật Bản) cùng cư trú tại Việt Nam, phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; lúc này, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 687 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật được áp dụng là pháp luật Việt Nam (nước mà các bên trong quan hệ có cùng nơi cư trú).
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh dựa trên căn cứ tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại
Điều 687. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
1. Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.
2. Trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú, đối với cá nhân hoặc nơi thành lập, đối với pháp nhân tại cùng một nước thì pháp luật của nước đó được áp dụng.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338