Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 mặc dù không ghi nhận lỗi như là một điều kiện bắt buộc phải chứng minh để làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhưng về nguyên tắc yếu tố lỗi vẫn được xem xét đến. Trong một số trường hợp đặc thù, xác định hình thức và mức độ lỗi sẽ là căn cứ để xác định mức bồi thường. Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Trường hợp bên bị vi phạm cũng có lỗi được hiểu là lỗi hỗn hợp tức là cả hai bên cùng có lỗi. Mặc dù có ghi nhận về hình thức lỗi cố ý và vô ý tại Điều 364 nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 lại không có điều luật nào quy định về mức độ lỗi.
Tại Điều 363 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi. Theo đó, trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.
Theo quy định pháp luật, thì bồi thường thiệt hại là trách nhiệm của bên có nghĩa vụ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên có quyền, nhưng trên thực tế không phải lúc nào thiệt hại xảy ra cũng do hành vi của bên vi phạm. Trong một số trường hợp, thiệt hại đó có thể là do hành vi của bên có quyền. Về nguyên tắc, chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình và không ai phải gánh chịu trách nhiệm do hành vi của người khác gây ra. Vì thế, điều luật này quy định trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.
Trường hợp lỗi được xác định là lỗi hỗn hợp, tức hành vi vi phạm nghĩa vụ và gây thiệt hại xuất phát từ cả hai phía, thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường trong phạm vi nghĩa vụ của mình. Quy định này nhằm cân bằng lợi ích của các bên, đồng thời gắn trách nhiệm của các bên với hành vi của mình.
Trường hợp toàn bộ lỗi đều thuộc bên có quyền, tức hành vi vi phạm và gây thiệt hại hoàn toàn do lỗi của bên có quyền, thì bên vi phạm nghĩa vụ không phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích của bên có nghĩa vụ, trong trường hợp bên có quyền cố tình gây thiệt hại để nhận bồi thường từ bên có nghĩa vụ. Theo đó, để chứng minh mình không có lỗi trong việc gây thiệt hại, bên có nghĩa vụ phải chứng minh được lỗi đó là do bên có quyền và được pháp luật công nhận.
Tại khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại là khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Để đảm bảo tính thiện chí, trung thực của các bên khi tham gia xác lập giao dịch dân sự, pháp luật đã quy định chặt chẽ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi.
Điều 363. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi
Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338